Hệ thống kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp

GD&TĐ - Các quy trình kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp vẫn còn được vận hành theo cách thủ công.

BSCKII Nguyễn Trí Dũng trình diễn thao tác vận hành trên Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp.
BSCKII Nguyễn Trí Dũng trình diễn thao tác vận hành trên Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp.

Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn của dịch tễ học, dự báo tình hình dịch bệnh, có thể áp dụng ngay.

Kiểm soát các bệnh lây truyền trực tiếp

BSCKII Nguyễn Trí Dũng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, mỗi năm, thành phố ghi nhận hàng chục ngàn trường hợp bệnh tay chân miệng. Cao điểm của bệnh thường xuất hiện vào tháng 9 với nhiều ổ dịch trong các trường học, từ đó tiếp tục lây lan sang các cụm dân cư khác. Trong khi đó, bệnh sởi dù đã có vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng vẫn xảy ra dịch với tần suất sau mỗi 3 - 4 năm.

“Hằng năm, các bệnh lây truyền trực tiếp khác như thủy đậu, quai bị, rubella… vẫn gây ra những ổ dịch, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiện đại, được vận hành và quản lý chặt chẽ thông tin để kịp thời đáp ứng với từng dịch bệnh”, BS Dũng cho biết.

Các quy trình kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp vẫn còn được vận hành theo cách thủ công. Hoạt động điều tra, xử lý ca bệnh, giám sát người tiếp xúc, xử lý ổ dịch được theo dõi, lưu vết qua hồ sơ giấy; việc thu thập, chuyển gửi, trao đổi thông tin giữa các tuyến chủ yếu qua email có thể dẫn đến thất lạc hồ sơ lưu, chia sẻ thông tin chậm trễ ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát dịch, không đánh giá được diễn tiến thực.

Trước vấn đề này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực và hiệu quả Hệ thống kiểm soát các bệnh lây truyền trực tiếp tại TPHCM”.

Nhóm đã đánh giá toàn bộ Hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm hiện hành, từ đó triển khai thiết kế, xây dựng quy trình tổ chức vận hành hoạt động của Hệ thống thông tin kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp trên cơ sở kết hợp giữa dữ liệu hệ thống thông tin địa lý GIS và công nghệ Blockchain.

Giải pháp này cho phép đánh giá diễn biến dịch theo không gian, thời gian và ứng dụng Blockchain để đảm bảo tính bảo mật, an toàn của cả hệ thống. Nhóm đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS tích hợp với phần mềm quản lý và kiểm soát bệnh để nhận thông tin, dữ liệu đầu vào.

Sau đó, thể hiện dữ liệu không gian địa lý trên các lớp và mô hình thực tế để giúp người dùng nhìn rõ số liệu về dịch bệnh trên bản đồ số, tạo nhiều thuận lợi trong công tác điều tra, truy vết, hình thành góc nhìn toàn cảnh về diễn biến dịch bệnh.

Truy vấn, quản lý ca bệnh dễ dàng

BSCKII Nguyễn Trí Dũng cho biết, bên cạnh chức năng thể hiện bản đồ chuyên đề ca bệnh, ứng dụng GIS còn đóng vai trò làm công cụ thực hiện cập nhật không gian về tiêm chủng, ổ dịch, tìm kiếm, mô tả ca bệnh theo các tiêu chí không gian, thống kê và phân tích số liệu theo vùng được chọn.

Nhóm thực hiện cũng ứng dụng công nghệ Blockchain để quản lý các vùng dữ liệu được tạo dựng, bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu và hệ thống hoạt động liên tục (24/7), lưu vết tác vụ của người dùng; đảm bảo tính trách nhiệm và pháp lý. Thông tin (ca bệnh, địa điểm, mốc dịch tễ, ca tiếp xúc, ổ dịch…) còn được xâu chuỗi thành những mối liên kết, mối quan hệ giữa các đối tượng.

Phương thức quản lý các bệnh lây truyền trực tiếp chuyển từ cách quản lý dựa vào số ca bệnh trong từng phạm vi hành chính sang quản lý theo chuỗi lây nhiễm, nên phù hợp hơn với phương thức lây truyền bệnh và đặc trưng giao lưu, di chuyển mạnh của người dân đô thị. Phương thức quản lý theo chuỗi lây nhiễm cũng hỗ trợ theo dõi ca bệnh chính xác hơn, đánh giá đúng diễn tiến của bệnh và từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp.

Cũng theo BS Nguyễn Trí Dũng, nhóm thực hiện đã xây dựng bộ quy trình kiểm soát bệnh lây truyền trực tiếp, dự kiến áp dụng cho 28 bệnh, có những hoạt động can thiệp khác nhau đối với ca bệnh, ổ dịch và người tiếp xúc ở từng loại bệnh. Bên cạnh đó, nhóm cũng thử nghiệm mô hình bảo đảm sự liên thông, kết nối, chia sẻ và tích hợp dữ liệu không gian bằng cách tiến hành điều tra và nhập liệu 61 trường hợp bệnh tay chân miệng và 30 trường hợp ca tiếp xúc.

Kết quả cho thấy, hệ thống giúp giảm thiểu thời gian thao tác cho từng vị trí vì các thông tin về ca bệnh/ổ dịch cần theo dõi luôn được chia sẻ đến những cá nhân cần sử dụng và được phân quyền, có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ theo thời gian, không gian; thông tin điều tra xử lý được lưu trữ đầy đủ và trình bày trực quan giúp việc ra quyết định được thuận lợi.

Hệ thống đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn của dịch tễ học như thể hiện trực quan sự hình thành chuỗi lây nhiễm, khả năng lây lan bệnh theo từng đặc điểm địa lý - kinh tế - xã hội, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh… Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý trong theo dõi tiến độ của việc xử lý dịch tại 1 địa điểm bất kỳ trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ