Hệ thống giáo dục mở nên hiểu theo cách của thế giới

GD&TĐ - Đó là ý kiến của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục về hệ thống giáo dục quốc dân.

Giáo dục mở (open education) là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ. Ảnh: Minh Phong
Giáo dục mở (open education) là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ. Ảnh: Minh Phong

Hướng tới sự đồng thuận về giáo dục mở

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến– cho rằng: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.

“Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương xây dựng hệ thống giáo dục mở đã được đưa thành quan diểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Có điều thế nào là hệ thống giáo dục mở. Hiện nay, mỗi người chúng ta đều có cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Vì vậy cần phải được định nghĩa hướng tới sự đồng thuận” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nên hiểu theo cách hiểu của thế giới. Theo đó giáo dục mở (open education) là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ. Vấn đề là định nghĩa này được đưa vào ngay trong Luật hay để quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

“Theo tôi nên để trong Nghị định vì nó còn liên quan đến một nội dung nữa cần bổ sung vào hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là khung trình độ quốc gia” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.

Liên quan đến Khung trình độ quốc gia(KTĐQG), TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - cho rằng, đây là một công cụ quản lý giáo dục mới được đưa vào giáo dục thế giới khoảng 20 năm nay, gắn liền với xu thế phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng và xây dựng hệ thống giáo dục mở,học tập suốt đời.

Nếu hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD), kể cả hệ thống mô tả theo phân loại ISCED, tập trung vào các yếu tố đầu vào như nội dung chương trình và thời gian học tập thì KTĐQG tập trung vào kết quả học tập đầu ra, bất kể thời gian học, nơi học và cách học.

Vì thế, ngày nay, KTĐQG là công cụ cần thiết và không thể thiếu trong việc hoàn thiện HTGDQD trên phương diện thúc đẩy học tập suốt đời và gắn đào tạo với sử dụng.

“Với quan niệm như vậy, cần bổ sung vào Điều 4 một Khoản 3 như sau: “Chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định trong Khung trình độ quốc gia” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý.

Cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân gắn liền với hai khái niệm mới là giáo dục mở và KTĐQG, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – phân tích: Luật Giáo dục không có Điều về giải thích từ ngữ nên việc làm rõ và quy định chi tiết về hai khái niệm này cần được thể hiện trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Điều đó có nghĩa là cuối Điều 4 cần bổ sung Khoản 4 như sau: “ Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống giáo dục mở và KTĐQG”.

Cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, việc xây dựng hệ thống giáo dục mở sẽ có tác động toàn hệ thống lên các yếu tố của giáo dục. Điều này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Tuy nhiên, trong phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cần xem xét ngay đến các quy định có liên quan đến văn bằng, giáo dục thường xuyên và quản lý nhà nước về giáo dục.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Việc xây dựng hệ thống giáo dục mở sẽ có tác động toàn hệ thống lên các yếu tố của giáo dục
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Việc xây dựng hệ thống giáo dục mở sẽ có tác động toàn hệ thống lên các yếu tố của giáo dục

Quy định về văn bằng hiện không còn phù hợp

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – cho biết: Hiện nay Điều 8 về văn bằng quy định như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của Luật này”.

Mà tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo quy định của Luật GD hiện hành nghĩa là học hết chương trình của bậc trình độ đó, có đủ điều kiện thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp (xem các điều 37 và 43).

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – cho rằng, quy định này hiện không còn phù hợp. Trong quy định hiện nay về KTĐQG cũng đã thay đổi như sau: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào thì được cấp bằng của bậc trình độ đó”.

Dự thảo 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã sửa đổi lại quy định về văn bằng như sau: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.

“Xét như vậy thì để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật giáo dục, cần sửa lại câu đầu của Điều 8 như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của bậc trình độ theo quy định của Luật này”. Cùng với việc sửa Điều 8, cần có việc sửa tương ứng các quy định của Điều 37 và 43” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ