Vấn đề cơ bản cần bổ sung vào Luật Giáo dục

GD&TĐ - Tại Hội nghị tham vấn các chuyên gia về sửa đổi bổ, sung một số điều của Luật Giáo dục, do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức mới đây, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục là một cơ hội quan trọng để đưa được một số vấn đề cơ bản của việc tổ chức xã hội học tập và triển khai việc học tập suốt đời vào Luật.

 Vấn đề cơ bản cần bổ sung vào Luật Giáo dục

Xây dựng xã hội học tập đủ các thiết chế GD

Theo GS Phạm Tất Dong, vấn đề học tập suốt đời đã được thế giới đặt ra từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II và được đặc biệt chú ý thúc đẩy khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 tạo ra những cơ sở vật chất và kỹ thuật cho sự hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức. Khái niệm xã hội học tập cũng dần dần được đưa vào các văn kiện về Chiến lược phát triển giáo dục của nhiều quốc gia.

Người ta chủ trương xây dựng xã hội học tập chứ không phải là xã hội giáo dục, bởi vậy việc xây dựng một xã hội mà trong đó có đủ các thiết chế giáo dục là quá cần, có thể làm được nếu có quyết tâm chiến lược và sẽ thuận lợi hơn khi giàu có, nhưng để từng người dân (không phân biệt giới tính, tuổi tác, thành phần xã hội, trình độ nghề nghiệp, dân tộc, địa vị xã hội…) tự giác học tập suốt đời, coi học như một nghĩa vụ công dân, thì không phải là chuyện dễ dàng.

Bản thân Bộ luật Giáo dục hiện hành đang thể hiện khá rõ nét nước ta là một xã hội giáo dục đang phát triển, nhưng qua Bộ luật này, xã hội học tập vẫn là một hình ảnh mờ nhạt.

GS Phạm Tất Dong nói: “Xét từ góc độ xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập để nhìn vào nội dung Luật Giáo dục hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng: Người lớn là đối tượng chính của việc tổ chức học tập suốt đời, bởi hệ giáo dục ban đầu sẽ đồng hành với thế hệ trẻ cho đến khi họ học xong bậc học cao nhất là đại học (khoảng 22 - 23 năm), sau khi học xong vòng đầu này thì tất cả đều đi vào vòng giáo dục thứ hai và giáo dục lần này sẽ đi theo con người cho đến khi họ kết thúc cuộc sống”.

GS Phạm Tất Dong kiến nghị, trong Luật Giáo dục bổ sung, nhất thiết phải cân đối các điều, các khoản về giáo dục ban đầu và giáo dục tiếp tục. Như vậy, chúng ta mới có hệ thống giáo dục mở đích thực.

Trong Luật nên dùng những khái niệm giáo dục người lớn và việc học tập của người lớn. Có người rất ngại cụm từ giáo dục người lớn. Đó là một sự vô lý. Trên thế giới, cứ khoảng 5 – 6 năm lại có một hội nghị quốc tế về giáo dục người lớn. Đến năm 2015, đã có 11 hội nghị quốc tế về giáo dục người lớn được tổ chức. Tiếc rằng, Việt Nam chưa bao giờ có đại biểu đi dự những hội nghị này.

Trong Luật cần có điều khẳng định về tầm quan trọng của giáo dục không chính quy cho người lớn, khẳng định phải đầu tư hơn nữa cho sự phát triển các cơ sở giáo dục không chính quy để hơn 60 triệu người lớn (từ người bắt đầu đi vào lao động cho đến những người về hưu, những người cao niên) để tạo ra những điều kiện thuận lợi, giúp người lớn tiến hành việc học tập của mình.

Nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ

GS Phạm Tất Dong cho rằng, trong Luật Giáo dục hiện hành, sự quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực nhưng gần như không để ý đến phát triển nhân lực.

Hệ thống giáo dục ban đầu đào tạo thế hệ trẻ thành lực lượng lao động cho tương lai mà ta gọi là nguồn nhân lực. Nhưng, với người lớn – nhân lực tại chỗ - có là lực lượng đầy đủ năng lực sáng tạo để đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, bảo vệ đất nước tốt hay không… sẽ tùy thuộc vào việc tổ chức và đầu tư cho giáo dục tiếp tục.

Không học tập thì hàng triệu lao động hiện nay sẽ lạc hậu về trình độ công nghệ và sẽ không tiếp cận được những thành quả quan trọng của kinh tế tri thức, sẽ đứng ngoài ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ thiếu năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Nhà nước đang đầu tư quá hạn chế cho việc nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, hệ quả tất yếu là lao động của chúng ta thua xa lao động nước ngoài về năng suất làm việc, về năng lực làm chủ công nghệ cao và kỹ thuật mới và rất khó khăn để vượt qua giới hạn của sự nghèo đa chiều.

Mong muốn đưa vấn đề GD cho người lớn vào Luật Giáo dục

Theo GS Phạm Tất Dong, nhất thiết trong Điều 44 phải có mệnh đề: Nhà nước phải có chính sách giáo dục thường xuyên để thúc đẩy việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập.

Phải nói đến học tập của người lớn thì mới kéo theo chính sách phát triển hệ thống giáo dục người lớn. Ông đề nghị nên dùng thuật ngữ GIÁO DỤC NGƯỜI LỚN trong Luật Giáo dục của chúng ta.

Ông cũng cho rằng, Chính phủ đang có Đề án Dạy nghề cho người lớn và dạy nghề cho lao động nông thôn. Với nông dân và lao động nông thôn, nhất thiết phải dạy nghề có thời gian lao động dưới 3 tháng. Có nghề là có thu nhập và có nghề ít có nguy cơ mù chữ trở lại.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã hoàn thành tới việc phổ cập giáo dục phổ thông, những công chức, viên chức, cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo luôn rơi vào tình trạng thiếu kỹ năng để làm tốt công việc họ đang phụ trách và do đó, họ không đáp ứng yêu cầu lao động nghề nghiệp. Mù những kỹ năng cần thiết chính là mù chữ trực dụng.

Dù dạy nghề nào thì cũng phải bắt đầu bằng hướng nghiệp để người lớn nhận thức được xã hội đang cần nghề gì và phải giáo dục tinh thần khởi nghiệp (Startup). Khởi nghiệp tốt thì sẽ giảm bớt số người ăn lương Nhà nước, sống bằng biên chế Nhà nước.

“Ngay từ bây giờ, Luật Giáo dục cần thúc đẩy việc học tập tại nơi làm việc, học tập vì công việc và học tập tại nhà trên cơ sở khuyến khích, hỗ trợ việc tự học của người lớn. Cần khẳng định lại vị trí của trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn xã, phường, thị trấn, chấm dứt những việc làm vi phạm Luật Giáo dục hiện hành như xóa sổ trung tâm học tập cộng đồng bằng cách sáp nhập nó với trung tâm văn hóa – thể thao” - GS Phạm Tất Dong chia sẻ .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ