Trung Quốc xếp hạng cao trong kỳ thi PISA
Trong chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, những HS 15 tuổi từ Bắc Kinh và Thượng Hải cũng như Giang Tô và Chiết Giang đã vượt qua bạn bè ở 78 quốc gia khác trong môn toán và khoa học. Trong môn đọc, chỉ có HS Singapore theo sát họ.
Thực tế, 10% HS có hoàn cảnh khó khăn nhất ở 4 khu vực trên của Trung Quốc (có tổng dân số khoảng 180 triệu người) đã thể hiện các kỹ năng đọc tốt hơn HS trung bình thuộc các nước OECD và họ có khả năng ngang bằng với 10% HS giàu có ở một số nước trên.
HS Trung Quốc lần đầu tham gia vào PISA năm 2009, khi đó, HS từ Thượng hải xếp hạng cao nhất và thành phố này tiếp tục đứng đầu trong kỳ thi năm 2012, trong khi HS từ Anh xếp thứ 26 về môn toán.
Bảng xếp hạng của PISA đã khiến thế giới quan tâm tới các phương pháp của Trung Quốc và Anh đã tăng cường trao đổi với GV và các trường học Trung Quốc để tìm cách cải thiện chất lượng.
Gần 600 GV từ Anh và Trung Quốc, chủ yếu là từ trường tiểu học, đã tham gia vào cuộc trao đổi trên từ năm 2014 và khoảng 5.000 trong số 16.000 trường tiểu học của Anh đã áp dụng phương pháp dạy toán của Thượng Hải.
Các chuyên gia nói rằng kết quả tốt liên tục về môn toán của Thượng Hải đã nhấn mạnh giá trị của việc hiểu được yếu tố đứng sau thành công của Trung Quốc và xem có thể áp dụng ở nơi khác được không.
Học giả GD David Johnson của ĐH Oxford nói, “bất kỳ ví dụ thành công nào hay thành tích ở đâu đó cũng là điều mà các quốc gia nên xem xét nghiêm túc. Đó là lý do chính đáng để nhìn vào Trung Quốc về cách họ làm trong môn toán”.
Giáo sư ngành GD Mark Boylan của ĐH Sheffield nói rằng thành công của Trung Quốc PISA 2918 đã khuyến khích các nhà hoạch địch chính sách của Anh tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Phương pháp này đã mở rộng sang cả môn đọc.
Việc đánh giá của PISA được tiến hành 3 năm một lần và có thơn 500.000 SV trên khắp thế giới tham gia làm các bài kiểm tra trong vòng 2 giờ.
HS Anh tiến bộ có phải do áp dụng cách dạy của Thượng Hải?
Trong kỳ thi PISA 2018, HS từ 4 khu vực ở Trung Quốc có số điểm toán trung bình là 591 – cao hơn 100 so với mức trung bình của OECD. HS Anh có điểm trung bình môn toán là 502, nhảy từ vị trí 27 lên 18 sau 3 năm.
Tuy hoan nghênh kết quả của PISA nhưng Trung tâm quốc gia về sự xuất sắc trong giảng dạy toán của Anh nói: “Còn quá sớm để đưa ra mối liên hệ nào giữa kết quả và những thay đổi về dạy toán trong các trường học Anh”.
Chương trình trao đổi tập trung chủ yếu tại các trường tiểu học và gần đây tại một vài trường trung học cơ sở. HS tham gia vào kỳ thi PISA gần đây nhất đều có độ tuổi từ 15 và 16 tính đến mùa thu năm 2018.
Điều này có nghĩa là các em đã rời tiểu học vào mùa hè 2014 trước khi sáng kiến giảng dạy mới bắt đầu có tác động.
Học giả Johnson của ĐH Oxford nói rằng mặc dù không thể rút ra mối tương quan chặt chẽ giữa chương trình trao đổi của Thượng Hải với việc HS Anh có tiến bộ, nhưng “ít nhất, về bề ngoài, những GV tham gia đều có lý do để thấy vui vẻ tiếp tục sử dụng các phương pháp đó”.
Các chuyên gia GD cũng chỉ ra rằng Trung Quốc còn một chặng đường dài để cải thiện các lĩnh vực khác.
Nguyên hiệu trưởng Zhang Xuanmin của ĐH Shanghai Normal và là người phụ trách dự án PISA ở Thượng Hải, nói rằng tuy kết của của HS Trung Quốc trong kỳ thi mới nhất của PISA là tin đáng mừng nhưng 4 khu vực tham gia thi không phản ánh toàn bộ Trung Quốc.
“Toán, khoa học và đọc.. đều là những môn quan trọng trong GD cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần làm và HS Trung Quốc cần phải cản thiện năng lực xã hội và cảm xúc” – ông Zhang nói – “Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng GD cơ bản không phải là toàn bộ quá trình GD”.
“Trong danh sách 100 trường ĐH hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm 45 tới 50 trường, hơn 30 trường ở châu Âu, hơn 10 trường ở châu Á Thái Bình Dương và chỉ có 2-3 trường ở Trung Quốc, do đó nước này còn cả một chặng đường dài ở phía trước” – ông Zhang nói thêm.