Liên quan đến chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, Quốc hội đã có ý kiến, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục mầm non.
Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đề nghị nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; về phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.
Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có nội dung liên quan đến chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Báo cáo nêu rõ, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non tại khoản 1 Điều 72: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non”.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 119: “Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 72 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn”.
Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm đã phân tích phương thức đào tạo nâng chuẩn và nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo tính khả thi, như sau:
Nếu theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn tổng cộng hiện nay là 107.150 giáo viên, chiếm 33,8%;
Tuy nhiên đến thời điểm Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thì số giáo viên mầm non chưa đạt trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm chỉ còn khoảng 80.000 người.
Khi thực hiện chính sách này, các cơ sở giáo dục mầm non sẽ không tuyển mới giáo viên mầm non trình độ trung cấp sư phạm, đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm tính từ thời điểm Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn mà chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới; số còn lại sẽ thực hiện đào tạo nâng chuẩn theo hình thức đào tạo liên thông từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm (thời gian đào tạo 1 năm, lộ trình thực hiện trong 5 năm).
Việc đào tạo nâng chuẩn sẽ gắn với việc đào tạo lại giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDMN.