Quy định chuẩn trình độ trung cấp đã “lỗi thời”
Theo nhóm nghiên cứu, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), hệ thống giáo dục mầm non (GDMN) đã đạt những thành tựu quan trọng. Cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đặt ra mục tiêu của GDMN là giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp1. Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4, trong đó có mục tiêu 4.2: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả bé trai và gái được tiếp cận giáo dục mầm non và giáo dục tiền tiểu học có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho các em vào tiểu học.
Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới ban hành 2009, được điều chỉnh năm 2016 đã được thực hiện ở hầu hết các cơ sở GDMN. Chương trình đặt ra yêu cầu cao về chất lượng, đòi hỏi giáo viên mầm non có trình độ, năng lực cao hơn để thực hiện đúng các yêu cầu của Chương trình GDMN. Hiện nay, nhiều giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non có trình độ đào tạo trung cấp sư phạm chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình. Yếu kém về chất lượng giáo viên là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở GDMN.
Vai trò của giáo viên mầm non là tổ chức phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ. Mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển con người. Để đạt mục tiêu chất lượng GDMN, GDMN cần có kiến thức tổng hợp về tâm lý, sinh lý, sức khỏe, dinh dưỡng, kiến thức về tạo hình, âm nhạc, phương pháp phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ. Hiện tại, giáo viên được đào tạo bậc trung cấp với thời gian đào tạo (từ 1 - 2 năm) và chương trình đào tạo hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu nói trên. Hệ quả là trình độ chuyên môn nghiệp vụ một bộ phận giáo viên mầm non chưa đáp ứng nhu cầu công việc; thiếu kiến thức về tâm lý trẻ em, âm nhạc, hội họa, chăm sóc sức khỏe, giới tính, an toàn thực phẩm trường học.
Mặc khác, do thời gian đào tạo ngắn, giáo sinh trung cấp mầm non tập trung học lý thuyết mà không có điều kiện và thời gian để thực tập nghề nên thiếu kỹ năng xử lý tình huống, để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ gây những bức xúc nhất định trong xã hội. Quy trình tư vấn tuyển sinh và lựa chọn thí sinh trúng tuyển vào trung cấp sư phạm tương đối dễ dãi nên bộ phận nhỏ giáo sinh sau khi ra trường có biểu hiện thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách, tình yêu với trẻ và yêu nghề hoặc có hành vi bạo lực với trẻ.
Căn cứ nâng chuẩn giáo viên mầm non
Nhóm nghiên cứu đưa ra các căn cứ cho việc xây dựng chính sách nâng chuẩn trình độ của giáo viên mầm non gồm:
Thứ 1: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đặt ra yêu cầu “Nhiệm vụ của GDMN là tiếp tục đổi mới và chuẩn hóa nội dung GDMN, chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách”. Nhiệm vụ này yêu cầu giáo viên phải có năng lực tương ứng mà trình độ trung cấp sư phạm không đáp ứng được.
Thứ 2: Hoàn thiện cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền được học tập, được chăm sóc, bảo vệ của trẻ em phù hợp với Hiến pháp 2013 và các Công ước quốc tế về quyền con người, quyền trẻ em mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Thứ 3: Tại các phiên thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội yêu cầu nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Thứ 4: Kinh nghiệm quốc tế ở các nước phát triển cho thấy, họ đều yêu cầu GV mầm non phải được đào tạo trình độ cao đẳng hoặc đại học.
Thứ 5: GDMN là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu GDMN. Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp lên CĐ là nhu cầu cấp thiết và cũng là nhân tố quyết định thực hiện thành công mục tiêu giáo dục.
Lộ trình nâng chuẩn đào tạo sẽ kéo dài
Tổng số giáo viên bậc mầm non cả nước trong năm học 2017 - 2018 (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên. Theo số liệu thống kê năm học 2016 - 2017, nếu theo chuẩn trình độ được đào tạo hiện hành thì số giáo viên mầm non đạt và vượt chuẩn trình độ chuyên môn là 332.403 (chiếm 98,5%). Nếu theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là tốt nghiệp CĐ sư phạm thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150, chiếm 33,8%.
Tuy nhiên, đây là số liệu của năm học 2016 - 2017. Nếu ước tính vào thời điểm Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực, thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt trình độ CĐ sẽ giảm nhiều so với thống kê nói trên, do: Số giáo viên chưa tốt nghiệp CĐ phần lớn thuộc nhóm giáo viên lớn tuổi nên sẽ hết tuổi lao động trước khi quy định về chuẩn đào tạo GV mầm non theo Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực vào 2026, nhóm giáo viên mới tuyển dụng đều có trình độ CĐ trở lên; số lượng giáo viên tuy chưa tốt nghiệp CĐ nhưng hiện tại học CĐ, ĐH hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo liên thông… sẽ tốt nghiệp trong thời gian 2018, 2019.
Theo nhóm nghiên cứu, ước tính thời gian đào tạo mỗi khóa học chuyển tiếp từ trung cấp lên CĐ khoảng 1 năm. Nếu các cơ sở GDMN cử giáo viên đi học theo hình thức “cuốn chiếu” theo từng khóa thì lộ trình nâng chuẩn đào tạo sẽ kéo dài khoảng 5 năm. Để làm được điều này, trong điều khoản chuyển tiếp của Luật Giáo dục (sửa đổi) đã thể hiện rõ: “Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non quy định tại Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026”.
Phương pháp thực hiện được nhóm nghiên cứu đề xuất. Theo đó, đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn mà chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với các trường trung cấp sư phạm mầm non sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường CĐ sư phạm (nếu hội tụ đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường CĐ... Cả nước có tới 94 trường ĐH, CĐ là trường sư phạm hoặc có đào tạo ngành sư phạm có thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn GV mầm non; Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp mầm non.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, tuy có những khó khăn nhất định, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch và lộ trình thực hiện và sự hỗ trợ các nguồn lực từ phía Nhà nước, chắc chắn đội ngũ giáo viên mầm non sẽ nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để khẳng định vị thế của nhà giáo và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Về kinh nghiệm quốc tế: Tại Nhật Bản, để trở thành giáo viên mầm non, ứng viên cần có một trong ba loại giấy phép giảng dạy. Các khóa học liên quan đến giảng dạy mầm non thường bao gồm cả nội dung như tâm lý giáo dục, piano, phương pháp dạy học nghệ thuật và giáo dục thể chất. Trong khi đó, một người muốn hành nghề trông trẻ cần tốt nghiệp từ một trường dạy nghề được chính phủ công nhận hoặc vượt qua một kỳ thi quốc gia.
Phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo ĐH hoặc sau ĐH (thạc sỹ hoặc chứng chỉ sau ĐH) đối với giáo viên mầm non, như: Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Anh (và phần lớn các nước Tây Âu khác), Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc. Nhiều nước trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan, Malaysia.