Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn của cô cậu học trò xứ Dừa

GD&TĐ - Đó là sáng kiến của Dương Duy Minh - Học sinh lớp 12 A Trường THPT Lê Anh Xuân (Mỏ Cày Bắc) và Trình Minh Thư - Học sinh lớp 11 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Bến Tre vừa đoạt giải nhì tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2015-2016 khu vực phía Nam.

Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn của cô cậu học trò xứ Dừa

Hai bạn đã gặp và kết bạn với nhau trên mạng Facebook và có cùng ý tưởng thiết lập hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn, khi cảm nhận sự vất vả của người dân xứ Dừa bị nước mặn xâm nhập sớm hơn hàng năm.

Vào tháng 12 âm lịch, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông ở Bến Tre với độ mặn trên 4o/oo cách biển hơn 50km và nay toàn tỉnh đều ngập mặn, khiến nhiều gia đình không kịp trữ ngọt, thiếu nước sinh hoạt.

Nước mặn xâm nhập sớm còn tác động đến ruộng lúa, vườn cây trái. Lúa đang xanh mướt, bị vàng úa, chết khô. Vườn cây rụng trái, cháy lá vì không chịu đựng nổi độ mặn cao.

Cảm nhận cơn khát ngọt của nhiều người, Minh và Thư bàn với nhau là cần có hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn để nhà nhà có kế hoạch trữ nước ngọt cho sinh hoạt đời sống, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.

Từ thực tế này, Minh và Thư có cùng ý tưởng lập trang web thông tin đến mọi người về độ mặn xâm nhập vào các cửa sông ở Bến Tre ngay từ xa.

Hai bạn trình bày ý tưởng của mình, được gia đình, thầy cô khuyến khích thực hiện. Minh được Ban Giám hiệu tạo điều kiện tốt nhất để thể hiện đề tài, như: trong thi kiểm tra, nếu Minh bận thực hiện đề tài, nhà trường tạo điều kiện cho em thi sau.

Trong quá trình diễn đạt đề tài, hai bạn được thầy Bùi Văn Tròn - Giáo viên vật lý của Trường THPT Lê Anh Xuân - giúp đỡ về hồ sơ pháp lý, góp ý chỉnh sửa, hướng dẫn trình bày ý tưởng.

Minh và Thư xây dựng nội dung website gồm dự báo, biểu đồ, các bài viết liên quan đến môi trường, diễn biến khí hậu, liên hệ Trung tâm Khí tượng thủy văn của tỉnh cập nhật thường xuyên diễn biến độ mặn ở các trạm đo mặn: Giao Hòa (sông Tiền), An Thuận, Phú khánh (sông Hàm Luông), Bến Trại, Thành Thới B ( sông Cổ Chiên), Mỹ Hóa (sông Hàm Luông).

Thầy Đỗ Thành Nhân - Giáo viên tin học của trường - giúp Minh và Thư thiết kế giao diện website. Minh được nhà trường cử làm nhóm trưởng.

Trong quá trình thể hiện Minh luôn tìm các thông tin về khí khậu, môi trường cập nhật cho trang web của mình thêm phong phú, mang lại lợi ích cho người xem.

Đề tài “Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn - Ứng phó biến đổi khí hậu” được trao giải nhì vòng tỉnh, giải nhì cấp quốc gia dành cho học sinh cấp trung học...

Nhận xét về cậu học trò Dương Duy Minh, thầy Bùi Văn Tròn cho biết: Minh là học sinh năng động, luôn chịu khó tìm tòi trong quá trình nghiên cứu, khi bí lắm mới tìm đến thầy.

Minh là học sinh giỏi đều các môn từ lớp 10 đến học kỳ 1 lớp 12 của năm học này. Trong quá trình xây dựng trang website cả Minh và Thư đều dồn nhiều tâm sức thực hiện thành công đề tài.

Trang web Dự báo xâm nhập mặn Bến Tre của Đỗ Duy Minh và Trình Minh Thư có nội dung cảnh báo đầy đủ độ mặn đo thường xuyên ở các trạm đo mặn ở tỉnh.

Trên trang web còn có biểu đồ cho biết độ mặn năm trước với năm hiện tại và khuyến cáo một số độ mặn nên tưới hay không tưới. Cung cấp cho nhà nông về các loại cây trồng phù hợp với từng độ mặn khác nhau để thích ứng với sản xuất…

Ngoài ra, trang website còn có các bài viết về thiên tai, phổ biến kiến thức về bão lũ, hỏi đáp về khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu…

Mọi thắc mắc về khí tượng thủy văn có thể chuyển đến trang web này theo cú pháp: # kt và gởi đến số điện thoại trong sim của thiết bị: 01649153819, thiết bị sẽ trả lời cho người gởi hai tin nhắn. Website “Dự báo xâm nhập mặn Bến Tre” lưu hành trên  Internet với địa chỉ: www.kttv.bentre.vn

Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn của cô cậu học trò xứ Dừa ảnh 1Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn của cô cậu học trò xứ Dừa ảnh 2Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn của cô cậu học trò xứ Dừa ảnh 3Hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn của cô cậu học trò xứ Dừa ảnh 4
Website Dự báo xâm nhập mặn Bến Tre của Trường THPT Lê Anh Xuân rất hữu ích, giúp người dân nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu, ngừa mặn, trữ ngọt. Nhà nông kịp thời chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu rủi ro. Đề tài có thể áp dụng ở các tỉnh ven biển.

Tuy nhiên, đề tài rất cần được các cơ quan chức năng có quỹ bảo trợ khoa học như: Sở Khoa học và công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật hỗ trợ thực hiện rộng rãi giúp sinh viên, người dân ứng dụng khoa học, không nên dừng lại ở ý tưởng mô hình.

Cô Ngô Thúy Nga - Phó Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Bến Tre)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ