Hệ lụy từ việc chặt cổ thụ vô tội vạ

Hệ lụy từ việc chặt cổ thụ vô tội vạ

Sau sự việc cây phượng vĩ ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bật gốc khiến một nam sinh lớp 6 tử vong và nhiều em khác bị thương, một số hiệu trưởng trường học trên cả nước liền cho chặt hàng loạt cổ thụ nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tuy nhiên, hành động chặt cổ thụ vô tội vạ ở trường khiến dư luận không khỏi bức xúc vì cách làm tùy tiện này.

Thay vì tìm nguyên nhân vì sao cổ thụ gãy đỗ để tìm ra những giải pháp khả quan nhằm phòng ngừa tai nạn ở trường học thì lãnh đạo cứ cho chặt cây là xong, coi như đã thở phào nhẹ nhõm mà không còn phải ngay ngáy lo sợ bất trắc có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, việc chặt cổ thụ tùy tiện (trong đó đa phần là cây phượng vĩ) để lại những hệ lụy rất lớn ở môi trường học đường ngày nay.

Thứ nhất, trường học – nhất là ở những đô thị, thường thiếu cây xanh, mảng xanh vì không gian trường hạn chế, thiếu nơi trồng cây.

Để có những cây phượng tươi tốt, ra hoa đẹp cũng mất cả chục năm nếu trồng từ cây con. Còn trường nào mua những cây đã phát triển, có thân hình cao lớn về trồng thì cũng vài ba năm sau phượng mới có thể phát triển và trổ hoa.

Như thế, lẽ ra trường học cần phải trồng thêm nhiều cây xanh để tạo ra bóng mát và tạo không khí trong lành nơi đông người thì người ta lại đi chặt cổ thụ – chẳng phải làm một việc ngược đời sao?

Thứ hai, phượng bị đốn hạ hết khiến học sinh không có chỗ vui đùa lúc ra chơi hay tránh nắng vào những ngày hè oi ả. Thay vào đó, các em sẽ tụ tập ở lớp học và nhiều chuyện không hay sẽ xảy ra ở đây.

Đó là, lớp học nhỏ, hành lang hẹp, có khi ở tận tầng 4, tầng 5, trong khi học sinh ở bậc nào cũng rất nghịch ngợm nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhẹ thì cũng xây xát, sứt đầu mẻ trán, nặng hơn có thể gãy chân tay hoặc hơn thế nữa.

Thứ ba, ra quyết định chặt đi cây phượng trong sân trường có lẽ là chuyện vặt của các hiệu trưởng trong mùa hè này, nhưng nó lộ ra một lỗ hổng lớn ở một số địa phương.

Trong việc chặt bỏ cây phượng khắp nơi, học sinh làm sao có thể học được từ các thầy cô về tư duy khoa học, tư duy phản biện; làm sao có thể trân trọng việc nghiên cứu khoa học; làm sao có thể học cách quản trị rủi ro?

Các em học được gì từ những người thầy của mình qua việc ứng xử như thế này? Giải pháp nhanh nhất, dễ nhất, gọn nhất hiếm khi là giải pháp tốt nhất.

Thứ tư, sau khi chặt hết cổ thụ thì nhà trường phải trồng lại những cây mới, như thế sẽ rất lãng phí về công sức, thời gian, tiền bạc. Cần biết rằng, sau trận đại dịch Covid-19, nhà trường hầu như đều gặp khó khăn về tài chính vì không thu được học phí. Như thế, nếu trường học chi nhiều cho việc trồng mới lại cây xanh thì kéo theo các hoạt động giáo dục khác của học sinh không được đảm bảo và chất lượng giáo dục cũng bị ảnh hưởng.

Và có thể lãnh đạo sẽ huy động kinh phí từ phụ huynh học sinh – gọi là xã hội hóa giáo dục, nhằm góp công góp của cho nhà trường. Điều này dẫn tới lạm thu, khiến môi trường học đường xấu đi vì đụng chạm đến chuyện tiền nong – một vấn đề rất nhạy cảm hiện nay.

Thứ năm, phượng biểu trưng cho tuổi học trò – lứa tuổi hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng sẽ theo mỗi chúng ta đi hết đời người.

Trường học có thể trồng hàng chục loại cây khác nhau, nhưng không có một cây nào có ý nghĩa với tuổi áo trắng như phượng vĩ, vì nó mang giá trị văn hóa phổ quát với học sinh Việt Nam.

Phải hiểu rằng, cổ thụ là tài sản công được Nhà nước (Sở, Phòng Giáo dục) giao cho hiệu trưởng quản lí và phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương cần có văn bản yêu cầu chấm dứt ngay việc đốn cổ thụ hàng loạt như đốn củi như hiện nay.

Việc ra soát cây xanh ở trường học, trong đó có phượng cổ thụ là rất cần thiết nhất là vào mùa mưa bão. Nhưng việc này phải được giao cho chuyên gia thẩm định, chẳng hạn như công ty cây xanh khảo sát để loại bỏ những những cây sâu bệnh, rễ yếu… để giữ lại những cây khỏe khoắn. Cùng với đó, cần quy trách nhiệm đối với hiệu trưởng đã cho đốn hạ cổ thụ đang còn sinh trưởng tốt thì mới chấm dứt được được việc chặt cây vô tội vạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ