Hệ lụy khó lường từ nghiện điện tử

GD&TĐ - Không thể dành thời gian quan tâm đến con, để trẻ phải chịu ảnh hưởng của các thiết bị điện tử gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Đây cũng chính là bài học cho các bậc làm cha làm mẹ, nhất là dịp nghỉ hè.

Màn hình các thiết bị công nghệ luôn có sức hút khó cưỡng đối với trẻ. Ảnh minh họa
Màn hình các thiết bị công nghệ luôn có sức hút khó cưỡng đối với trẻ. Ảnh minh họa

Vô tình khiến con ham chơi điện tử

Chị Phạm Hương Giang (Ba Đình, Hà Nội) có hai con trai 3 và 8 tuổi. Cả hai đang trong độ tuổi hiếu động nên thường xuyên chọc ghẹo, quấy phá khiến chị Giang đau đầu. Chồng chị cũng thường xuyên đi làm về muộn. Về đến nhà, anh cũng ít còn thời gian chơi đùa với con. Giải pháp chị chọn trong mỗi buổi tối về nhà là cho con xem điện thoại. Mỗi đứa một góc, chỉ khi ấy, chị mới thấy yên ổn. 

Chị chia sẻ, lúc một đứa còn đỡ. Từ lúc sinh thêm bé thứ hai, cả nhà ít có thời gian cho nhau. Suốt 1 năm, cháu lớn phải tự học. Cháu chỉ học đối phó cho xong để được xem điện thoại, lực học càng ngày càng sa sút, mắt phải đeo kính cận mỗi ngày một tăng độ. 

Thậm chí, mới tổng kết năm học xong, chị Giang đã được cô giáo chủ nhiệm gặp riêng để trao đổi về việc con quá thụ động, ít giao lưu với bạn bè. Cháu ngày càng có thái độ và hành vi khó hiểu, mức độ tiếp thu bài giảm sút quá nhiều. 

Lúc này chị Giang mới giật mình nhìn lại. Trước đây, con thường được khen ngợi, rất tự tin và năng động. Kiểm điểm lại cả bé thứ hai, chị cũng thấy con rất hay cáu giận, mè nheo và thậm chí đập phá đồ đạc khi mẹ không cho chơi ipad nữa.

Trao đổi lại với cả nhà, chị Giang lập tức cho con đi khám và gặp chuyên gia về trẻ tự kỷ, trầm cảm. Chuyên gia cho biết, con chị có dấu hiệu tự kỷ từ việc ảnh hưởng của các thiết bị điện tử quá lớn. Nó khiến trẻ không kiểm soát được hành vi, cảm xúc dẫn đến các hành động tiêu cực như la hét, đập phá.

Lúc này chị Giang mới thấy mình có lỗi. Suốt những năm qua, nhất là dịp nghỉ hè, chị đều để con thoải mái chơi điện tử để mẹ có thời gian làm việc khác. Ân hận vì vô tình làm hại con, chị đã cùng chồng lên một kế hoạch và sắp xếp lại toàn bộ thời khóa biểu trong nhà.

Không chỉ nghiên cứu, tìm đọc trên mạng, chị Giang còn gặp gỡ những chuyên gia, những trung tâm về nghiên cứu con người để mong được tư vấn. Cũng may, trường hợp của con chị chưa quá nặng nề nên sau thời gian quan tâm đến việc này, chị đã rút ra được bài học cho mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lập kế hoạch lấp thời gian trống

Theo đó, chị sắp xếp lại, giải quyết mọi công việc cơ quan trong giờ làm. Chị rút ra bài học rằng: “Các bậc cha mẹ hãy ưu tiên sắp xếp cho trẻ thật nhiều thời gian. Hãy để các con được chơi và học tập bằng những cách tự nhiên, để trẻ có thể thỏa sức sáng tạo. Khi ở nhà, cha mẹ cũng hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Nếu cần làm việc với máy tính, hãy vào phòng riêng và làm việc khi không có con ở bên cạnh để làm gương”.

Chị Giang cũng cho biết, nhờ lắng nghe tư vấn, chị đã tập cho con chơi các trò của trẻ nhỏ như chơi xếp hình, vẽ tranh, sưu tầm các vật phẩm thú vị. Chị cũng đăng ký cho con các lớp nâng cao sức khỏe trong quỹ thời gian phù hợp, nhất là dịp hè như bơi, bóng rổ, cờ vua…

Thời gian đầu, cứ rảnh là con lại đòi xem điện thoại hoặc mè nheo đòi xem ít phút, nhưng chị kiên quyết. Chị tăng cường các hoạt động vui chơi cùng nhau trong gia đình khiến con thích thú và quên dần thiết bị điện tử. Con chị đã vận động nhiều, ăn nhanh và ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc hơn.

Để sắp xếp việc nhà, chị Giang cũng phân công từng thành viên tham gia. Chồng và hai con trai được phân công những việc phù hợp. Sau một thời gian, chị thấy không khí trong gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Mọi người quan tâm tới nhau hơn. Đặc biệt nhất là hai con đã không còn chơi điện tử nhiều nữa.

Chị Giang cũng rút ra bài học: “Cha mẹ nên dành thời gian để chia sẻ và tâm sự nhiều với con. Con càng gần gũi cha mẹ, nghe lời chia sẻ của cha mẹ nhiều thì càng trưởng thành và ngoan hơn. Dĩ nhiên, đừng có chỉ khoe thành tích, nếu cha mẹ có khuyết điểm gì cũng nên nói với con để con hiểu và rút kinh nghiệm. Điều đó sẽ giúp con thấy cha mẹ gần gũi và tình cảm gia đình gắn bó hơn”.

Đối với con đã lớn, có sự nhận thức như bé 8 tuổi, chị Giang cũng giải thích rõ cho con về tác hại của thiết bị điện tử, lý do tại sao trẻ em phải tránh xa nó. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu trẻ con hiểu được lý do, chúng sẽ có thái độ tự động tránh xa. Đặc biệt khi không có cơ hội tiếp xúc, chúng sẽ không hề có nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử. Vì vậy, hoạt động chung trong gia đình là điều rất cần thiết để lấp đầy thời gian trống.

Cha mẹ hãy chỉ cho con thấy nguy hại của việc nghiện thiết bị điện tử. Có thể cho con đọc những bài viết của những bạn bị rối loạn tâm thần do nghiện game, những bài viết các bạn bị đột tử khi chơi game quá độ hay những hình ảnh mà hệ lụy của nó gây ra. Những thông tin này sẽ khiến con tự giác hơn trong việc tránh xa các thiết bị điện tử. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hành lý tình yêu

GD&TĐ - Một lá thư thông báo nhập học vào Trường Sư phạm Linshui đang lấp lánh, như những ngôi sao nhỏ soi sáng con đường giáo dục tương lai của tôi.

Anh xích lô tên Tiến ở phố cổ Hà Nội giúp tác giả Nguyễn Vân Hậu (ngồi trên xich lô) tìm lại ký ức năm xưa. Ảnh: NVCC.

Thức dậy tình yêu Hà Nội

GD&TĐ - 'Hà Nội & Tôi' là cuộc thi do Tạp chí Người Hà Nội tổ chức, mừng 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).