Cái được “bé tẹo”
Sau khi kết thúc 6 nghiên cứu dài kỳ, 4 nhóm các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả trên tạp chí Nature Reviews/Neuroscience của Mỹ cho hay trò chơi điện tử tạo ra các tác động tích cực đến hành vi xã hội của trẻ, làm tăng một số kỹ năng nhất định cho con người, công cụ giáo dục hình ảnh, tạo ra các hình thái hoạt động tích cực tới não, buộc não phải làm việc với tần suất lớn, tăng cường kỹ năng kết hợp giữa tay và mắt, giúp người ta tập trung tư tưởng để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó và tạo ra những cách xử lý tình huống “thực tế ảo”.
Theo nghiên cứu của Viện Karolinska, Thụy Điển, trò chơi điện tử (ra đời cách đây khoảng 30 năm) giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhất là những đứa trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ đạt được những tiến bộ nhanh chóng, 20% trẻ gặp khó khăn ngôn ngữ phân biệt âm thanh nhờ trò chơi điện tử. Ngoài ra, trò chơi điện tử còn có tác dụng giúp trẻ giảm tâm lý sợ hãi khi sống trong môi trường kín, ít giao tiếp.
Cái mất “to đoành”
Gia tăng bạo lực: Theo một nghiên cứu mang tên Anderson & Bushman của Mỹ công bố mới đây, một trong những tác hại lớn nhất của trò chơi điện tử ở trẻ em là làm tăng nạn bạo lực học đường.
Trẻ nghiện trò chơi điện tử có nhiều suy nghĩ, cảm xúc và hành động hung hãn hơn so với nhóm trẻ không thực hành trò chơi này. Hành vi bạo lực, tính thù hận càng tăng nếu nội dung game xấu, không phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ví dụ, những trò chơi kích thích tính hiếu thắng, hận thù hay cảnh đấm đá giết người.
Nếu thời gian chơi càng lâu, càng dài thì tác hại càng lớn, nhất là những đứa trẻ vốn có sẵn tính hận thù cay cú. Theo nghiên cứu khác có tên Linder & Walshe (2004) những bé gái chơi game trên 5 giờ/tuần và bé trai trên 13 giờ/tuần thì tỷ lệ bạo lực cao hơn so với nhóm không chơi game, đặc biệt là tính gây gổ, thích đánh nhau với bạn bè.
Suy giảm tính sáng tạo: Các chuyên gia Đại học Denision (UOD), Mỹ vừa kết thúc nghiên cứu phát hiện thấy trẻ nghiện game thì tính sáng tạo giảm sút, học hành kém, khả năng tiếp thu kiến thức chậm, thường hay nghỉ học để trốn đi chơi điện tử. Do bỏ bê học hành nên chất lượng học tập sa sút không theo kịp bạn bè cùng lớp. Ngoài ra về thể chất ở nhóm nghiện game cũng yếu hơn ở các nhóm học sinh cùng lứa tuổi.
Suy giảm khả năng giao tiếp xã hội: Do nghiện game, dành nhiều thời gian cho game nên không còn thời gian tiếp xúc xã hội, ảnh hưởng đến việc ứng xử với những người xung quanh. Thậm chí có những đứa trẻ ngồi cả ngày trong phòng kín vật lộn với game nên bỏ cả ăn uống, học hành, không biết những gì đang xảy ra xung quanh.
Chơi điện tử nhiều làm ảnh hưởng tới cột sống và mắc nhiều bệnh khác. |
Tác hại sức khỏe: Sau khi thực hành nghiên cứu dài kỳ, các chuyên gia ở Đại học y khoa Harvard, Mỹ đã phát hiện thấy nếu trẻ nghiện game, lạm dụng vi tính sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ví dụ như khô mắt, do nhìn trên màn hình liên tục, nhất là những người mắc bệnh về mắt như cận, viễn thị phải đeo kính, đeo kính áp tròng, phát sinh tình trạng khô, ngứa mắt, gây căng thẳng nếu như nhìn liên tục lên màn hình. Ngoài ra còn gây đau đầu, đọc chữ khó khăn.
Trẻ nghiện game lâu ngày dán mắt thường xuyên vào màn hình, để quá gần mắt sẽ làm tăng rủi ro mắc bệnh cận thị và nhiều mối nguy hiểm khác về thị lực.
Một trong những hậu quả khôn lường khác do nghiện trò chơi điện tử gây ra ở trẻ nhỏ là mắc bệnh béo phì, dư thừa trọng lượng do ngồi nhiều trước màn hình lại “nghiền” các món ăn nhiều đường, mỡ, chất ngọt nhất là đồ ăn nhanh trong khi đó lại ít vận động, mất ngủ. Hậu quả khi trưởng thành, mắc nhiều bệnh nan y như ung thư, tim mạch và đái tháo đường.
Ngoài ra, chơi game nhiều còn tạo ra hội chứng mệt mỏi kinh niên, mỏi đầu, cổ và mỏi cổ tay, làm suy giảm chất lượng công việc hằng ngày và dễ mắc nhiều tật xấu khác.
Những đứa trẻ nghiện game hay tìm đến những gì quảng cáo trên mạng và do tuổi còn trẻ, ít có kinh nghiệm nên dễ bị rủ rê lừa gạt. Thậm chí có trường hợp bị kẻ lừa đảo vào tận nhà, lấy đi nhiều đồ đạc giá trị, thậm chí còn bị lừa tình, lừa tiền hay giết người.
Rất nhiều bé gái vị thành niên đã bị đối tượng xấu lừa tiền, lừa tình dẫn đến bỏ học và khi hiểu ra vấn đề là lúc quá muộn. Một trong những kiểu lừa đơn giản là “hùn vốn”, hùn tiền để chơi game nhưng rồi tiền mất tật mang theo kiểu “trò chơi ảo, tác hại thật”.
Theo Sức khỏe và đời sống