Hé lộ về người hoàn thành bộ quốc sử của Việt Nam

Ông là nhà sử học có tài, có công lớn trong việc hoàn thành bộ quốc sử của Việt Nam.

Hé lộ về người hoàn thành bộ quốc sử của Việt Nam
Phạm Công Trứ là nhà chính trị tài ba thời Lê - Trịnh. Ông là người có công trong việc phò tá chúa Trịnh, được ban Quốc lão, Thái bảo Yên Quận công. Ông cũng là nhà sử học có tài, có công lớn trong việc hoàn thành bộ quốc sử của Việt Nam.
Ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm
Phạm Công Trứ người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào nay là thôn Liêu Xuyên, xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ông là cha của Phạm Công Phương đậu tiến sĩ năm 1680. Năm 27 tuổi, Phạm Công Trứ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông.

Làm quan đến chức Tham tụng, Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, chưởng lục bộ sự làm Thiếu bảo, được ban Quốc lão, tước Yên Quận công. 

Phạm Công Trứ là người thâm trầm, giản dị, chắc chắn, làm việc có mưu thuật, giúp Vương tử từ khi ở cung tiềm để, mưu tính nhiều việc, giúp việc nước lâu ngày, pháp độ kiêm minh được nhiều. Ông thọ 76 tuổi, được tặng Thái tể, thụy Trung Cần. Ông là người viết cuốn Đại Việt sử ký bản Kỷ tục biên.

Năm Ất Tỵ (1665), với chức Đô tổng tài, Phạm Công Trứ cùng với một số người khác như Dương Hạo, Hồ Sĩ Dương... được giao nhiệm vụ rà soát lại sách sử cũ và biên soạn thêm từ thời Lê Trang Tông đến Lê Thần Tông (1533 - 1675). 

Nếu cộng cả phần do nhóm Lê Hy viết tiếp từ năm Quý Mão (1663) đến năm Ất Mão (1765) thì Phạm Công Trứ là đồng tác giả của sách Đại Việt sử ký tục biên cùng với các bậc tiền bối biên soạn phần từ thời Hồng Bàng đã tạo nên bộ Đại Việt sử ký toàn thư nổi tiếng trong lịch sử sử học Việt Nam.

Trong sách Đại Việt sử ký tục biên, Phạm Công Trứ nêu rõ mục đích làm quốc sử: "Vì sao mà làm Quốc sử? Vì chủ yếu của sử là ghi chép công việc. 

Có chính trị của một đời, tất phải có sử của đời ấy mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc trí tại thì sáng tỏ so với mặt trời, mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt. 

Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ với việc chính trị không phải là không nhiều, cho nên mới làm Quốc sử".

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Sử học không phải chỉ ghi chép

Phạm Công Trứ đã kế thừa quan điểm của Ngô Sĩ Liên về mục đích của việc biên soạn lịch sử. Trong lời tựa sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư viết năm Kỷ Hợi (1479), sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết: 

"Sử để ghi chép việc, mà việc hay hay dở dùng làm gương răn cho đời sau..." và "tuy lời khen chê chưa có thể làm công luận cho muôn năm về sau, cũng có thể giúp đỡ cho việc tra xét một chút vậy". 

Quan điểm của Phạm Công Trứ về cơ bản cũng giống quan điểm của Ngô Sĩ Liên, nhưng ông còn cụ thể hóa và mở rộng thêm ở một vài điểm:

"Ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm". Như vậy là sử học vừa có quyền, vừa có trách nhiệm nghị luận (phán xét) các sự việc. Nghị luận của sử không phải chỉ là khen, chê mà còn tô điểm, răn đe. 

Rõ ràng ở đây, Phạm Công Trứ đòi hỏi sử gia phải có những nỗ lực chủ quan rất cao, phải dụng tâm nhiều và sử học phải phục vụ những mục đích rõ ràng chứ không phải chỉ là làm việc ghi chép thông thường.

Theo Phạm Công Trứ, sử còn có quan hệ nhiều với chính trị, trong mối quan hệ này, sử có vai trò "có bổ ích cho trị đạo, giúp ích cho phong giáo (lời kết bài tựa sách Đại Việt sử ký tục biên)", "người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn..." như thế tức là sử học vừa cung cấp kinh nghiệm cho việc trị nước vừa là công cụ để giáo dục cải hóa.
Theo kienthuc.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ