Theo báo Nga Gazeta ngày 21.11, một nguồn tin thân cận với phi đoàn không quân trên tàu sân bay Kuznetsov cho báo này biết bức tranh toàn cảnh về vụ tai nạn của máy bay MiG-29KR nghiêm trọng hơn nhiều so với thông báo vắn tắt mà Bộ Quốc phòng Nga đưa ra sau đó, như cho rằng máy bay bị rơi do lỗi kỹ thuật, hoạt động bay trên tàu Kuznetsov vẫn bình thường v.v.
Sự thật lại khác hẳn, theo Gazeta.
Vào chiều ngày 13.11, tốp 3 chiếc MiG-29KR sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã quay về chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay Kuznetsov ngoài khơi bờ biển Syria. Các máy bay này sẽ lần lượt đáp xuống cách nhau từ 3 - 4 phút mỗi chiếc.
Chiếc MiG-29KR đầu tiên hạ cánh không có vấn đề gì. Chiếc thứ hai khi hạ cánh thì càng bắt dây cáp của máy bay đã kéo đứt sợi cáp số 2 (loại cáp hãm đà máy bay trên đường băng), và may mắn là máy bay bắt được sợi cáp thứ 4 (dự phòng). Còn sợi thứ 2 bị đứt đã bung ra và quấn vào sợi cáp thứ 3 làm vô hiệu hóa sợi cáp này.
Vì sự cố này, việc hạ cánh xuống tàu sân bay Nga trở nên không thể thực hiện được. Trong khi đó chiếc MiG-29KR thứ 3 đang giảm tốc độ tiếp cận tàu sân bay. Chỉ huy đội bay liền yêu cầu phi công làm thêm một cú lượn vòng quanh tàu sân bay để tổ kỹ thuật có thì giờ thay thế các sợi cáp bị hư hỏng.
Và khi máy bay MiG-29KR phải bay chờ ở ngoài xa thì bất ngờ cả hai động cơ của nó ngừng hoạt động, máy bay rơi tự do "như hòn đá", phi công chỉ còn cách nhảy dù thoát hiểm và được đội cứu hộ trên tàu vớt lên sau đó.
Được biết phi công của máy bay bị rơi là đại úy, chỉ huy an toàn hàng không của Không quân Hạm đội Phương Bắc, tức một phi công rất giàu kinh nghiệm với hơn 200 lần hạ cánh xuống tàu sân bay.
Tiêm kích MiG-29K hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên Địa Trung Hải đầu tháng 11.2016
Gazeta cho biết trên tàu Kuznetsov có 4 sợi cáp Svetlana-2 dùng hãm đà khi máy bay hạ cánh. Khi có máy bay hạ cánh, các sợi cáp này được nâng lên cao 12 cm so mặt đường băng, sợi đầu tiên bố trí cách phần đuôi tàu khoảng 46 m, và sợi kế tiếp cách sợi này 12 m.
Khi phi công hạ cánh, phải cố gắng cho càng móc cáp phía sau máy bay bắt được sợi cáp thứ 2 hoặc thứ 3 (sợi thứ 4 là dự phòng). Như vậy chiều dài của khu vực bố trí 4 sợi cáp chỉ có 36 m, và khu vực hạ cánh này chỉ dài 90 m. Phi công luôn để động cơ hoạt động với công suất lớn phòng trường hợp không bắt được cáp thì cho máy bay cất cánh và quay lại hạ cánh tiếp tục.
Tuy chiếc MiG-29K chỉ có khối lượng 18,5 tấn, nhưng vẫn có khả năng gây ra đứt cáp hãm đà máy bay trên tàu sân bay và điều này đã xảy ra ngày 13.11, qua đó gián tiếp gây ra vụ rơi máy bay MiG-29KR khác do phải bay vòng vòng chờ đợi khắc phục sự cố lâu và động cơ ngừng hoạt động (có lẽ hết nhiên liệu).
Cần biết là Su-33 hạ cánh xuống tàu Kuznetsov với tốc độ 240 km/giờ, còn MiG-29K là 250 km/giờ.
Tiêm kích MiG-29K trên tàu sân bay Kuznetsov, được cho là chưa hoàn tất các thử nghiệm theo yêu cầu - Ảnh: bmpd
Theo Gazeta, loại MiG-29KR này là phiên bản dùng cho tàu sân bay, phát triển từ dòng MiG-29 có từ những năm 1980. Và MiG-29K vẫn còn trong quá trình thử nghiệm, chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu ở Địa Trung Hải. Dự kiến phải đến năm 2018 mới kết thúc quá trình thử nghiệm máy bay MiG-29K, và do vậy phi công MiG-29 chưa được "đăng ký" với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Gazeta đã hỏi tập đoàn sản xuất máy bay MiG về việc này, và nhận được câu trả lời là nên hỏi Bộ Quốc phòng Nga. "Các máy bay này thuộc Bộ Quốc phòng Nga, do vậy mọi kết luận chi có thể đến từ Bộ Quốc phòng và bộ Tư lệnh Hải quân", bộ phận báo chí của MiG trả lời Gazeta.
Như vậy, việc nôn nóng đưa MiG-29K sang thử nghiệm ở chiến trường Syria khi chưa hoàn tất các thử nghiệm theo yêu cầu có thể là một trong các nguyên nhân khiến máy bay này bị rơi ngày 13.11.2016.
Xem hoạt động chiến đấu của nhóm tàu sân bay Nga ở Địa Trung Hải, gần bhờ biển Syria (Nguồn: RT):