Hè của trẻ vùng cao

GD&TĐ - Dịch Covid bùng phát khiến cuộc sống cũng như mùa hè của trẻ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trẻ em Cheng Tong (xã Trà Cang, Nam Trà My - Quảng Nam) không phải tắm suối khi nước đã được dẫn về làng (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
Trẻ em Cheng Tong (xã Trà Cang, Nam Trà My - Quảng Nam) không phải tắm suối khi nước đã được dẫn về làng (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Tuy nhiên, với trẻ vùng cao Quảng Nam, niềm vui vẫn đong đầy khi được sinh hoạt, múa hát tập thể, tham gia các lớp ôn tập văn hóa do giáo viên, anh chị đoàn viên hỗ trợ. 

Mùa hè… trên nương

Tạm biệt khu nội trú, cậu bé Hồ Ánh Khiết (HS lớp 3, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) hàng ngày theo mẹ vào rừng nhặt ươi. Mỗi cân ươi rừng bán được 200 nghìn đồng, dù nhặt không được nhiều vì ham chơi, nhưng Khiết rất vui vì đã phụ giúp mẹ kiếm tiền. Hôm nào không nhặt được ươi, Khiết cũng có bó củi nhỏ, ít rau rừng, mụt măng để mẹ đem đi bán, đổi lấy gạo, dành tiền mua áo quần chuẩn bị năm học mới. Ở nhà cũng không có gì cho Khiết chơi. Hai anh em chỉ đạp xe tới lui trong khoảng sân nhỏ, với một ít đồ chơi nhựa mà chơi hoài cũng chán.

Hai chị em Hồ Thị Điệp (lớp 11) và Hồ Văn Đệ (lớp 8) xã Trà Leng tranh thủ những ngày hè để cùng anh trai là Hồ Văn Trí phát dọn lại rẫy. Ba mẹ đều mất trong vụ sạt lở đất đầy ám ảnh năm ngoái, 3 anh em Trí đều đi học xa nhà, chỉ có Đệ chưa học bán trú. Rẫy đã bỏ hoang gần một năm qua, mấy con trâu, tài sản còn sót lại của gia đình sau trận sạt lở năm ngoái cũng phải gửi nhờ nhà cô chú chăm giúp.

Trở thành lao động phụ giúp gia đình trong dịp hè gần như là công việc phổ biến của học sinh miền núi. Việc nhẹ thì giữ em, trông nhà, kiếm củi, lớn nữa có thể tham gia phát rẫy, giữ bò… Các hoạt động sinh hoạt hè tại địa bàn thôn, bản cũng chỉ diễn ra một tháng/lần ở những nơi có điều kiện.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang – Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều hoạt động khó tổ chức cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, một số địa phương như xã Trà Mai, Trà Nam… vẫn duy trì việc sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên.

Thông qua các trò chơi, các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Những năm trước, mùa hè của học sinh ở các thôn bản có nhiều hoạt động hơn do sự tham gia của lực lượng sinh viên tình nguyện. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh phức tạp nên việc tổ chức hoạt động hè chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên của địa phương.

Theo chị Nguyễn Thị Huyền Trang, trong tháng 6, Huyện đoàn Nam Trà My đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về quyền trẻ em theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cuộc thi chỉ thu hút học sinh ở khu vực trung tâm.

Hè này, trẻ em của thôn 4, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có khu vui chơi mới, được xây dựng từ nguồn xã hội hóa ngay tại nhà văn hóa của thôn. Công trình chỉ có xích đu, bập bênh, thang tay nhưng chiều nào cũng rộn rã tiếng cười. Ngoài không gian để vui chơi, giải trí an toàn và lành mạnh, các em còn có cơ hội rèn luyện thể chất.

Tương tự, trước những gian nhà tái định cư Bằng La dành cho gia đình nóc Ông Đề (Trà Leng) bị ảnh hưởng trong trận sạt lở đất kinh hoàng, các nhóm thiện nguyện cũng trang bị một vài chiếc cầu trượt, xích đu. Chiều chiều, trẻ em trong khu tập trung vui chơi tại đây. Trẻ lớn hơn chơi trò “đua xe” ở lối đi chung.

Lớp ôn tập văn hóa tại xã vùng cao Phước Gia (Hiệp Đức - Quảng Nam). Ảnh: TG
 Lớp ôn tập văn hóa tại xã vùng cao Phước Gia (Hiệp Đức - Quảng Nam). Ảnh: TG

Lớp phụ đạo đặc biệt

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang cho hay: Những năm trước, Huyện đoàn vận động sinh viên, nhất là các giáo sinh trường ĐH Sư phạm tranh thủ kỳ nghỉ hè dạy kèm cho học sinh của các thôn bản. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này vẫn chưa được triển khai do dịch bệnh.

Thấu hiểu sự thiếu thốn của học trò vùng khó, hàng năm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đều tổ chức các lớp dạy kèm cho học sinh yếu trong dịp hè. Những lớp học này do giáo viên là đoàn viên đảm nhiệm. Thầy cô giáo sẽ luân phiên dạy. Với học sinh nhà ở quá xa trường, Chi đoàn nhà trường sẽ phối hợp với Đoàn thanh niên thôn nhờ lực lượng sinh viên nghỉ hè hướng dẫn ôn tập.

Năm nay, mọi hoạt động đều ngưng trệ do Covid-19 nên theo thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Nam, dự kiến tháng 7, nhà trường tổ chức lại các lớp ôn tập văn hóa cho học sinh kết hợp với lịch trực hè của Ban giám hiệu và giáo viên. Đây là một trong những giải pháp để bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường, giúp các em có nơi vui chơi, học tập.

30 học sinh tiểu học, khối lớp 2 và lớp 3 của xã vùng cao Phước Gia, huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) có một kỳ nghỉ hè đáng nhớ khi tham gia ôn tập hè tại trường. Hai lớp ôn tập văn hóa hè cho học sinh có học lực yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được Huyện đoàn Hiệp Đức phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên huyện tổ chức sau khi khảo sát tình hình thực tế nhu cầu của địa phương.

Chị Đặng Thị Ngọc Lan – Bí thư Huyện đoàn cho biết: 30 học sinh tham gia lớp học ôn tập văn hóa được tặng sách vở, cặp, đồng phục, giày… để chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài ôn tập văn hóa, các em được tham gia một số trò chơi tập thể giữa tiết học để tăng thêm sự tự tin, mạnh dạn và rèn luyện một số kỹ năng mềm. Lớp học do thầy cô giáo là đoàn viên trực tiếp đứng lớp. Hy vọng, lớp học tiếp sức mùa hè sẽ tạo hành trang cần thiết để các em tự tin, học tốt hơn. 

Huyện miền núi Bắc Trà My tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích đến 6 xã vùng cao. Theo ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trẻ em vùng cao không chỉ cần cái ăn, cái mặc mà cần được trang bị kỹ năng sống để ứng phó, tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trong những tình huống như thiên tai… Đây là điều mà các địa phương miền núi cần phải tính đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.