Ở Lùng Cúng, thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào cây táo mèo và thảo quả. Người lớn thường xuyên ở trên nương, trên rừng, nên trẻ em ở nhà chẳng được ai dạy dỗ, chúng sống theo bản năng là phần nhiều. Những đứa trẻ 8, 9 tuổi trở thành trụ cột trong nhà, giữ em cho mẹ, lo cơm nước.
Thời gian vận động thường kéo dài suốt cả năm bởi nhiều cháu học nửa năm thì nghỉ nên các cô lại phải đi vận động. Chuyện thuyết phục phụ huynh cho con em đi học không phải là chuyện dễ dàng. Ở vùng đất hoang sơ này, người ta sống đơn giản lắm, đâu cần biết chữ chỉ cần biết hái táo mèo, thảo quả là sống được.
Tranh thủ có cán bộ xã lên bản, chiều hôm ấy, trả trẻ xong, cô Kiều đến nhà ông Chang A Dờ để xem vì sao con bé Chang Thị Sầu chưa ra lớp. Tuy cùng một bản nhưng để đến được nhà họ, cô phải đi xe hơn 5km mới tới nơi. Ngồi tâm sự thuyết phục cả gia đình và ông bà gần một giờ đồng hồ, cuối cùng bố con bé Sầu cũng đồng ý... “hết tuần này” sẽ cho con đi lớp.
Cô Kiều tranh thủ trời còn sáng đi vận động học sinh tới lớp. |
Mỗi gia đình một hoàn cảnh, một lý do để con không đi học. Có nhà mẹ bỏ đi Trung Quốc, còn mỗi bố ở nhà nên không cho con đi lớp, để ở nhà trông em. Nếu không hiểu hoàn cảnh từng em thì việc thuyết phục là vô nghĩa. Đôi khi lý do chỉ là “đường nó đi khó quá, cho con ở nhà thôi!”.
“Đi ban ngày thì bố mẹ lên nương, đi buổi tối thì đường khó đi quá, vậy mà có nhà tôi đi 3, 4 lần chưa gặp được. Đang mùa táo chín, bố mẹ cháu có khi ở trên rừng cả tháng, mấy đứa trẻ nheo nhóc ở nhà tự trông nhau”, cô kể.
Tối ấy, cô Nhung tranh thủ trời còn nhá nhem, cùng cán bộ xã Sùng A Mang đi sang nhà bé Chang Thị Pàng, con bé học mới được nửa kỳ lớp 6 đã bỏ học ở nhà.
Lội qua khe suối nhỏ, căn nhà lờ mờ hiện ra. Trong cái ánh sáng nhờ nhờ ấy, chị Thào Thị Sông (mẹ Pàng) đang ru đứa con 9 tháng tuổi, dưới chân là thằng bé 3 tuổi đang ngồi chơi. Ở góc bếp, con bé Pàng tay thoăn thoắt đảo nồi cơm, xào rau. Ánh điện từ chiếc đèn pin đeo trên đầu con bé soi rõ đôi bàn tay gầy guộc của nó. Nó bảo “em ở nhà nấu cơm cho bố mẹ, trông bà và trông em thôi, bà bảo thế”.
Con bé Chang Thị Pàng nghỉ học ở nhà nấu cơm, trông bà, trông em. |
Thấy cán bộ đến, như mọi lần, bà con bé Pàng lại khóc vì sợ cán bộ “bắt” con bé đi học ở tít dưới xã. “Các người không thương tôi à? Bắt con bé đi thì ai trông tôi”, cứ thế bà mếu máo. Với kinh nghiệm bao năm đi vận động, anh Mang nhẹ nhàng đến bên cụ, sau một hồi trao đổi bằng tiếng Mông, không biết bằng một nỗ lực nào đó, bà cụ chỉ còn sụt sịt, không phản đối nữa.
“Mai đi lớp nha, dưới lớp vui lắm, mình được học biết chữ, chỉ ăn cơm và chơi với các bạn. Đi học mới biết chữ, trông em có mẹ trông, có các cô giáo mầm non trông rồi. Đi học mai kia còn đi làm nuôi bà, nuôi bố mẹ chứ”, tiếng cô Nhung văng vẳng, trước khi rời căn nhà.
Trở về căn nhà cấp 4 được gia cố bằng những lớp bạt, cô Nhung, Dương và Kiều lại cần mẫn ngồi cắt, dán những đồ trang trí lớp, làm dụng cụ học tập cho lũ trẻ ngày mai. Căn nhà là nơi ấm áp nhất lúc này nhưng mỗi mùa mưa bão, nỗi lo nhà bị tốc mái lại luôn thường trực.
Cô Nhung tâm sự: “Có đêm, bỗng tỉnh giấc, thấy nhà cửa rung lắc vì mưa to gió lớn, mấy chị em không biết làm thế nào, cũng tính chui xuống gầm giường ngủ cho an toàn, nhưng nỗi khổ đó chẳng thấm vào đâu nếu các anh chị nhìn thấy bữa trưa của các cháu đâu”.
Sáng sáng, những đứa trẻ ùa đến lớp như đàn gà con, trên tay cầm theo chiếc cặp lồng cơm mà bố mẹ chúng chuẩn bị sẵn. Họa hoằn lắm, trong chiếc cặp lồng ấy mới xuất hiện một miếng thịt, còn thường chỉ có cơm và cơm. Đứa nào khá thì có miếng cá khô bằng ngón tay hoặc ít rau xào, thậm chí chỉ có một miếng măng ngâm ớt. Ấy vậy mà vẫn còn “no đủ” hơn những đứa chỉ đi học người không.
Cô Nhung thuyết phục chị Thào Thị Sông, cho cho con tới trường. |
Bữa ăn của những đứa trẻ vùng cao chỉ thế thôi, tuyềnh toàng và thiếu thốn như chính cuộc sống của chúng vậy. Có lẽ đây chính là động lực để “giữ” các cô lại với những đứa trẻ ở cái bản Lùng Cúng nghèo nàn này với ước mong mong con chữ sẽ phần nào giúp chúng thay đổi cuộc đời.
Ước mơ về một ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học có lẽ còn xa vời, họ chỉ mong đường xá được cải thiện, học sinh có đủ quần áo và... dép đến trường.
“Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường”! Lời bài hát “Cô gái mở đường” chợt văng vẳng trong tôi khi tôi nhớ về các cô Nhung, Kiều, Dương. Có lẽ, chỉ có trái tim chan chứa tình thương mới đem lại sức mạnh phi thường để những nữ giáo viên trẻ vững vàng bám trụ ở đỉnh cao Lùng Cúng. Các cô đang trên hình trình “mở tương lai” cho những đứa trẻ đáng yêu và cũng đáng thương trên mảnh đất nhọc nhằn này.
Ông Khang A Chua, Bí thư xã Nậm Có:
Mỗi một em học sinh ra lớp học, có thể coi là thành tựu của cả cô lẫn trò. Hiện nay, đối với đội ngũ giáo viên khó khăn nhất là vấn đề giao thông đi lại. Xã có chế độ luân phiên giáo viên đi các bản khác nhau. Hiện chỉ còn khối mầm non là có điểm lẻ. Dù đã được Đảng và Nhà nước dành nhiều chế độ ưu đãi đến vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn mong nhận được sự quan tâm hơn nữa để các thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp. Có như vậy địa phương mới triển khai hiệu quả nhiệm vụ giáo dục.