Một cách lạ
Bùi Thị Trang Nhung (cựu sinh viên Học viện Tài chính) cho biết, ý tưởng cho thuê bản thân để làm từ thiện xuất hiện khi bạn thân của Nhung đối diện nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
“Bố của bạn ấy phải chạy thận trong bệnh viện Bạch Mai, mỗi lần hết hơn 1 triệu đồng, chưa kể thuốc thang, viện phí”. Vừa mới ra trường, cũng không mấy khá giả nên Nhung đã nghĩ ra cách giúp bạn bằng cách “cho thuê” bản thân mình.
Nhung tâm sự: “Với tư cách một người bạn, mình muốn sử dụng chính sức lao động của bản thân và sự trợ giúp từ cộng đồng để giúp đỡ bạn được phần nào”.
Một đoạn thông tin ngắn do Nhung tự soạn được đăng tải trên trang cá nhân của mình, có tiêu đề “Hãy thuê tôi đi!”. Theo đó, Nhung giới thiệu những thông tin cơ bản về bản thân, mô tả những công việc mình có thể làm, nói rõ lý do, mục đích số tiền sẽ sử dụng, đồng thời, kêu gọi mọi người thuê mình với giá 100.000 đồng/giờ. Bài viết ngay lập tức nhận được gần 200 lượt “like” và rất nhiều lượt chia sẻ từ bạn bè và cả những người không quen biết.
Những trải nghiệm thú vị
Hình thức thiện nguyện này đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ. Nó không chỉ giúp sinh viên thực hiện được mục đích thiện nguyện mà còn giúp các bạn trẻ thỏa mãn mong muốn thử thách bản thân qua các trải nghiệm công việc khác nhau. Phạm Ngọc Huy (năm cuối, trường ĐH FPT) cho biết, sau khi thông tin cá nhân được đăng tải, bạn nhận được khá nhiều yêu cầu công việc.
Vì mọi người đều ủng hộ việc làm ý nghĩa này nên công việc bạn được yêu cầu thực hiện không quá khó khăn, như: Đi mua hộ đồ dùng, cùng ôn bài, mời đi uống cà phê để nhờ tư vấn… Thậm chí, một số bạn cũng không có yêu cầu gì đối với Huy nhưng vẫn gửi tiền ủng hộ.
Để thu xếp thời gian cho những công việc này, Huy và người thuê sẽ thống nhất khung giờ hợp lý, thuận tiện cho cả hai. Thời gian “cho thuê” kết thúc, Huy không chỉ có một số tiền giúp đỡ bạn mà còn có thêm những người bạn mới.
Huy kể: “Có lần, có một bạn rủ mình đi cà phê sáng. Công việc là ngồi uống cà phê cùng mà thôi. Lần đó, rất thú vị vì đó là bạn nữ mình quen qua Facebook, mình chưa gặp bao giờ trước đó”.
Trang Nhung vẫn chưa quên cảm giác hào hứng xen lẫn lo lắng, khi thử sức ở công việc mà lúc đầu, không có trong danh sách việc nhận làm.
Đó là lần Trang Nhung nhận dạy một bạn ôn thi môn CFA của Học viện Bưu chính Viễn thông. Cô bạn kể: “Mình có nói rõ với bạn ấy là mình chưa thi bất cứ level CFA nào.
Bạn ấy bảo tin tưởng mình, không cần bằng cấp, thế là mình nghiên cứu kỹ rồi thử dạy thôi. Để đảm bảo kiến thức, có những hôm, mình chỉ ngủ có 4 tiếng rồi lại thức và nghiên cứu môn học để hôm sau dạy cho bạn ấy. Mình nghĩ cách giải thích bài ngắn gọn, vui nhộn và dễ hiểu hơn. Kết quả, bạn ấy tiếp thu tốt, mình cũng có thêm kiến thức, dù hơi vất vả nhưng mình vui lắm!”.
Thận trọng, tránh rủi ro
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công việc dạng này cũng ẩn chứa không ít rủi ro, nhất là với các bạn nữ. Ngọc Anh (trường ĐH Ngoại thương) đến giờ vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại những tin nhắn trêu chọc bất lịch sự lúc nửa đêm.
Cũng có những người không hiểu rõ mục đích nhân văn của hoạt động này, nghĩ rằng, chủ Facebook đang thất nghiệp, cần công việc làm nên sẽ thuê làm những việc không phù hợp.
Như có ngày, Trang Nhung nhận được hàng chục đề nghị làm cộng tác viên bán hàng để ăn chia phần trăm. Hay có lúc, những bình luận thiếu nghiêm túc đã khiến nhiều bạn trẻ đang làm thiện nguyện cảm thấy tủi thân, chùn bước. Nhưng nụ cười, niềm vui của người nhận thành quả là động lực để những bạn trẻ như Trang Nhung, Ngọc Anh vượt lên tất cả.
Ngọc Huy chia sẻ: “Một người làm việc tốt sẽ lôi kéo thêm 10 người làm, 10 người thì có 100 người làm. Xã hội cứ thế mà tốt lên. Mình với người bạn mình nhận giúp đỡ không quen nhau trực tiếp mà qua một người bạn mình. Khi biết thông tin bạn gặp khó khăn, mình xin giúp đỡ bạn ấy và bắt tay vào hành động”.