Hậu Covid-19: Học sinh đối mặt với gánh nặng sức khỏe

GD&TĐ - Ngoài nguy cơ bị nhiễm virus, di chứng hậu Covid-19, học sinh còn đối mặt với nhiều bệnh học đường khác như cận thị, loạn thị, vẹo cột sống, béo phì… do tiếp xúc với màn hình máy tính trong thời gian dài.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 chơi đá cầu. Ảnh: Nam Sơn
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 chơi đá cầu. Ảnh: Nam Sơn

Bệnh học đường gia tăng

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, xã hội đang quá quan tâm tới đại dịch mà quên rằng, sức khoẻ học sinh còn bao gồm nhiều vấn đề khác. Một số trường thực hiện rất tốt công tác phòng chống Covid-19 nhưng lại để học sinh học tập trong điều kiện ánh sáng không bảo đảm.

Theo Thạc sĩ Tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, hiện vẫn chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Chúng ta cần phải thực hiện cuộc thống kê chi tiết và nghiêm túc về lĩnh vực này. Quan tâm và chăm sóc sức khỏe của học sinh không chỉ ở khía cạnh thể chất mà cả tinh thần.

Chỉ tính riêng tại TPHCM, theo thống kê của Sở Y tế thành phố, tỷ lệ béo phì của học sinh vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu giảm (15% - 32% theo từng cấp học). Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ gồm loạn thị và cận thị ở mức 20% - 30%, trong đó chủ yếu là cận thị. Còn theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, ở tất cả bậc học, trung bình có khoảng 40 - 60% học sinh của thành phố mắc các tật về khúc xạ.

Bác sĩ Hưng nhận định: Trong bối cảnh học sinh phải ở nhà học online do dịch Covid-19, tỷ lệ tật mắc khúc xạ, cong vẹo cột sống của các em có nguy cơ tăng cao. Nguyên nhân là các em dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử, ít vận động, đồng thời ngồi không đúng tư thế.

Không chỉ ở TPHCM mà ở các tỉnh thành khác, tỷ lệ học sinh mắc bệnh học đường cũng rất cao, đặc biệt là sau thời gian dài học trực tuyến, gia tăng đáng kể bệnh về mắt. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Anh - Trưởng khoa Tật khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trong thời gian học online, bệnh viện ghi nhận tỷ lệ cận thị, loạn thị gia tăng và tăng độ khúc xạ đối với bệnh nhân có tật khúc xạ từ trước.

Tại Cần Thơ, qua quan sát lớp học sau khi trở lại trường học tập trực tiếp, cô Huỳnh Thị Thu Vân, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Thới Hoà (quận Ô Môn) cũng nhận thấy những em chăm học và chịu học trong thời gian học tập trực tuyến tại nhà có dấu hiệu cận thị nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng đó, giáo viên phải linh động thay đổi vị trí ngồi của học sinh. Các em có dấu hiệu cận thị, giáo viên sẽ chuyển lên vị trí ngồi gần bảng hơn, đồng thời liên hệ phụ huynh để sớm đưa trẻ đi kiểm tra mắt nhằm sớm phục hồi, điều trị…

Giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1. Ảnh: Nam Sơn Giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1. Ảnh: Nam Sơn

Cảnh báo rối loạn tâm lý tuổi học trò

Tại tọa đàm về giải pháp đối với vấn đề sức khỏe tinh thần cho học sinh do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh An - chuyên gia về các chính sách xã hội và quản trị của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, trong một nghiên cứu đang được UNICEF thực hiện, nhóm đối tượng từ 10 - 19 tuổi đang có nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần rất đáng quan tâm.

Trong số này, tình trạng trẻ tự hại, tự tử là một trong những nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao dẫn tới tử vong ở lứa tuổi trẻ vị thành niên. Còn theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, có đến 14% số trẻ 10 - 19 tuổi có dấu hiệu rối loạn tâm lý. Trong đó tình trạng tự tử ở trẻ em đứng thứ 4 trong số những nguyên nhân dẫn tới tử vong.

Rối loạn tâm lý tuổi học đường đã nghiêm trọng, càng nặng nề hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài. Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM) chia sẻ: Rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả trường học hiện nay. Đáng nói, vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập, thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường… Đặc biệt, thời gian học trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, giao tiếp khiến học sinh dễ rơi vào trầm cảm, stress, để lại hậu quả nghiêm trọng”, thầy Bảo nhận xét.

Liên quan đến vấn đề tâm lý học trò hậu Covid-19, cô Huỳnh Thị Thu Vân, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Thới Hoà (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng chia sẻ: Khi trở lại trường, một số em có dấu hiệu tăng động, từ những xích mích nhỏ có thể làm nghiêm trọng vấn đề, nhất là hiện tượng bạo lực. Tình hình này buộc giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm lớp nhiều hơn, chú ý và quan sát học sinh.

Kinh nghiệm của cô Vân là trong buổi sinh hoạt chủ nhiệm dành 15 phút để đánh giá tổng kết tuần và đưa phương hướng tuần tới cho lớp. 30 phút còn lại cô dành để trang bị kỹ năng sống. Với trò lớp 6, 7, cô Vân trang bị cho các em một số kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Đây là việc làm thiết thực, phù hợp nhu cầu, qua đó giúp các em hứng thú hơn với buổi sinh hoạt.

Sau đợt dịch Covid-19, giáo viên chủ nhiệm luôn phải để tâm đến những trường hợp có bố mẹ bị mất do dịch bệnh hay những học sinh từng là F0. Tại lớp của cô Vân, sau khi các em bị F0 thì có dấu hiệu lo sợ hậu Covid. Vì vậy giáo viên phải nói chuyện và tâm sự với học sinh nhiều hơn. Cô Vân tranh thủ các buổi ngoài giờ học hoặc thời gian cuối tiết học để chia sẻ thêm về một số thông tin chăm sóc bản thân, trấn an các em như khuyên nhủ việc ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, tập thể dục… để giữ sức khoẻ.

Trường THCS Thới Hoà gần đây ghi nhận một trường hợp học sinh giỏi khối lớp 8 sau khi trở lại học tập trực tiếp có dấu hiệu nghiện game. Nguyên nhân do thời gian dài học sinh tiếp xúc với máy tính nên em sa vào trò chơi điện tử. Sau thời gian quan sát, theo dõi và đánh giá nguyên nhân tác động, các giáo viên của trường chủ động thực hiện giải pháp hỗ trợ tâm lý học trò. Cụ thể là cho em xây dựng dàn bài hoặc làm một số việc nhỏ giúp thầy cô để học sinh có thể đến trường nhiều hơn, từ đó rời xa điện thoại, máy tính và tham gia hoạt động với lớp. Đến nay, em bắt đầu vui vẻ và làm việc với giáo viên, rời xa điện thoại… Qua các bài kiểm tra đánh giá, em tập trung làm bài ở một số môn học, riêng các bộ môn khác em cần thời gian lấy lại kiến thức.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp chơi bóng rổ. Ảnh: Nam Sơn Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp chơi bóng rổ. Ảnh: Nam Sơn

Cẩn thận tình trạng thừa cân ở trẻ

Sau thời gian học ở nhà, thói quen ăn uống của trẻ có sự thay đổi. Do cha mẹ đi làm, không có người giám sát nên trẻ thích gì ăn đấy, tiện lúc nào ăn lúc đó. Điều này dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc suy dinh dưỡng. Khi đi học trở lại, trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện sinh hoạt, ăn uống theo khung giờ nhất định.

Giải quyết tình trạng trên, bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM) cho hay: Đối với học sinh béo phì, cần có biện pháp điều trị phù hợp. Ở góc độ dinh dưỡng, chỉ cần ăn ít hơn nhu cầu năng lượng cho các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối. Tăng cường thức ăn giàu chất xơ như gạo lứt, khoai, bắp, rau xanh các loại và trái cây tươi ít ngọt (như mận, củ sắn, thanh long, bưởi, táo ta, đu đủ, cam, quýt...) để vừa giảm cung cấp năng lượng, vừa bổ sung lượng vitamin, muối khoáng giúp dễ tiêu hóa và ngừa táo bón, tăng thải cholesterol và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Cũng theo bác sĩ Minh, phụ huynh giảm bớt những thức ăn giàu năng lượng mỗi bữa ăn cho con em như: Cơm, mì, dầu, mỡ, bơ, bánh ngọt, kẹo, chè ngọt, chocolate. Hạn chế ăn đường, nước ngọt, rượu, bia... Giảm tối đa chất béo, nên ăn đều đặn, tránh bỏ bữa. Thời gian và cường độ vận động cần sắp xếp hợp lý. Nên vận động thường xuyên, đều đặn hầu hết các ngày trong tuần, mỗi lần vận động hơn 10 phút, sao cho tổng thời gian tập trong một ngày hơn 30 phút. Sau khi đã quen, cố gắng liên tục 30 phút/lần vận động. Việc tập luyện đều đặn và thường xuyên không làm tăng cảm giác thèm ăn.

Nhìn nhận những vấn đề về sức khỏe tâm lý hậu Covid-19 của học sinh là có thật, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã tăng cường trang bị những kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên. Đặc biệt là kiến thức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp. Qua đó giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng cơ bản ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Theo đó, sở đã chủ động xây dựng phương án tập huấn cho đội ngũ giáo viên trường về công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Đợt 1 có 364 cán bộ quản lý phòng GD&ĐT, các trường THCS, THPT, Bí thư Đoàn, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý của trường tham dự. Đợt 2 có 522 cán bộ quản lý phòng GD&ĐT, các trường tiểu học, Tổng phụ trách, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý của trường tham dự…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ