Bệnh học đường bủa vây trẻ nhỏ

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, thời điểm bắt đầu năm học mới trùng với thời gian lưu hành của nhiều dịch bệnh (sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đau mắt đỏ...). 

Bệnh học đường bủa vây trẻ nhỏ

Do vậy, để hạn chế khả năng bùng phát cũng như lây lan của dịch bệnh, ngành Y tế khuyến cáo trường học cần tăng cường vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Dịch bệnh chờ cơ hội bùng phát

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 21.000 ca mắc sốt xuất huyết ở hầu hết các tỉnh, thành phố. 

Năm nay, bệnh xuất hiện chủ yếu ở nhóm trẻ từ 15 tuổi trở xuống, thay vì chỉ ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi như trước đây. Đáng lo ngại là virus gây sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều typ nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau nặng hơn lần trước. 

Các địa phương như Hà Nội, Đồng Tháp, TPHCM, Khánh Hòa... là những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc do mật độ dân số đông, điều kiện vệ sinh ở khu vực tập trung đông dân cư chưa được đảm bảo...

Ngoài bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, học sinh, sinh viên cũng đang đối mặt với nhiều bệnh đặc trưng của tuổi học đường. Đó là tình trạng trẻ bị cận thị, cong vẹo cột sống, rối nhiễu tâm trí, răng miệng... Mặc dù những bệnh trên không có khả năng lây nhiễm nhưng số mắc vẫn tăng theo năm học. 

Theo TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nhìn chung, tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm 20% - 30% có lớp tới 50%. 

Số học sinh bị cong vẹo cột sống cũng chiếm từ 25% - 30%; đặc biệt có nơi 50% - 70% học sinh bị các bệnh về răng miệng, 7% - 10% học sinh có biểu hiện rối nhiễu tâm trí, báo động 15% - 40% học sinh bị thừa cân, béo phì… 

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em tiểu học nhiễm giun đũa và giun tóc chiếm cao nhất trên cả nước (có nơi nhiễm trên 95%). 

Ở trẻ em, nhiễm giun sán trở thành một cản trở lớn cho sự phát triển cả về thể lực và trí lực của học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun sán là do sự ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh. 

Có thể thấy, trẻ mắc bệnh học đường dù ở thể nào đi nữa cũng gây tác hại đáng kể cho các em trong việc học tập, hạn chế các hoạt động, dễ bị tai nạn thương tích, tổn thất về kinh tế cho gia đình.

Thay đổi nhận thức để phòng bệnh

Trẻ mắc bệnh học đường, trước hết do bản thân trẻ chưa ý thức được nguy cơ cũng như tác hại của việc mắc bệnh nên lơ là, chủ quan không ngồi đúng tư thế, học tập, đọc truyện ở nơi không đủ ánh sáng hoặc xem quá nhiều ti vi hay các thiết bị điện tử khác. 

Ở khía cạnh khác, trẻ mắc bệnh học đường do nơi các em học tập hàng ngày gây ra. Theo TS Bắc, điều kiện học tập ở trường là căn nguyên của các bệnh học đường. 

Đó là phương pháp học tập thụ động khiến học sinh cả buổi chỉ có việc nghe, chép chứ không được tham gia các hoạt động thể chất, sáng tạo. 

Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến môi trường như bàn ghế cũng là vấn đề đáng bàn bởi học sinh trong một lớp có nhiều thể trạng khác nhau nhưng các em vẫn phải ngồi cùng một kiểu bàn, ghế dẫn đến tình trạng bàn ghế quá to hoặc quá nhỏ gây khó chịu, lâu dần dẫn tới việc mắc bệnh học đường cho học sinh. 

Tiếp đó phải kể đến vai trò của thầy cô giáo trong việc uốn nắn tư thế ngồi, tư thế hoạt động cho học sinh nhưng với lớp quá đông học sinh, việc giữ nề nếp để dạy kiến thức đã khó chứ nói gì đến uốn nắn tư thế cho các em. 

Do vậy, trong khi điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, bàn ghế) chưa thể thay đổi thì gia đình và nhà trường cần phải tuyên truyền để học sinh luôn có ý thức ngồi đúng tư thế, khoảng cách, học nơi có đủ ánh sáng và thường xuyên tham gia hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe.

Với bệnh truyền nhiễm, do cùng học hành, chơi đùa tiếp xúc với nhau trong thời gian dài cộng với việc nhiều trường học chưa chú ý đến vệ sinh phòng học, bàn ghế, thiếu nước, thiếu nhà vệ sinh… là nguyên nhân dễ nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp. 

Do vậy, ngoài việc tăng cường vệ sinh tại trường học, bản thân trẻ cũng cần phải có kiến thức để tự bảo vệ bản thân. Cha mẹ, thầy cô thường xuyên nhắc để trẻ hình thành thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, che miệng - mũi khi ho hoặc hắt hơi; Thông báo cho thầy cô, cha mẹ khi cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt...

- Mặc dù liên Bộ Y tế - GD&ĐT đã có quy định về ánh sáng trong lớp học, diện tích lớp, kích thước bàn ghế nhưng phần lớn các trường mới hướng đến tiêu chí chất lượng học tập chứ chưa quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe giúp trẻ phát triển toàn diện.

- Hiện nay, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và Xây dựng đang phối hợp để xây dựng bộ tiêu chí chuẩn để có một lớp học chuẩn tạo thuận lợi cho học sinh và cô giáo, xây dựng trường học nâng cao sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.