Hấp dẫn bài học cuộc sống từ truyện ngụ ngôn

GD&TĐ - Cô Đoàn Thị Kim - Trường THCS Phan Sào Nam (Hưng Yên) - cho biết: Phần truyện ngụ ngôn trong chương trình Ngữ văn 6 là một kho kĩ năng sống nếu người giáo viên biết cách khai thác.

Hấp dẫn bài học cuộc sống từ truyện ngụ ngôn

Mặc dù dạy truyện ngụ ngôn tích hợp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lớp 6 tương đối khó. Nhưng, với sự chuẩn bị kĩ lưỡng bài dạy, nghiên cứu, tìm tòi bước đầu, cô Đoàn Thị Kim đã thực hiện khá tốt một số giờ học, giúp học sinh không chỉ hứng thú mà còn có thêm một số kĩ năng, tạo được những sản phẩm nhất định từ các kĩ năng học được.

Cách tích hợp trong giờ dạy truyện ngụ ngôn

Theo cô Đoàn Thị Kim, có thể tích hợp lồng ghép giáo dục kỹ năng sống trong giờ giảng. Dạy đến nội dung nào có khả năng liên hệ đến kĩ năng sống, giáo viên có thể rút ra kết luận hoặc gợi mở để học sinh nhận thấy kĩ năng sống đó.

Ví dụ: Khi dạy bài “Ếch ngồi đáy giếng”, hình ảnh con ếch trong giếng huênh hoang, tự cho mình là chúa tể, coi thường các con vật bé nhỏ như cua, nhái, ốc, lúc nào cúng kêu ồm ộp và tự cho mình là chúa tể, giáo viên có thể liên hệ với cuộc sống thực tế của học sinh trong gia đình.

Nếu các em được bố mẹ, ông bà nuông chiều, đôi khi các em cũng tự cho mình là “ chúa tể”, nghĩ mình là giỏi, là to nhất và có những lời nói, hành vi không đúng mực. Điều đó sẽ làm cho ông bà, bố mẹ phiền lòng.

Vậy kĩ năng sống rút ra là: Chúng ta cần nhận thức đúng về bản thân, cần biết vị trí của mình trong gia đình, có cách nói năng, giao tiếp, ững xử phù hợp để mọi người yêu quý. Đó là kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự nhân thức.

Kĩ năng sống cũng có thể được tích hợp trong phần luyện tập, củng cố cuối bài. Sau khi đã giảng xong nội dung chính của bài, giáo viên có thể gợi mở để học sinh từ đó rút ra các kĩ năng sống có liên quan.

Ví dụ: Khi dạy bài: “Thày bói xem voi”, ở phần luyện tập, củng cố, giáo viên có thể cho học sinh làm một bài tập như sau:

Đứng trước một vấn đề mà mỗi người có một ý kiến khác nhau, ai cũng cho là mình đúng như tình huống trong chuyện, em sẽ làm gì để vừa có thể giải quyết được mục đích của vấn đề, vừa kìm chế được bản thân, lắng nghe ý kiến của người khác và thống nhất kết quả?

Bằng một số câu hỏi gợi mở, giáo viên có thể giúp học sinh rút ra được những kĩ năng như: Kĩ năng hợp tác, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm chủ bản thân, kĩ năng ứng phó với tình huống căng thẳng.

Những kĩ năng sống rút ra qua các truyện ngụ ngôn lớp 6

Cô Đoàn Thị Kim đồng thời chia sẻ rất cụ thể, chi tiết những kĩ năng sống có thể rút ra qua các truyện ngụ ngôn lớp 6.

Ví dụ, trong truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”, đó là kỹ năng giao tiếp; kĩ năng tự nhận thức bản thân; kĩ năng xác định giá trị và kĩ năng tư duy sáng tạo.

Kĩ năng giao tiếp: Con ếch trong câu chuyện có thái độ huênh hoang, nghĩ mình là chúa tể, coi thường những con vật bé nhỏ sống xung quanh. Chính thái độ ứng xử này trong giếng đã tạo thành thói quen nên khi ra khỏi giếng, vẫn giữ cách ứng xử, giao tiếp như vậy mà nó đã bị trâu giẫm bẹp.

Bài học Kĩ năng rút ra đó là cần có thái độ ứng xử đúng mực, biết cảm thông, quan tâm đến người khác sẽ được mọi người tin tưởng, yêu quý.

Kĩ năng tự nhận thức bản thân: Con ếch chỉ sống trong giếng, thấy mình là lớn nhất nên tưởng là chúa tể, nó không biết rằng trong cuộc sống rộng lớn thì nó chỉ là một con vật bé nhỏ, tầm thường.

Vì không biết mình, biết hoàn cảnh nên nó đã phải trả giá đắt. Bài học Kĩ năng sống rút ra là cần biết mình, hiểu mình, xác định những cảm xúc, nhu cầu, đặc điểm…của bản thân để có cách ứng xử tích cực với cuộc sống.

Kĩ năng xác định giá trị: Con ếch tự đề cao bản thân, có tính huênh hoang, tự kiêu, nó đã “ phát huy” không đúng lúc tính cách của mình nên phải chết.

Bài học Kĩ năng sống là cần xác định điểm mạnh của bản thân để phát huy nhưng cũng phải thấy được điểm yếu của mình để sửa chữa. Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu cần đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

Kĩ năng tư duy sáng tạo: Cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý muốn của chúng ta, hoàn cảnh đôi khi sẽ đẩy chúng ta đến những vấn đề phức tạp, lúc này cần suy nghĩ để tìm ra cách thích ứng và giải quyết tốt nhất chứ không như con ếch khi ra khỏi giếng, không suy nghĩ, giữ cách sống bảo thủ mà phải mất mạng.

Bài học Kĩ năng sống rút ra là cần thích ứng nhanh với môi trường sống mới, mà muốn thích ứng được thì phải suy nghĩ, tư duy, sáng tạo.

Với truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”, giáo viên cũng có thể rút ra các bài học ý nghĩa về kĩ năng sống như trên, cụ thể:

Kĩ năng giao tiếp: Năm ông thầy bói vì không biết lắng nghe nhau, ai cũng cho là mình đúng và người khác sai nên cuối cùng đánh nhau toác đầu chảy máu mà hình thù con voi vẫn chưa tường tận.

Bài học Kĩ năng sống rút ra đó là khi giao tiếp cần biết lắng nghe, chia sẻ,bày tỏ quan điểm của mình nhưng khi trao đổi, tranh luận cần tránh xung đột mới đạt được kết quả giao tiếp tốt.

Kĩ năng làm chủ bản thân: Trong cuộc tranh luận và miêu tả con voi, thầy bói nào cũng cho là “con voi” của mình là đúng, vì không kiềm chế được bản thân nên cuộc xô xát đã diễn ra.

Bài học Kĩ năng đó là cần kiềm chế bản thân, tích cực học hỏi để nâng cao tri thức cho tương xứng với công việc, biết giữ mình để tạo ra sự đoàn kết và đồng thuận từ mọi người.

Kĩ năng hợp tác: truyện Thày bói xem voi là một trong những bài học về sự hợp tác. Rõ ràng, mỗi thầy chỉ xem có một bộ phận của con voi, nếu biết “ ghép” lại với nhau thì sẽ ra một con voi hoàn chỉnh, nhưng vì thiếu sự hợp tác nên không đạt được mục tiêu là biết con voi, lại còn dẫn đến mất đoàn kết.

Bài học Kĩ năng sống là cần bắt tay nhau trong công việc, vì một mục đích chung, biết đưa ra ý tưởng của bản thân nhưng cũng cần lắng nghe ý kiến của người khác, tôn trọng lẫn nhau, không ích kỉ, cố chấp.

Kĩ năng ứng phó với tình huống căng thẳng: Sự căng thẳng sẽ làm người ta mất tập trung vào công việc hoặc hủy diệt một phần cuộc sống.

Trong truyện năm ông thầy bói cố chấp, tranh cãi nhau dẫn tới căng thẳng và cuối cùng là xô xát, đánh nhau.

Bài học Kĩ năng sống rút ra được đó là cần có cái nhìn tích cực hơn, biết kiềm chế bản thân, suy nghĩ tích cực để giảm bớt căng thẳng, thậm chí có thể lựa chọn cách rút lui, chuyển hướng suy nghĩ, thương lượng, tâm sự với người khác …để giải tỏa.

Kĩ năng thương lượng: Sự cố chấp, ai cũng cho là mình đúng còn các thầy khác đều không đúng, không phải nên năm ông thầy bói cuối cùng vẫn chả biết được con voi.

Kĩ năng thương lượng rút ra qua truyện đó là cần biết lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người đối diện, cần có thái độ mềm mỏng, sáng suốt và trong từng trường hợp cụ thể cũng cần có tính quyết đoán.

Những phương pháp giáo dục kỹ năng sống hiệu quả

Phương pháp động não

Động não là phương pháp giúp cho học sinh trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó.

Ở phương pháp này, giáo viên nêu câu hỏi hoặc vấn đề (có nhiều cách trả lời) cần được tìm hiểu trước cả lớp hoặc trước nhóm. Khích lệ học sinh phát biểu và đóng góp ý kiến càng nhiều càng tốt.

Nhờ không khí thảo luận cởi mở nên học sinh, đặc biệt là những em nhút nhát, trở nên bạo dạn hơn; các em học được cách trình bày ý kiến của mình biết lắng nghe có phê phán ý kiến của bạn; từ đó, giúp trẻ dễ hoà nhập vào cộng động nhóm, tạo cho các em sự tự tin, hứng thú trong  học tập và sinh hoạt. 

Thảo luận nhóm

Như bản thân tiêu đề của phương pháp đã ngụ ý thực chất của phương pháp này là để học sinh bàn bạc, trao đổi trong nhóm nhỏ.

Thảo luận nhóm được sử dụng rộng rãi nhằm giúp cho mọi học sinh tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập, tạo cơ hội cho các em có thể chia sẽ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến để giải quyết một vấn đề có liên quan đến bài học đồng thời cũng phát huy được kĩ năng giao tiếp, hợp tác, ra quyết định….

Phương pháp đóng vai

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành “ làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Đây là phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự kiện cụ thể mà các em quan sát được.

Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này và hơn thế điều quan trọng nhất là sự thảo luận sau phần diễn ấy.

Phương pháp nghiên cứu tình huống

Nghiên cứu tình huống thường là một câu chuyện được viết nhằm tạo ra một tình huống “ thật” để minh chứng một vấn đề hay loạt vấn đề.

Đôi khi nghiên cứu tình huống có thể được thực hiện trên video hay một băng cátset mà không phải trên dạng chữ viết.

Vì tình huống này được nêu lên nhằm phản ánh tính đa dạng của cuộc sống thực, nó phải tương đối phức tạp, với các dạng nhân vật và những tình huống khác nhau chứ không phải là một câu chuyện đơn giản.

Phương pháp này giúp học sinh rèn kĩ năng tư duy sáng tạo, kĩ năng ra quyết định hay hợp tác…

Phương pháp trò chơi

Trò chơi là phương pháp tổ chức cho học sinh tìm hiểu một vấn đề hay thực hiện

Qua trò chơi, lớp trẻ không những được phát triển về các mặt trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ mà còn được hình thành nhiều phẩm chất và hành vi tích cực.

Chính vì vậy, trò chơi được sử dụng như là một phương pháp dạy học quan trọng về kĩ năng sống như kĩ năng hợp tác, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tư duy sáng tạo, làm chủ bản thân…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.