Kế hoạch bỏ trốn
Tháng 3/1976, Sobhraj và người yêu, Monique, di chuyển từ Thái Lan sang châu Âu để thoát khỏi tầm ngắm của cơ quan điều tra. Nhưng từ những thông tin nhà ngoại giao Hà Lan Knippenberg cung cấp, Sobhraj đã bị phát lệnh truy nã quốc tế.
Mùa xuân năm đó, hắn ta trở lại Pháp. Do những vụ giết người gây xôn xao quốc tế, Sobhraj quyết định bỏ trốn đến New Delhi, Ấn Độ. Cảnh sát Ấn Độ đã cam kết sẽ chính tay truy bắt hắn ta.
Tháng 7/1976, cơ quan điều tra Ấn Độ bắt giữ thành công Sobhraj sau khi hắn chuốc thuốc mê một nhóm khách du lịch Pháp tại New Delhi. Hắn cũng bị buộc tội giết một người đàn ông Israel tại Varanasi và một du khách người Pháp ở Delhi cùng năm.
Tuy nhiên, Sobhraj đã làm đơn kháng cáo hai bản án giết người này. Sau đó, hắn bị kết tội cố gắng cướp một nhóm du lịch và bị kết án 12 năm tại nhà tù Tihar. Bị giam giữ tại nhà tù nổi tiếng đông đúc, thiếu nhân viên tại thủ đô Delhi, song Sobhraj tận hưởng cuộc sống tương đối thoải mái.
Hắn ta được chọn thức ăn theo ý muốn, được người thân thăm nhiều hơn các tù nhân khác. Trong khi các tù nhân phải ở trong phòng giam, Sobhraj có thể tự do đi lại trong phạm vi nhà tù.
Hắn ta kiếm tiền nhờ soạn các bản kiến nghị lên tòa án cho những tù nhân giàu có. Sau đó, hắn sử dụng số tiền này để hối lộ lính canh và duy trì địa vị cao trong nhà tù. Hắn ta được cho là đã bí mật ghi âm chứng cứ tham nhũng của các quan chức cấp cao nhà tù. Vì vậy, mọi người ở Tihar đều sợ hãi hắn ta.
Khi nhà báo Alan Dawson, làm việc tại Bangkok, phỏng vấn Sobhraj trong thời gian bị giam tại Tihar vào năm 1984, hắn đã lấp liếm mọi hành động trong tù. Sobhraj nhận xét nhà tù là nơi khủng khiếp với hàng nghìn tù nhân liên tục kêu gào trước bản án của họ.
“Tôi đã được mở mang tầm mắt khi ở Tihar. Các tù nhân phản đối cuộc sống trong các bức tường và sau song sắt. Trong khi đó, nhà chức trách liên tục phải xử lý thủ tục, giấy tờ”, kẻ giết người chia sẻ.
Nhà báo Dawson cho biết: “Ngay từ đầu, tôi đã thấy rõ Sobhraj là kẻ lừa đảo, luôn tìm cách kiểm soát tình hình. Hắn ta đẹp trai, có sở trường của kẻ lừa đảo là khiến bạn tin rằng hắn ta hoàn toàn chú ý đến bạn”.
Ngày 17/3/1986, Sobhraj trốn thoát khỏi nhà tù Tihar. Khi cảnh sát đến hiện trường, một cảnh tượng gây chấn động diễn ra trước mắt họ. Tất cả nhân viên gác cổng đều say ngủ. Trước đó, Sobhraj đã bịa chuyện rằng hôm nay là sinh nhật hắn ta và mời các nhân viên món đồ ngọt có chứa thuốc an thần. Không chỉ Sobhraj, hơn 10 tù nhân khác cũng vượt ngục.
Hắn ta bỏ trốn khi chỉ còn vài tuần là được thả. Cơ quan chức năng nghi ngờ Sobhraj không muốn bị dẫn độ đến Thái Lan, nơi hắn ta phải đối mặt với tội danh giết người vì vụ án năm 1975. Điều này có thể khiến hắn nhận án tử hình.
Cách đó hàng nghìn km trên đất Mỹ, ông Knippenberg đang theo học thạc sĩ ngành Quản trị công tại Trường Đại học Harvard. Ông được những người bạn khuyên nên chú ý giữ an toàn trong thời gian này bởi Sobhraj đã biết Knippenberg “góp công” trong cuộc truy bắt hắn ta. Nhưng sau thời gian dài tìm hiểu kẻ sát nhân, Knippenberg hiểu rõ Sobhraj quá thông minh nên sẽ không mạo hiểm tính mạng để trả thù.
Knippenberg đã đoán đúng. Ngày 6/4, Sobhraj bị bắt khi đang nhâm nhi bia tại khu nghỉ mát bên bờ biển Goa, Ấn Độ để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 42. Nhân chứng cho hay khi bị bắt, Sobhraj rất điềm tĩnh, không phản kháng.
Hắn ta bị đưa trở lại nhà tù cùng với một bản án kéo dài nên không còn lo lắng bị dẫn độ về Thái Lan vì hiệu lực thi hành các bản án giết người tại quốc gia này gần hết hạn.
Chôn kín bí mật
Trong hành trình di chuyển từ Pháp đến Đông Nam Á, Sobhraj đã thu nhận nhiều đồng phạm, gây ra nhiều vụ giết người. Số ít bằng chứng có thể chứng minh là hộ chiếu của những người mất tích được ông Knippenberg tìm thấy tại căn hộ ở Thái Lan.
Một số nạn nhân được cho là bị đánh thuốc mê và chết do dùng quá liều, số khác bị chết đuối. Có những người bị đâm, bị đổ xăng và thi thể cháy xém đến mức không thể nhận dạng của họ bị vứt bên đường. Không ai rõ số nạn nhân thực sự của hắn và chỉ có hai trong số các vụ giết người khiến hắn bị bỏ tù, còn lại vẫn rơi vào bế tắc.
Sobhraj có thể “đánh hơi” nguy hiểm rất nhanh và luôn tìm cách chạy trốn trước khi bị phát hiện. Biệt danh “Người rắn” của hắn cũng từ đây mà ra khiến cảnh sát thế giới đau đầu.
Đáng chú ý, Sobhraj chưa bao giờ đưa ra lý do thuyết phục cho hành vi giết người của mình. Trên thực tế, cũng không có con số cụ thể nạn nhân thiệt mạng dưới đôi tay của hắn. Khi gặp gỡ nhà báo, nhà văn, hắn thường nhận đã giết người này người kia nhưng lập tức chối bỏ nên tòa án không thể cấu thành bản án hoàn chỉnh.
Nhà báo Dawson từng lên kế hoạch viết một cuốn sách về tên sát nhân nhưng đã từ bỏ ý định vì Sobhraj đòi trả 10.000 USD để hợp tác. Tuy nhiên, hắn ta vẫn đồng ý trả lời phỏng vấn qua song sắt nhà tù.
Câu hỏi đầu tiên của ông Dawson luôn là: “Tại sao?”. Nhưng Sobhraj thường nói rằng, “nếu chúng ta viết sách, câu trả lời sẽ là tất cả những người da trắng đó đã làm băng hoại châu Á bằng cách buôn bán thuốc phiện”. Và đó là lý do Sobhraj cho rằng họ xứng đáng phải chết.
Mô tả về các cuộc gặp gỡ của mình với Sobhraj, nhà văn Neville cho biết, ban đầu ông hình dung Sobhraj là người của chủ nghĩa thực dân, tự tôn mình lên. Nhưng hắn khiến ông bất ngờ vì là kẻ tâm thần thông minh.
Theo Neville, Sobhraj giải thích việc giết người là “không bao giờ giết người tốt”. Hắn sử dụng kiến thức phân tâm học, Phật giáo, chính trị học toàn cầu để hợp lý hóa và giảm nhẹ tội ác của mình.
Khi được hỏi, điều gì tạo nên kẻ sát nhân, Sobhraj trả lời: “Hoặc là họ có quá nhiều cảm xúc và không thể kiểm soát bản thân. Hoặc họ không có cảm xúc. Đó là một trong hai”. Nhưng Sobhraj không bao giờ tiết lộ hắn là kiểu sát nhân nào.
Sobhraj luôn muốn tên mình được chú ý. Bằng chứng là khi được thả khỏi Tihar năm 1997 sau 21 năm bị giam giữ, sức hút của hắn ta với giới truyền thông vẫn rất lớn.
Theo BBC, kẻ giết người đã bán bản quyền câu chuyện về cuộc đời mình làm phim và sách với giá 15 triệu USD. Có bộ phim chưa bao giờ được thực hiện dù đã phải xuống tiền. Và dù có nhiều sách, chương trình truyền hình về Sobhraj, không ai biết lý do thật sự ẩn sau những vụ giết người của hắn ta.
Tiền án giết người
Vào một buổi sáng mùa đông năm 2003 tại New Zealand, Knippenberg nhận được tin báo Sobhraj, đang sống ở Pháp, vừa bị bắt tại Nepal và bị buộc tội giết một du khách năm 1975 tại thủ đô Kathmandu.
Quyết định đến Kathmandu của Sobhraj gây tò mò bởi Nepal là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn coi hắn ta là đối tượng truy nã. Bị cảnh sát Nepal thẩm vấn, Sobhraj phủ nhận từng đến thăm đất nước này.
Cơ quan điều tra cần bằng chứng và đó là lí do họ tìm đến Knippenberg, người đã dành hơn 10 năm thu thập chứng cứ phạm tội của “Người rắn”. Lần tìm trong 6 hộp tài liệu,
Knippenberg phát hiện ra một thông tin do Monique, người yêu cũ của Sobhraj cung cấp vào tháng 7/1976 khi bị bắt. Cô này khai nhận từng có khoảng thời gian ở Nepal cùng Sobhraj.
Knippenberg đã gửi những tài liệu này cho FBI. Ngày 13/9/2003, Sobhraj bị bắt tại thủ đô Kathmandu, bị buộc tội sát hại 2 du khách người Mỹ vào năm 1975. Hắn ta liên tục khẳng định mình vô tội.
Hắn ta bị giam 25 ngày mà không có luật sư, sau đó bị kết án tù chung thân vào tháng 8/2004. Kẻ sát nhân không thể gọi người làm chứng hoặc theo dõi bằng chứng chống lại hắn ta vì không thể nói tiếng Nepal. Tài liệu cho biết, hắn ta gần như bị giam giữ liên tục trong tình trạng cách ly với thế giới bên ngoài.
Các luật sư của Sobhraj đã làm đơn khiếu nại gửi lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào năm 2008. Họ cho rằng, việc bắt giữ và xét xử Sobhraj là vi phạm nhân quyền. Nhưng điều này không thay đổi được quyết định của chính phủ Nepal. Sobhraj vẫn bị giam giữ tại nước này sau nhiều lần kháng cáo.
Năm 2014, một tòa án ở Nepal đã kết án Sobhraj về tội sát hại du khách người Canada vào năm 1975 với mức tù giam 20 năm. Vụ án được lật lại từ năm 2013 vì các công tố viên lo ngại Sobhraj có thể kháng cáo để được ra tù sớm do tuổi già.
Hành trình không hồi kết
Đến nay, vụ việc đã được giải quyết. Sobhraj, 76 tuổi, đang thụ án chung thân tại Nepal. Nhiều đồng phạm của hắn ta đã mất tích hoặc qua đời.
Nhắc lại cuộc truy lùng đặc biệt trong cuộc đời mình, Knippenberg cho biết, nó đã trở thành một phần da thịt của ông. “Tôi đã phải chứng kiến những người vô tội mất mạng mà không ai chú ý. Điều này thật quá bất công”, ông Knippenberg bày tỏ.
Trong bộ phim do Netflix chuyển thể, ông Knippenberg được xây dựng như một người hùng đeo đuổi công lý.
Knippenberg thừa nhận đã cung cấp thông tin giúp cảnh sát Ấn Độ và Nepal vây bắt Sobhraj nhưng phủ nhận tính anh hùng trong chuyện này. Thực tế, trong những năm tháng Knippenberg đeo bám vụ việc, mọi người xung quanh nhìn nhận ông là một người kỳ quặc.
Hơn 45 năm sau ngày nhận được bức thư đặc biệt từ Hà Lan, Knippenberg cho biết, ông sẽ không bất ngờ nếu ngày mai hay tin chính phủ Nepal quyết định thả tự do cho Sobhraj vì sự ranh ma của người này. Tuy nhiên, Knippenberg khẳng định, chừng nào còn sống, ông sẽ tìm cách buộc kẻ thủ ác trả giá cho những sai lầm khủng khiếp đã gây ra.