Hành trình làm chủ chuỗi đồ da của chàng trai tỉnh lẻ

GD&TĐ - Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Phạm Ngọc Liêm đã nuôi ước mơ làm chủ một doanh nghiệp của riêng mình. Ra trường, anh chọn cách đi làm vài năm để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước rồi mới khởi nghiệp với số vốn 40 triệu đồng. Đến nay sau 07 năm, chàng sinh viên tỉnh lẻ ngày nào đã trở thành ông chủ lớn của chuỗi 22 cửa hàng đồ da mang tên Lee & Tee.

Phạm Ngọc Liêm
Phạm Ngọc Liêm

Mơ ước làm chủ của chàng trai tỉnh lẻ

Phạm Ngọc Liêm sinh năm 1988 tại Phước Long, Bình Phước trong một gia đình có truyền thống buôn bán nông sản. Ngay từ lúc còn nhỏ, cậu bé Liêm đã tập tành phụ giúp ông bà buôn bán nông sản do gia đình sản xuất, nên máu kinh doanh có ở cậu thanh niên này từ khá sớm. Vì vậy, ngay sau khi rời quê vào TPHCM học, chàng sinh viên tỉnh lẻ đã nung nấu ý định khởi nghiệp, làm chủ một cơ sở kinh doanh của riêng mình.

Để tích lũy vốn và kinh nghiệm, anh đầu quân cho một công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, Phạm Ngọc Liêm có dịp tiếp xúc với rất nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau. Lúc nào cũng vậy, chàng trai trẻ luôn tận dụng cơ hội để trò chuyện, hỏi han và tìm hiểu thêm các cách thức sản xuất, quản lý, điều hành từ những người khách hàng của mình.

Sau 3 năm không ngừng học hỏi, Phạm Ngọc Liêm nghỉ việc và bắt đầu tìm hướng khởi nghiệp. Lúc này, đồng hành cùng anh còn có người bạn gái mà sau này trở thành bà xã của anh. Trọ tại Tân Bình vốn là nơi có nhiều người làm nghề may mặc, đôi bạn trẻ quyết định chọn lĩnh vực may đồ da để khởi nghiệp. Liêm dành 2 năm để theo học từng đường may mũi chỉ của một vị “sư phụ” có hơn 30 năm kinh nghiệm may túi xách và ví da.

Trong suốt thời gian đó, Liêm cũng bắt đầu các bước chuẩn bị cho doanh nghiệp của mình. Anh chọn chữ cái đầu tiên trong tên của mình và bạn gái là Liêm và Thư để tạo nên cái tên thương hiệu Lee & Tee. Cả hai cũng không quên lập kế hoạch kinh doanh và huy động nguồn vốn từ bạn bè, người thân. Có trong tay 40 triệu, Phạm Ngọc Liêm bắt đầu tính toán các chi phí và tìm mặt bằng kinh doanh.

Với nguồn vốn không quá nhiều, anh chỉ dám nhắm đến một căn nhà nhỏ 10m2 ở cuối đường Cách Mạng Tháng Tám, một trong những con đường nổi tiếng về các mặt hàng thời trang ở TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Sau nhiều tháng chờ đợi, Liêm đã chớp được cơ hội thuê lại căn nhà đã nhắm chỉ trong vòng 2 phút đàm phán. Đây cũng chính là cửa hàng đầu tiên của chuỗi Túi xách da Lee & Tee.

Anh bồi hồi kể lại: “Ngày đó vốn ít, tôi làm gì cũng phải tính toán thật kỹ từng chút một để tiết kiệm tối đa chi phí. Cũng may nhờ có nhiều bạn bè giúp sức, người phụ đóng gỗ thiết kế, người thì vẽ tặng bảng hiệu... nhờ vậy mà cửa hàng ra mắt thuận lợi và tươm tất”.

Nhà sáng lập Lee & Tee dành 2 năm để học may trước khi khởi sự kinh doanh
Nhà sáng lập Lee & Tee dành 2 năm để học may trước khi khởi sự kinh doanh

Những sai lầm và biến cố tưởng chừng đánh gục tất cả

Thời gian đầu, cửa hàng của Phạm Ngọc Liêm rất đông khách, hàng làm ra chiếc nào là bán ngay chiếc đấy. Nhìn thấy tiềm năng, anh liều lĩnh mở cửa hàng thứ 2, chỉ 3 tháng sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên. Trước đó, do chỉ có một cửa hàng, việc ước lượng các chi phí một cách mơ hồ, ghi chép thu chi rất thô sơ vẫn ổn. Đến cửa hàng thứ 2, ông chủ Lee & Tee mới bắt đầu đối mặt với những khó khăn trong việc quản lý và điều hành.

Để tiết kiệm chi phí, anh không thuê nhân viên kế toán mà tự lo các vấn đề sổ sách cho cả 2 cửa hàng. Các ghi chép thủ công của anh cho thấy việc kinh doanh vẫn tạo ra lợi nhuận. Nhưng thực tế 2 cửa hàng Lee & Tee lại đang bắt đầu lỗ nặng. Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp non trẻ của Liêm rơi vào khủng hoảng, khi không còn khả năng chi trả các chi phí liên quan. Đôi vợ chồng trẻ bỗng chốc lâm vào cảnh nợ nần.

Cùng lúc này, biến cố lại xảy đến với gia đình nhỏ của Phạm Ngọc Liêm khi mẹ anh bị bệnh qua đời. Chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết gần như bị đánh gục bởi cú sốc quá lớn này. Anh rơi vào trạng thái tiêu cực tưởng chừng không thoát ra nổi trong suốt một thời gian dài. Mọi cách thức để vực dậy tinh thần mà anh học được qua sách báo đều không có tác dụng.

Đứng dậy nhờ không ngừng học hỏi và quyết tâm thay đổi

Sau một thời gian dài bi quan, cuối cùng Phạm Ngọc Liêm cũng bình tâm và ngồi lại phân tích nguyên nhân thất bại. Hỏi han nhiều bạn bè và những người đi trước, anh mới nhận ra vấn đề lớn nhất nằm ở chính bản thân mình. Những khó khăn mà anh đang gặp phải thực tế rất phổ biến và gần như bất kỳ ai khởi nghiệp kinh doanh đều phải trải qua giai đoạn đầy thử thách này. Đây là bài kiểm tra ý chí và nghị lực mà người làm chủ phải vượt qua nếu muốn thành công.

Hiểu được điều này, Phạm Ngọc Liêm bắt đầu chấn chỉnh lại tinh thần và tìm cách vượt qua khó khăn thay vì buông xuôi và bỏ cuộc. Anh cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp hơn với sở thích của người tiêu dùng. Ông chủ Lee & Tee tận tình giới thiệu tỉ mỉ sản phẩm của mình đến từng khách hàng, để họ hiểu đúng và đủ về giá trị và chất lượng những chiếc túi da, ví da mà anh cùng cộng sự tự tay làm ra. Với cách làm tỉ mỉ và đầy tâm huyết này, anh dần dần lôi kéo được khách hàng trở lại với mình.

Về khủng hoảng nguồn vốn, Liêm cũng nhận ra được mình đang nhầm lẫn giữa tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Đối với những người mới khởi nghiệp như anh, việc này rất thường xảy ra. Cộng với việc phân bổ chi phí mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và không ghi chép rõ ràng… Tất cả khiến tình trạng tài chính của Lee & Tee rối rắm và mất cân bằng nghiêm trọng. Phạm Ngọc Liêm bắt đầu thay đổi bằng việc đi học các lớp quản lý nguồn vốn. Sau khi đã nắm vững kiến thức quản lý vốn, anh mới vạch ra kế hoạch quản lý mới cho các cửa hàng của mình.

Đầu tiên, anh tách bạch tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Trong đó, các khoản chi cho cá nhân được tiết giảm tối đa. Anh cùng vợ quyết định cắt giảm toàn bộ những khoản chi không cấp thiết. Họ chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” để tập trung tiền giải quyết tình trạng thiếu vốn của Lee & Tee.

Đối với các khoản chi cho các cửa hàng, Liêm tiếp tục chia ra 2 nhóm: chi phí cố định và chi phí phát sinh. Trong đó chi phí cố định bao gồm: tiền mặt bằng, lương nhân viên, tiền nợ hàng tháng… Đây là các khoản chi bắt buộc hàng tháng và hầu như không thể cắt giảm, cần được ưu tiên đáp ứng trước tiên. Ngược lại, các khoản phát sinh khác như hao hụt, thất thoát… cần giảm thiểu đến mức tối đa. Riêng chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị hỗ trợ sản xuất cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng.

Thành công nhờ… 2 con heo đất

Để thực hiện được mục tiêu tài chính mới đặt ra, vợ chồng Liêm đã sử dụng một cách làm cổ điển nhưng đầy hiệu quả, tên gọi kế hoạch 2 con heo đất. Theo đó, chú heo đất màu cam sẽ phục vụ cho các khoản chi cố định, cấp thiết nhằm đảm bảo tình trạng tài chính của cửa hàng luôn ổn định. Chú heo còn lại có màu xanh tượng trưng cho hy vọng, sẽ cất giữ những khoản tiền dư còn lại để phục vụ cho việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị và mở rộng hệ thống về sau.

Mỗi ngày, Liêm đều đặn cho tiền vào 2 chú heo kể trên, đặc biệt là chú màu cam cấp thiết. Đây là cách đã giúp anh dần dần giải quyết vấn đề tài chính của mình. Các cửa hàng của Lee & Tee không còn rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau như trước đây và dần đi vào hoạt động ổn định trở lại. Công việc sản xuất và kinh doanh cũng từ đó phát triển một cách bền vững. Năm 2013, xưởng sản xuất của vợ chồng anh đã có gần 100 công nhân làm việc liên tục mới đủ cung ứng cho thị trường. Thương hiệu Lee & Tee của anh cũng được vinh danh là 1 trong 10 thương hiệu nổi tiếng trong năm 2013 do Trung ương hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn.

Sau thành công này, Liêm trở nên vững vàng hơn và tự tin đưa sản phẩm của mình vươn xa ra những thị trường khác trên toàn quốc. Khởi đầu là TPHCM, đến nay sau 7 năm, chuỗi túi xách da Lee & Tee đã có 22 cửa hàng trải rộng khắp 3 miền đất nước. Không dừng lại ở đó, vợ chồng chàng trai tỉnh lẻ ngày nào còn ấp ủ giấc mơ mang thương hiệu của mình giới thiệu đến thế giới. Qua đó chứng minh rằng sản phẩm may mặc của Việt Nam hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh và có được chỗ đứng ở bất cứ thị trường nào trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hễ mưa là ngập ở 'thành phố đáng sống'

GD&TĐ - Thường thì các thành phố ven biển hiếm khi bị ngập vì nước lũ không có điều kiện tích trữ nguồn để gây ra lụt lội như các thành phố ở đồng bằng, ở xa biển.

Học sinh UAE tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

UAE hủy thi tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) thông báo từ năm học này, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, gọi là Emsat, sẽ bị huỷ bỏ.