Hành trình gian nan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mới đây, người dân quận Gò Vấp (TPHCM) hết sức vui mừng trước thông tin UBND TP đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng trường học...

Chính phủ cần xem xét, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa Internet.
Chính phủ cần xem xét, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa Internet.

Trường học này nằm ở khu đất 59/9 Phạm Văn Chiêu (Phường 14), rộng hơn 20.800 m2.

Gần đó, lô đất 347 Lê Đức Thọ (Phường 7) rộng hơn 6.300 m2 - vốn thuộc quản lý của Tổng Công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn - cũng được điều chỉnh quy hoạch thành trường học. Trước đó, TP Đà Nẵng đã hoàn tất việc thu hồi khu “đất vàng”, rộng hàng chục nghìn m2, của Nhà máy Nhựa ở quận Thanh Khê để xây dựng Trường Mầm non Hải Đường và Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm.

Các đô thị có dân số cao, nên nhu cầu xây dựng trường học cho con em trên địa bàn rất lớn. Như Gò Vấp là quận có số học sinh tăng từ 3,66 đến 35,93% ở mỗi cấp học, dẫn tới thiếu 73 phòng học cho năm học 2022 - 2023. TP Đà Nẵng dự kiến đến năm 2025, chỉ tính tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mỗi năm cần thêm một trường tiểu học.

Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học ở TP này có sĩ số học sinh/lớp rất cao. Nếu cộng cả việc giảm số học sinh/lớp từ 45 xuống còn 35 em, cùng tỷ lệ tăng dân số cơ học, tính riêng mảng tiểu học phải tăng thêm 4 trường/năm. Quy mô dân số, học sinh tăng nhưng đất đai trong đô thị không nở theo. Vì thế, việc chuyển các khu đất công thuộc quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước hiện không còn nhu cầu sử dụng sang đất giáo dục là hướng đi phù hợp để giải tỏa áp lực trường lớp.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi đất công sang đất cho giáo dục gặp nhiều trở ngại. Như các lô đất công ở quận Gò Vấp, TPHCM nói trên, dù quận đã chủ động rà soát, kiến nghị từ những năm 2018 - 2019, với nhiều văn bản, họp hành nhưng gần 3 năm sau Thường trực Ban Chỉ đạo 167 mới có văn bản thống nhất phương án đề xuất, trình Chủ tịch UBND TPHCM giao về xây trường học và thêm gần 2 năm nữa mới có đường hướng rõ ràng.

Khu 59/9 Phạm Văn Chiêu và 347 Lê Đức Thọ đều là đất sạch, không vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng mà thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã tốn kém nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn như thế, huống chi với khu đất khác, hành trình đưa đất về với giáo dục còn gian nan gấp bội. Báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 năm 2019 của Chính phủ nêu rõ, quỹ đất dành cho giáo dục mà nhà đầu tư muốn tiếp cận để triển khai thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, đa số đều vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên khó triển khai.

Để đảm bảo tính khả thi trong việc tạo nguồn đất “sạch” triển khai xây dựng trường học, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM đã đề xuất đưa chỉ tiêu 300 phòng học/1.000 dân vào kế hoạch hành động của Đảng ủy, UBND các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất UBND TP Thủ Đức và quận, huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng bày tỏ quyết tâm theo đuổi chỉ tiêu 35 học sinh/lớp, bởi nếu cứ để tình trạng quá tải kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và bị tụt hậu.

Quyết tâm chính trị đủ mạnh là cần thiết để các địa phương sớm đưa đất sạch về với giáo dục, giảm áp lực trường lớp. Tuy nhiên, nếu chỉ quyết tâm thôi vẫn chưa đủ. Bởi thực tế chuyển đổi, giải phóng mặt bằng còn ngổn ngang khó khăn, không chỉ về vốn, mà cả cơ chế, chính sách, sự phối hợp.

Vì thế, để có quỹ đất sạch cho giáo dục, Chính phủ cần xem xét, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm cơ sở giáo dục; có cơ chế, giải pháp đặc thù, chính sách cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu xã hội hóa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ