Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên kinh phí, quỹ đất cho trường học

GD&TĐ - Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, các địa phương tập trung đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất. Đặc biệt là bảo đảm trường lớp triển khai Chương trình GD phổ thông mới các khối lớp.

Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, các địa phương ĐBSCL đang tập trung đầu tư trường lớp và cơ sở vật chất. Ảnh: TG
Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, các địa phương ĐBSCL đang tập trung đầu tư trường lớp và cơ sở vật chất. Ảnh: TG

Quy hoạch trọng tâm, trọng điểm

Tỉnh Cà Mau là địa phương còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp. Đặc biệt, do địa bàn chia cắt bởi sông rạch nên còn nhiều điểm lẻ, nhiều trường gặp khó trong việc đầu tư, xây dựng. Để chuẩn bị năm học 2022 - 2023, Cà Mau chủ động rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp.

Theo đại diện sở GD&ĐT, tỉnh đang triển khai Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn giai đoạn 2020 -2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 2089 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với đầu tư mua sắm trang thiết bị, tỉnh thực hiện Đề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí khoảng 1.167 tỷ đồng.

Theo ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau: Để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất trường học, UBND tỉnh đã cho chủ trương và cấp kinh phí thực hiện năm 2021, 2022. Cụ thể thực hiện Dự án nâng cấp sửa chữa trường học năm 2021, kinh phí thực hiện 11,2 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, sửa chữa trường học năm 2022 với kinh phí 11,4 tỷ đồng.

Tỉnh cần xây dựng hơn 600 phòng học do xóa điểm lẻ và ghép các điểm trường giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, khoảng 500 phòng do xóa, ghép các điểm trường và gần 140 phòng học nhờ, ở bậc học mầm non.

Tỉnh đã xóa 247 điểm trường nhỏ lẻ không còn phù hợp tại các huyện, thành phố. Sau thời gian triển khai, hiệu quả mang lại đã rõ, góp phần quan trọng vào việc tinh gọn mạng lưới trường, lớp học, giảm bộ máy tổ chức, biên chế, đặc biệt là quy hoạch giáo dục có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Tuy nhiên, từ việc sắp xếp trường lớp, một số điểm trường chính dẫn đến bất cập. Do thiếu diện tích để mở rộng trường nên thiếu phòng học. Tỷ lệ học sinh/lớp tăng cao so với quy định. Trang thiết bị đồ dùng dạy học thiếu. Một số trường đưa vào sử dụng đã lâu bị xuống cấp, hư hỏng…

Ưu tiên đầu tư cho khối lớp triển khai Chương trình GDPT mới. Ảnh: TG

Ưu tiên đầu tư cho khối lớp triển khai Chương trình GDPT mới. Ảnh: TG

Nỗ lực chuẩn bị trường lớp

Năm học 2022 - 2023, TP Cần Thơ còn thiếu 65 phòng học nếu tính theo chuẩn mỗi lớp/1 phòng để có thể tổ chức cho 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Một số địa bàn trong thành phố còn gặp khó khăn về quỹ đất để sửa chữa, nâng cấp mở rộng đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường theo quy định.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, ngành tiếp tục tham mưu UBND thành phố có chủ trương ưu tiên nguồn kinh phí, quỹ đất đầu tư phát triển, mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp, bảo đảm các phòng chức năng, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học… đáp ứng điều kiện tối thiểu theo lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới.

Ngành GD-ĐT Cần Thơ đang rà soát điều chỉnh, bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất hiện có nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, ưu tiên phòng học đối với cấp tiểu học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thực hiện thu gọn lại các phòng hành chính không cần thiết để 100% học sinh học lớp 1, lớp 2, lớp 3 trong năm học 2022 - 2023 được học 2 buổi/ngày. Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện tốt phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Vận động xã hội hóa trong việc mua sắm, trang bị thêm máy vi tính phục vụ dạy học môn Tin học…

Để giải quyết việc thiếu giáo viên và phòng chức năng giảng dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong chương trình lớp 10 áp dụng vào năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục linh hoạt vận dụng nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất từ các trường phổ thông. Phòng GD&ĐT các quận, huyện cũng rà soát lại trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật, từ đó đề xuất giải pháp sử dụng trang thiết bị sẵn có tại các trường THCS trên địa bàn…

Như Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) còn thiếu phòng chức năng phục vụ cho bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật, trong khi một số phòng bộ môn và đa chức năng đã xuống cấp.

Theo thầy Phạm Đức Quyền - Hiệu trưởng nhà trường, ban giám hiệu đã chủ động rà soát, thống kê tình trạng phòng lớp, thiết bị dạy học hiện có. Qua đó đề xuất đầu tư thêm để đáp ứng Chương trình GDPT mới. Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Kỹ thuật công nghiệp, Âm nhạc, Mỹ thuật, trường ký hợp đồng với giáo viên có chuyên môn để bảo đảm việc dạy và học.

Tại TP Cần Thơ, cơ sở vật chất ở cấp tiểu học, số trường có đủ phòng chức năng theo Ðiều lệ trường tiểu học đạt 140/173 (80,92%). Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố còn thiếu 125 phòng học và 33 trường còn thiếu phòng chức năng để đáp ứng yêu cầu mỗi lớp/phòng học; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, bảo đảm đủ các phòng chức năng cho các trường tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục. Cấp trung học phổ thông, các phòng học bộ môn còn thiếu chủ yếu là Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, đa chức năng, Khoa học xã hội, thiết bị giáo dục, Khoa học tự nhiên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ