Nằm trên đảo Borneo, phía Đông bang Sabah, với độ cao 4095.2m so với mặt nước biển, Kinabalu là ngọn núi cao nhất Malaysia và cũng là một trong những ngọn núi cao nhất Đông Nam Á.
Có lẽ bởi cảnh quan hùng vĩ, trùng điệp ngút ngàn giữa biển mây trời mà trong nhiều năm, chinh phục đỉnh Kinabalu luôn nằm trong bucket list (những việc bạn muốn làm trước khi chết) của rất nhiều người yêu du lịch khám phá, thử thách.
So sánh với các đỉnh núi khác ngang tầm độ cao, Kinabalu được đánh giá là không quá khó khăn để chạm đỉnh khi bạn không cần sự trợ giúp của bất kì các thiết bị leo núi đặt biệt nào.
Bất cứ ai có sức khỏe tốt, tập thể dục thường xuyên đều có thể thử sức với ngọn núi này như cô gái 9x - nhân vật chính trong cuộc hành trình dưới đây
Tôi và nhóm những người bạn mới quen của mình. Chúng tôi chụp ảnh cùng nhau ở chân núi, ở nhà nghỉ Laban Rata và trên đỉnh núi. Còn dọc đường đi, dĩ nhiên là họ luôn dẫn trước tôi.
Dẫu vậy, hãy luôn sẵn sàng cho những thách thức về tâm lý và thể chất trên dọc đường đi, vì đó là điều tất yếu trong các cuộc hành trình thú vị.
Hành trình chinh phục Kinabalu của tôi kéo dài 2 ngày, 1 đêm, qua quãng đường 8.7km từ cổng Timpohon đến đỉnh Low’s Peak.
Leo núi Kinabalu không quá khắc nghiệt và khó khăn nếu thời tiết thuận lợi. Ngược lại, nếu trời mưa hoặc sương mù quá dày thì các sườn núi có thể rất trơn trượt dẫn đến việc leo núi sẽ trở nên thách thức hơn rất nhiều lần.
Ngày 1: Xuất phát từ cổng Timpohon đến Laban Rata Resthouse (km 0 – km 6)
Tôi đến Kinabalu Park Headquarter lúc 9h sáng và bắt đầu làm các thủ tục đăng kí cần thiết. Rất may mắn, ở đây tôi gặp và gia nhập một nhóm người bản địa, họ đều là những người leo núi nhiều kinh nghiệm. Họ rất thân thiện khi chuyện trò và chia sẻ các kỹ thuật leo núi với tôi.
Cũng nhờ gặp họ, tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền tương đối nhờ vào việc chia sẻ chi phí cho Mountain Guide (hướng dẫn viên leo núi) với cả nhóm.
Sau khi nhận thẻ tên từ ban quản lý xong xuôi và 2 hướng dẫn viên leo núi của nhóm cũng đã đến, chúng tôi nhanh chóng lên xe di chuyển một quãng đường ngắn từ Kinabalu Park HQ đến cổng Timpohon, điểm xuất phát hành trình. Đích đến trong ngày thứ nhất là Laban Rata Resthouse ở độ cao 3272m.
Các dạng địa hình của ngày thứ nhất.
Tôi hào hứng bắt đầu chuyến leo núi của mình lúc 11h sáng. Địa hình cứ mỗi km lại khác nhau một chút nhưng về cơ bản thì phải leo qua rất nhiều bậc thang khấp khểnh, với các tảng đá lởm chởm kích thước to bé khác nhau.
Điều quan trọng của ngày leo thứ nhất là leo chậm và đều, đi với tốc độ phù hợp thể trạng. Từ độ cao 2400m trở lên, người leo núi có khả năng sẽ phải đối mặt với việc say độ cao mà biểu hiện thường thấy là: Đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, chóng mặt…
Việc leo chậm sẽ giúp cơ thể thích nghi dần với độ cao cũng như giữ sức cho ngày leo thứ 2, sẽ dốc và thử thách hơn. Bạn sẽ toát mồ hôi rất nhiều trong quá trình leo nên bạn rất cần bổ sung nước thường xuyên.
Các trạm nghỉ dọc đường
Như kinh nghiệm bản thân thì đều đặn cứ 20 phút tôi sẽ uống một chút nước và cứ 1 tiếng tôi sẽ ăn một chút bánh kẹo để nạp thêm năng lượng. Nếu để đến lúc bạn cảm thấy thực sự khát và đói mới ăn uống thì lúc đó đã hơi muộn.
Rải rác trên đường là các trạm nghỉ, ở đó bạn có thể đi vệ sinh, nghỉ ngơi, ăn trưa. Vì dạng địa hình là dốc cao tiếp nối dốc cao hơn nên việc bạn nhanh chóng thấy mệt, hơi thở gấp gáp là việc bình thường.
Laban Rata Resthouse.
Hãy nghỉ lấy sức bất kỳ khi nào bạn thấy cần nhưng mỗi lần đừng dừng lại quá 5 phút để tránh cơ thể bị nhiễm lạnh và tuyệt đối nên tránh ngồi xuống nếu bạn không muốn bị mất đà.
Thời tiết trên núi thay đổi rất nhanh và thất thường, đang nắng có thể mây, mưa, sương mù ngay tức thì nên bạn hãy chuẩn bị sẵn 1-2 bộ áo mưa giấy dự phòng.
Tôi đặt chân đến Laban Rata Resthouse lúc 4h30 chiều, sau khoảng 5 tiếng rưỡi đồng hồ leo dốc, thể lực của tôi vẫn còn khá tốt. Đồ ăn tối với nhiều các món ăn tự do lựa chọn đã được bày biện sẵn sàng ở khu vực nhà hàng của Laban Rata Resthouse. Khu nhà nghỉ được trang trí rất ấm cúng và đẹp đẽ.
Tôi đặc biệt thích thú với những mảng tường được phủ kín bởi những tấm tranh ảnh ghi lại lịch sử chung của vùng núi Kinabalu, cùng với đó là rất nhiều các câu nói hay, danh ngôn truyền cảm hứng sống.
Cảnh hoàng hôn từ ban công của Laban Rata Resthouse.
Ngày 2: Tiếp tục leo từ Laban Rata Resthouse đến Low’s Peak (km 6- km 8.7)
2h sáng, mọi người cùng tập trung ở khu bếp để ăn sáng nhanh, chuẩn bị quần áo, đồ dùng cho chặng leo thứ hai. 2h30 mọi thứ đã sẵn sàng, tôi hòa mình vào màn sương đêm lạnh lẽo, dò dẫm leo theo từng bậc cầu thang với mục tiêu sẽ lên tới đỉnh trước khi mặt trời mọc.
Bầu trời tối đen như mực, mỗi người đều phải đeo trên đầu một chiếc đèn pin để rọi đường phía trước, nhìn từ xa dòng người nối đuôi nhau bước đi trông giống như một sợi dây đèn nhấp nháy, lập lòe giữa mênh mông rừng núi. Tốc độ di chuyển của tôi vẫn khá ổn định.
Leo lên đỉnh khi trời rất tối, gió và lạnh.
Vượt qua trạm kiểm soát cuối cùng Sayat sayat, lúc này không còn những bậc thang nữa mà là cả một triền núi đá. Trời tối nên tôi không thể nhìn xa, chỉ biết là có những đoạn núi rất dốc.
Tôi phải đu cả cơ thể vào sợi dây thừng to màu trắng được dùng làm dấu dẫn đường lên đỉnh để có thêm trợ lực. Càng lên gần tới đỉnh thì núi đá càng dốc, gió thổi càng mạnh và nhiệt độ càng xuống thấp.
Đến khoảng km 7.5 tôi bắt đầu cảm thấy bị đau đầu nhẹ, một triệu chứng của việc say độ cao do hàm lượng oxy trong không khí bị giảm đi đáng kể khi lên cao. Tôi đi chậm hơn, tập trung vào hơi thở và dừng lại nghỉ trong chốc lát mỗi khi nhận thấy đầu óc hơi chuếch choáng rồi lại tiếp tục leo.
Khi ánh sáng dần đần chiếm hữu màn đêm.
Mặt trời đã ló rạng ở chân trời phía Đông. Tôi đã gần lên tới đỉnh. Giờ đây khi cảnh vật núi non xung quanh dần hiện ra trong ánh nắng sớm mai, cảm thấy như đôi chân mình có thêm sức mạnh và trong lòng tràn đầy sự hứng khởi, tôi hăng hái thẳng tiến về đích.
Tôi chính thức chạm chân lên đỉnh cao nhất - Low’s Peak lúc 6h15 sáng, vừa kịp lúc ngắm bình minh lên. Cảnh tượng trời đất lúc đó đẹp một cách huy hoàng và hết sức ngoạn mục. Với tôi đây là một trong những giây phút rất đặc biệt và đáng nhớ trong cuộc đời.
Biển mây xa tít tận chân trời
Giây phút tĩnh lặng
Mênh mông những triền núi đá.
"Chỉ cần bạn không bỏ cuộc thì một lúc nào đó bạn sẽ tới đích"
Tôi đã nghĩ rằng leo lên đến đỉnh là rất thử thách nhưng thực tế thì với Kinabalu, hành trình leo xuống còn khó khăn và mệt mỏi hơn rất nhiều. Xuống đến nửa đường là tôi đã cảm thấy sự đau mỏi tê dại ở đầu gối và bắp chân.
Lúc đó thực sự việc bước xuống mỗi bậc thang trở thành ác mộng ban ngày với tôi. Gắng gượng từng bước để trở về cổng Timpohon, chân tôi nhũn ra như hai sợi bún và hoàn toàn không còn chút sức lực nào nữa.
Tựu chung lại thì tôi thấy hành trình chinh phục Kinabalu rất bõ công sức bỏ ra. Việc có thể đặt chân lên đỉnh cao nhất của ngọn núi làm tôi càng tin tưởng vào chân lý: Chỉ cần bạn không bỏ cuộc thì một lúc nào đó bạn sẽ tới đích.
Với một tinh thần lạc quan, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và ý chí quyết tâm cao độ thì không gì là không thể.
Đỉnh cao nhất Low’s Peak (4095.2m) được đặt theo tên của người đầu tiên chinh phục núi Kinabalu vào năm 1851, Hugh Low – 1 sĩ quan người Anh.
Kinh nghiệm dắt túi
Các tốt nhất để tiết kiệm tiền khi đặt tour leo núi Kinabalu là liên lạc trực tiếp với Sutera Sanctuary Lodges (SSL). SSL là đơn vị điều hành của vườn quốc gia Kinabalu nên kể cả bạn đặt tour thông qua các công ty trung gian khác thì cuối cùng vẫn phải qua SSL.
Nếu khéo léo tự xếp sắp chuyến đi cho mình với SSL, bạn có thể tiết kiệm từ 30-40% chi phí so với đặt tour trọn gói qua các văn phòng du lịch.
Mỗi ngày, ban quản lý Kinabalu Parkchỉ cấp 135 giấy phép leo núi, khá hạn chế so với số người muốn leo núi nên bạn sẽ cần phải đặt chỗ trước ít nhất từ 2-3 tháng, thậm chí có thể lên tới 6 tháng vào tháng cao điểm.
Từ sân bay Kota Kinabalu rất dễ dàng để đi xe bus về thành phố, rồi từ đó bạn tiếp tục đón xe khách (mất khoảng 2 tiếng) để đến Kinabalu Park. Bạn tìm một nhà nghỉ giá rẻ quanh đó ở một đêm rồi sáng dậy bắt đầu chuyến leo núi.
Tại Kinabalu Park Head Quarter, họ sẽ không hỏi bạn bất kì câu hỏi gì liên quan đến kinh nghiệm leo núi, thể trạng sức khỏe cũng như nhắc nhở những đồ dùng cần thiết phải mang theo trong chuyến đi.
Nên trách nhiệm là hoàn toàn ở bạn khi phải tự đọc, tìm hiểu chi tiết và tự chuẩn bị mọi thứ trước ngày lên đường.
Hai tháng trước khi leo núi, bạn nên chạy bộ, leo cầu thang 2-3 lần/tuần và tập luyện đều đặn hàng ngày trong 2 tuần cuối cùng để tăng cường sức bền cho chân và sự dẻo dai cho đầu gối.
Bạn cũng nên tập chống đẩy cho vai và tay khỏe hơn. Điều này sẽ giúp ích nhiều trong quá trình bạn dùng gậy leo núi cũng như khi phải leo thừng vào sáng sớm ngày thứ hai.
Gậy leo núi là điều vô cùng cần thiết và hữu ích cho nhiều người leo núi không quá dày dặn kinh nghiệm.
Sau khi đã chinh phục đỉnh thành công, trở lại Kinabalu Park Headquarter bạn có thể trả thêm một khoản phí nhỏ để nhận giấy chứng nhận về thành tích của mình.
Bằng chứng nhận được in trên giấy bìa, màu sắc hoa lá rất đẹp mắt, bạn có thể mang về đóng khung treo lên tường làm kỉ niệm.