Hành trang là nhiệt huyết và lòng yêu nghề mến trẻ

GD&TĐ - Vượt qua bao nỗi khó khăn, vất vả các cô giáo vùng cao đã gạt lại niềm riêng để đem con chữ đến với những bản làng xa xôi của Tổ quốc. Hành trang mang theo là nhiệt huyết, là tấm lòng bao dung và trên hết lòng yêu nghề mến trẻ của các cô giáo.

Cô Lỳ Hà Xó (bên phải) giao lưu với khán giả trong Chương trình "Thay lời tri ân"
Cô Lỳ Hà Xó (bên phải) giao lưu với khán giả trong Chương trình "Thay lời tri ân"

Gạt bỏ niềm riêng để đem con chữ đến với học trò

Tuần nào cũng vậy, cứ chiều Chủ nhật cô giáo trẻ Lỳ Hà Xó lại tạm biệt chồng, con để đến với đàn con thơ – những chồi non bản Nậm Nghẹ của xã Hua Bum (Nậm Nhùn, Lai Châu) và đến chiều thứ 6 hàng tuần cô lại về với gia đình nhỏ của mình.

Nậm Nghẹ là điểm trường của Trường mầm non Hua Bum (Nậm Nhùn, Lai Châu). Trước khi “cắm bản” Nậm Nghẹ cô Lỳ Hà Xó đã từng dạy học ở các bản Pa Cheo, Pa Mu – là những vùng khó khăn nhất của huyện Nậm Nhùn.

Cô Lỳ Hà Xó – cho biết, ở đây học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế nên việc huy động trẻ đến trường của các cô vẫn còn nhiều gian nan vất vả.

“Ở bản Nậm Nghẹ, các gia đình không ở tập trung nên việc vận động học sinh trường gặp rất là khó khăn. Đầu tuần chúng tôi phải đi đến từng nhà để đón học sinh trở lại trường.

Đường đi lại khó khăn, phương tiện giao thông thì không có nên giáo viên băng rừng, lội suối, vượt cầu treo để vận động trẻ đến trường là chuyện thường tình” - cô Lỳ Hà Xó bộc bạch.

Theo cô Lỳ Hà Xó, chỉ cần phụ huynh đồng ý cho con đi học là vui lắm rồi, các cô sẵn sàng cõng các em đến trường để chăm sóc, nuôi dạy.

“Vì nhà xa, nên học sinh thường ở lại trường từ chiều Chủ nhật đến chiều thứ 6 mới về nhà. Nên tôi thay bố mẹ chăm sóc việc ăn ngủ của các con” - cô Lỳ Hà Xó cho hay.

Khi được hỏi, động lực nào để cô có thể vượt qua những khó khăn, vất vả, xa gia đình, xa chồng và con nhỏ để tiếp tục bám trường, bám lớp; cô Lỳ Hà Xó – cười hiền nói:

“Chỉ có nhiệt huyết của tuổi trẻ, chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ thực sự mới giúp giáo viên chúng tôi vượt lên tất cả và nguyện bám trường, bám lớp, hoàn thành tốt công việc của mình là “gieo chữ” nơi vùng đất khó”.

Học sinh Trường mầm non Nghĩa Sơn
Học sinh Trường mầm non Nghĩa Sơn

Chặn ngang đường để đón học trò

Còn tại xã Nghĩa Sơn – một là xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái) với hơn 80% là đồng bào dân tộc Khơ Mú và trên 80% thuộc diện hộ nghèo. Sự học nơi đây cũng còn lắm gian truân.

Cô giáo Vũ Thị Yến - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Sơn – cho hay: Trường có 5 nhóm lớp với 126 học sinh học rải rác ở 3 điểm trường. Mỗi điểm trường cách nhau 3 đến 4 km.

“Những năm về trước, giáo viên lo nhất là vào mùa giáp hạt, học sinh thường bỏ học để theo bố, mẹ lên nương, làm rẫy. Giáo viên chúng tôi phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để đưa các con trở lại trường, lớp.

Có những hôm, giáo viên chúng tôi phải đứng chặn ngang đường để thuyết phục phụ huynh không đưa các con lên nương” - Cô Vũ Thị Yến cho biết.

Theo cô Vũ Thị Yến, việc giáo viên bỏ tiền túi ra để mua đồ dùng học tập, dép, tất… cho học sinh là chuyện không hiếm. Ngoài ra, để các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn học sinh, giáo viên phải tận dụng các phế liệu để thiết kế thành những đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Để cải thiện bữa ăn cho các con, các cô đã tăng gia sản xuất như: Trồng rau xanh, trồng chuối nhằm hỗ trợ phần nào bữa ăn trưa cho trẻ.

Cô Vũ Thị Yến – cho biết: Quà tặng của phụ huynh trong ngày 20/11 với các cô là một điều xa xỉ. Ấy vậy mà, cách đây 2 năm có 2 hoặc 3 phụ huynh đã tặng cô giáo một bông hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam khiến cả trường ngỡ ngàng và cảm động.

“Cho đến nay, đó vẫn là kỷ niệm đẹp trong nghề của tôi, và tôi luôn trân quý những tình cảm chân thành của phụ huynh” - cô Vũ Thị Yến xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ