Tôn vinh nhà giáo và những câu chuyện tuyệt đẹp tình thầy trò

GD&TĐ - Các địa phương, mỗi nhà trường đều tràn đầy không khí hân hoan trước ngày Nhà giáo Việt Nam; những câu chuyện xúc động về tình thầy trò; những hình ảnh người thầy với hy sinh cao cả nhưng thầm lặng… là nội dung giáo dục nổi bật nhất trong tuần vừa qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bế em Đinh Văn K"Rể - học trò mắc căn bệnh đặc biệt - trong chương trình "Thay lời tri ân" tối 18/11.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bế em Đinh Văn K"Rể - học trò mắc căn bệnh đặc biệt - trong chương trình "Thay lời tri ân" tối 18/11.

Cả nước mừng ngày nhà giáo, Bộ trưởng gửi thư chúc mừng

Rất nhiều các hoạt động ý nghĩa đã diễn ra trong tuần vừa qua chào mừng ngày đặc biệt nhất trong năm với các nhà giáo.

Một trong những điểm nhấn là Chương trình “Thay lời tri ân” tổ chức tối 18/11 với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cùng 100 nhà giáo tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước.

Buổi sáng cùng ngày, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ tuyên dương 168 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên cả nước năm 2017. 168 thầy, cô giáo đã được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dịp này.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong thư, Bộ trưởng nhấn mạnh:

Đóng góp vào thành tích chung của ngành là sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ quản lý và nhân viên trong toàn ngành. Tôi cảm phục tấm lòng của các cô giáo, thầy giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không quản ngại khó khăn, hy sinh cho sự nghiệp “trồng người”.

Tôi cũng ghi nhận những tấm gương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy và quản lý.

Đây chính là những nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Bức họa của sinh viên Kiến trúc về hình ảnh người thầy. Ảnh: báo Lao động
Bức họa của sinh viên Kiến trúc về hình ảnh người thầy. Ảnh: báo Lao động

Những câu chuyện tuyệt đẹp tình thầy trò

Tuần qua, rất nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy, tâm huyết, sáng tạo, yêu thương học trò; những câu chuyện xúc động về tình thầy trò; những kỷ niệm và cảm xúc đẹp trong ngày nhà giáo… được đăng tải trên báo chí.

Báo Lao động có bài viết về người chồng là nhà giáo đã mất của cô giáo Nguyễn Thúy Hạnh. Đây là một tác phẩm đoạt giải cuộc thi “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” 2017 do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Bài viết chan chứa tình yêu, sự ngưỡng mộ của tác giả dành cho người chồng, người đồng nghiệp. Và từ những hồi ức còn nguyên vẹn là bài học làm thầy, làm người vô cùng nhân văn, sâu sắc:

“Kể từ khi ra trường đến khi anh mất, anh chưa hề nghỉ dạy, chưa hề chậm giờ. Anh nói với tôi: “Mình chậm 5 phút, lớp có 50 học sinh, thì có nghĩa là mình đã ăn cắp của các em 250 phút. Học sinh trường ta nghèo, không có điều kiện để học thêm buổi chiều, nên những giờ chính khoá tranh thủ dạy cho các em được thêm tí nào hay tí đó”.

Trong lúc tang gia bối rối như vậy, nhưng đêm trước của buổi lên lớp sáng mai, anh hỏi nhỏ tôi: "Mai em dạy bài gì? Tranh thủ đọc và soạn trước đi. Không thể lên lớp “chay” em nhé! Khi còn sống, bố rất ghét lao động tắc trách, chây lười. Nên thương nhớ bố là làm tốt công việc”. Anh dặn tôi”…

“Thỉnh thoảng, anh tâm sự với tôi: “Nghề dạy học đâu chỉ cần kiến thức giỏi mà cần tấm lòng thương yêu học sinh”.

Tôi cũng có thể nói được điều này, nhưng làm như anh thì thật hiếm có. Có lẽ sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khổ, tuổi thơ lấm lem mưa nắng cho nên anh chia sẻ, đồng cảm với bao nỗi gian truân của học trò nghèo.

Anh thuộc lòng từng hoàn cảnh trong lớp. Anh chia sẻ những vui buồn với học sinh. Anh khích lệ, động viên từng em. Anh làm điều này với tất cả sự âm thầm lặng lẽ mà không bao giờ nói ra.

Còn nhớ năm 2008, khi đã chuyển về dạy Trường THPT Nguyễn Đình Liễn, gia đình 4 người chúng tôi sống trong căn nhà cấp 4 chỉ đủ kê 2 chiếc giường. Tiền lương 2 vợ chồng tằn tiện chắt lót mới tạm đủ trang trải cuộc sống.

Trong lớp anh làm chủ nhiệm có em Tiến hoàn cảnh khó khăn. Thế là anh chở em Tiến về nhà, cùng ăn trưa với cả nhà. Sau đó, anh lại lai học sinh đến trường. Cho nên, học trò coi anh như bố.

Anh thường hỏi tôi: “Lớp em chủ nhiệm có học sinh mồ côi bố mẹ không? Trẻ con mồ côi quá thiệt thòi, thiếu yêu thương chăm sóc, thiếu tự tin, lót lét và có khi dễ rơi vào trầm cảm. Em nên dành thời gian quan tâm những em này”.

… Khi nhìn hai đứa con mất bố, tang trắng trên đầu, mỗi ngày thắp hương cho bố, quấn quýt bên di ảnh bố, tôi thấy đau từng khúc ruột và mới hiểu được những điều sâu xa mà anh căn dặn tôi ngày xưa”.

Các thầy Trường tiểu học Tri Lễ cẩn thận buộc tóc, cắt móng tay cho đám trẻ.
Các thầy Trường tiểu học Tri Lễ cẩn thận buộc tóc, cắt móng tay cho đám trẻ.

Zing.vn có bài viết công phu về cuộc sống của 46 thầy ở trường tiểu học chưa từng có giáo viên nữ (Trường tiểu học Tri Lễ 4, nằm trên dãy Phà Cà Tún (Quế Phong, Nghệ An). Ngày thường, bữa cơm của các thầy giáo chỉ có nồi cơm, đôi đĩa rau rừng xào, cùng vài bát canh. Chiều chủ nhật và sáng thứ hai là bữa sung túc nhất khi có thêm đĩa thịt.

Sống tại vùng không chợ, các thầy tự xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng và rau dại làm nguồn thực phẩm chính cho cả tuần. Cuộc sống tách biệt, không sóng điện thoại, không internet. Thiếu thốn đủ bề nhưng 46 giáo viên tại Tri Lễ 4 vẫn không một lời than vãn.

Cánh mày râu vốn chăm lo cho mình còn chưa tốt, nay lại tỉ mẩn buộc tóc, cắt móng tay, móng chân cho học trò. Họ thực hiện những hành động nhỏ nhất bằng sự kiên nhẫn, dịu dàng lớn nhất.

46 thầy giáo ngày ngày lên lớp, không tính toán mình bỏ ra bao nhiêu và nhận lại chừng nào. Với đồng lương tháng khoảng 5 triệu đồng, họ cần mẫn gieo chữ với hy vọng kiến thức có thể giúp trẻ nghèo thoát cảnh đói khổ.

Công lao đó không được đền đáp bằng những lời tri ân, vài đóa hoa hay món quà dịp 20/11. Thực tế, phần lớn học sinh nơi đây không biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam.

Bộ trưởng trả lời về Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ

Sáng 16-11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với báo chí về Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ.

Theo Bộ trưởng, đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm.

Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới rất khác với cách làm truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại nhà nước.

Bộ trưởng cũng cho biết: Kinh phí không rót về cơ sở nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai dành được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ