(GD&TĐ) – Một hành tinh đang bay quanh một ngôi sao xa xôi còn có màu sẫm hơn cả than, chỉ phản lại dưới 1% ánh sáng chiếu vào nó.
Hành tinh lạ này có tên TrEs-2b, là khối khí có kích cỡ bằng sao Mộc chứ không phải cứng, nhiều đất đá như Trái đất hay sao Hỏa – các nhà thiên văn cho biết.
Hành tinh TrEs-2b |
Hành tinh này quay quanh ngôi sao GSC 03459-02811, nằm cách xa 750 năm ánh sáng theo hướng chòm sao Dragon.
Được phát hiện lần đầu cách đây 5 năm, TrES-2b bay xung quanh ngôi sao của mình với khoảng cách chỉ 5 triệu km. Đây là khoảng cách khá gần khi so sánh Trái đất với Mặt trời (150 triệu km) và sao Mộc (778 triệu km).
Nhiệt độ ở đây rất khắc nghiệt và nóng tới 1.000 độ C. Những dấu hiệu từ khí quyển của ngôi sao này cho thấy sự hiện diện của những chất hóa học hấp thụ ánh sáng như Natri, Kali hay Oxit Titan. Tuy nhiên, không có chất nào trong số đó có thể giải thích màu sắc tối sẫm của hành tinh này.
“Hiện chưa rõ cái gì khiến cho hành tinh này tối một cách đặc biệt như vậy. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn là màu đen. Nó nóng đến nỗi phát ra những vệt đỏ giống như than hồng đang đốt” – Nhà khoa học David Kipping của trung tâm Smithsonian về Vật lý thiên văn, ĐH Harvard cho biết.
Kể từ năm 1995 tới nay, có hơn 500 hành tinh lạ đã được phát hiện.
Hà Châu (Theo AFP)