Doanh nhân Ngô Minh Tuấn:

Hạnh phúc lớn nhất của giáo viên là coi học sinh như con

GD&TĐ - Theo ông Ngô Minh Tuấn, tâm yêu thương là gốc rễ để hình thành nên nhà giáo, để có tâm yêu thương thầy cô cũng cần coi học trò như con của mình,...

Nhà hoạt động giáo dục Ngô Minh Tuấn chia sẻ về trường học hạnh phúc.
Nhà hoạt động giáo dục Ngô Minh Tuấn chia sẻ về trường học hạnh phúc.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đã lắng nghe những chia sẻ của nhà hoạt động giáo dục, ông Ngô Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global.

PV: Là người thầy với bề dày kinh nghiệm đào tạo huấn luyện các giám đốc, chủ tịch của các thương hiệu lớn tại Việt Nam, hiện nay cũng là nhà hoạt động giáo dục với Hệ sinh thái giáo dục CEO Việt Nam cụ thể trong hệ sinh thái đó là mầm non Merry Star, CEO High School - Đơn vị vận hành trường THPT, trường huấn luyện doanh nhân CEO Việt Nam, học viện doanh nhân CEO Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào về trường học hạnh phúc?

Ông Ngô Minh Tuấn: Hạnh phúc là khái niệm từ trong tâm, hạnh phúc chính là khả năng thích ứng được với các “bất đắc như ý” từ phía bên ngoài. Một người có khả năng thích ứng thì gần như cuộc sống của họ được hạnh phúc.

Hạnh phúc không đo bằng khái niệm tiền bạc, mà hạnh phúc đo bằng khả năng thích nghi với những thứ không phù hợp.

PV: Theo ông, yếu tố nào tiên quyết để kiến tạo nên trường học hạnh phúc?

Ông Ngô Minh Tuấn: Trong con người tâm thức là phần đặc biệt nổi lên rõ nhất, còn tiềm thức là vỏ bọc bên ngoài chứa 5 hạt giống:

Đầu tiên là hạt giống vật chất có nghĩa là khao khát có được vật chất; Thứ hai là hạt giống của cảm xúc, thích vui vẻ và danh vọng; Thứ ba là hạt giống của sinh mạng thích được an toàn và khỏe; Thứ tư là hạt giống trí tuệ, được hiểu biết các quy luật của xã hội; Cuối cùng là hạt giống yêu thương muốn trao giá trị cho mọi người. 5 hạt giống này luôn hiện hữu ở con người và tôi gọi đó là tiềm thức.

Nhưng cái nào nổi bật nhất và thường trực trong đầu mình nhất thì cái đó gọi là tâm thức. Vậy, việc đầu tiên nếu tâm thức yêu thương thì mọi lỗi lầm của những người xung quanh dễ thông cảm.

Vậy, việc đầu tiên muốn một đứa trẻ sống hạnh phúc thì cần chuyển hóa tâm thức, chuyển từ phần con sang phần người. Có nghĩa là thay vì tập trung đòi hỏi người khác phải mang lại niềm vui cho mình, đòi hỏi cái gì có tiền mới làm thì bây giờ biết cách san sẻ và chấp nhận, chấp nhận ở trong tâm thức chứ không phải bị ai đó ép buộc. Như vậy, sẽ thích nghi và hạnh phúc.

Muốn học sinh hạnh phúc trước hết giáo viên phải hạnh phúc.

Muốn học sinh hạnh phúc trước hết giáo viên phải hạnh phúc.

PV: Trong một cuộc hội thảo gần đây cũng có một hiệu trưởng nói rằng “muốn học sinh hạnh phúc trước hết giáo viên phải hạnh phúc” quan điểm của ông như thế nào, hiện tại giáo viên đã hạnh phúc chưa?

Ông Ngô Minh Tuấn: Đúng, “muốn học sinh hạnh phúc trước hết giáo viên phải hạnh phúc”.

Ở đây, tôi phải bàn đến 3 khái niệm của hạnh phúc: hạnh phúc ở tư tưởng là chấp nhận được sự bất đắc như ý; hạnh phúc ở trí tuệ là gặp bất cứ việc gì tôi hiểu nó là quy luật, cái gì tôi phải đối mặt cái gì tôi tránh được; còn hạnh phúc ở phần vật chất là có nhiều tiền.

Đa phần mọi người nhầm lẫn hạnh phúc là có nhiều tiền, thầy cô có nhiều tiền sẽ làm cho học sinh hạnh phúc, nhưng theo tôi nhiều tiền không có hạnh phúc mà trí tuệ mới hạnh phúc.

Ông Ngô Minh Tuấn mong các thầy cô phát huy được tâm yêu thương học trò.

Ông Ngô Minh Tuấn mong các thầy cô phát huy được tâm yêu thương học trò.

PV: Nhiều năm nay, xuất hiện những câu chuyện rất đau lòng trong môi trường sư phạm, thầy đánh trò, trò chửi mắng thầy… vậy, theo ông để nhà giáo có tâm yêu thương và để gắn kết học trò, thầy cô cần phải làm gì?

Ông Ngô Minh Tuấn: Điều quan trọng nhất đối với một thầy cô giáo chưa chắc đã phải là chuyên môn nghề mà thứ hạnh phúc và quan trọng nhất đối với thầy cô giáo là khi nhìn thấy con của phụ huynh đau là như con mình đau. Có như vậy, bản thân thầy cô mới đủ yêu thương, mới đủ tìm cách để giúp đỡ các em học sinh.

Cho nên, tâm yêu thương là gốc rễ để hình thành nên nhà giáo, thêm nữa khi có đủ tâm yêu thương cần có thêm trí tuệ để chọn cách yêu thương, giúp các em học sinh đỡ vất vả, các em được tiếp thu kiến thức của thầy cô giáo một cách nhanh nhất.

Tôi mong rằng, các thầy cô giáo cũng phát huy được cái tâm yêu thương, trí tuệ của mình. Nỗ lực mỗi ngày là người đưa đò để đồng hành cùng với tôi trên hành trình vì cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ