Hạnh phúc khi viết được tên mình

GD&TĐ - Những lớp học xóa mù chữ râm ran tiếng đọc không còn xa lạ ở bản làng vùng cao Lai Châu. Đó cũng là tâm huyết của thầy cô đang nỗ lực “hiện thực hóa” khát khao biết chữ của bà con dân bản nhiều thiệt thòi…

Niềm vui của học viên là khi tự tay viết và đọc được tên của mình.
Niềm vui của học viên là khi tự tay viết và đọc được tên của mình.

Lớp học trong đêm

Như thường lệ, khi màn đêm buông xuống, bà con bản Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) lại tạm gác công việc để tham gia lớp xóa mù chữ tại điểm trường. Họ đều là lao động chính trong gia đình, ngày phải lên nương, tối đến mới có thời gian tranh thủ tới lớp.

Dưới ánh điện lập lòe giữa hoang vu núi rừng, những học viên độ tuổi từ 20 – 60 trong sắc đỏ tươi tắn của bộ trang phục truyền thống dân tộc La Hủ chăm chút cho từng nét chữ. Đôi bàn tay cứng cáp thường ngày quen với cày, cuốc, những ngày đầu tập cầm bút có phần ngượng nghịu. Nhưng sau một thời gian, những nét chữ cũng dần mềm mại, rõ ràng, ngay ngắn hơn.

Gác cây bút sau khi vừa hoàn thành dòng chữ ghi tên mình, chị Ly Nhù De phấn khởi chia sẻ: “Lâu nay đi làm bất cứ giấy tờ gì tôi đều phải điểm chỉ, vì không biết chữ. Giờ tự tay cầm bút viết được tên mình thế này tôi hạnh phúc lắm!”.

Niềm hạnh phúc ấy hiện rõ trên gương mặt rạng rỡ của người phụ nữ 2 con. Chị De tâm sự: Trước kia do cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ không có điều kiện cho chị đi học. Giờ 2 đứa con được đến lớp, đến trường, về nhà hỏi chữ mà mẹ không biết nên cảm thấy xấu hổ. Khi biết trong bản có lớp học, chị đã đăng ký ngay.

Học viên biết đọc, biết viết là tâm huyết của giáo viên vùng cao được đền đáp.
Học viên biết đọc, biết viết là tâm huyết của giáo viên vùng cao được đền đáp.

Còn với chị Ly A Sừ, niềm hạnh phúc biết chữ còn lớn hơn thế nhiều lần. Sau một thời gian theo học, chị không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn có thể làm phép toán đơn giản, cùng con học bài.

“Giờ tôi có thể đọc, hiểu được những tài liệu của cán bộ nông nghiệp đến bản tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất. Từ đó có thêm kiến thức áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình”, chị Sừ nói.

Cô Trần Thị Tuyết, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở, cho biết: “Ngày mới đến lớp, hầu hết học viên đều nhút nhát. Bàn tay ai cũng cứng đơ tưởng như không viết được. Nhưng chỉ sau một thời gian, bà con đều bắt nhịp được. Không chỉ làm quen với con chữ, người dân cũng ý thức được việc biết chữ thì cuộc sống của họ sẽ bớt khó khăn hơn”.

Theo cô Tuyết, bà con biết đọc, viết chính là niềm vui lớn nhất của giáo viên, khi tâm huyết của mình đã có thành quả. “Không chỉ tự tay viết được những dòng chữ, làm các bài toán, mà khi về nhà bà con có thể học bài, trả lời câu hỏi của con. Việc tiếp nhận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cũng trở nên dễ dàng hơn”, cô Tuyết giãi bày.

Lớp học xóa mù chữ tại điểm bản Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu).
Lớp học xóa mù chữ tại điểm bản Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu).

Không chỉ là “xóa mù” con chữ

Để gây dựng được những lớp học tại bản vùng cao nhiều khó khăn như Nậm Xả, Bum Tở cũng lắm gian nan do đa phần người dân không biết chữ đều ở lứa tuổi lao động chính của gia đình. Trong khi đó, nhiều nhà đến “miếng cơm manh áo” còn chật vật, thiếu thốn.

Thầy Phạm Thành Lưu, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bum Tở, tâm sự: “Vận động học viên đi học đã khó, duy trì sĩ số lại càng khó hơn. Vì thế hằng ngày, thầy cô vẫn phải tranh thủ đến gia đình các học viên thăm hỏi, động viên kết hợp giới thiệu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi để họ thấy được tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết. Từ đó, họ đến lớp đều đặn”.

Theo thống kê từ cơ quan chuyên môn, huyện Mường Tè có 13 xã và 1 thị trấn, với 10 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, những dân tộc như: La Hủ, Mảng… tỷ lệ người dân không biết chữ còn cao.

Ông Hà Đình Nhuận - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè - trao đổi: “Xác định mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân biết chữ song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nên những năm qua, công tác xòa mù chữ nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp cụ thể”.

Theo đó, ngành GD-ĐT huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá đúng thực trạng số người không biết chữ, tái mù chữ theo quy định.

“Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp học phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào. Để tổ chức được những lớp học như thế, công tác vận động được các đơn vị trường học, địa phương đẩy mạnh. Trong đó, ưu tiên phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng bản, dòng họ. Về phía phòng cũng tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, ông Nhuận cho hay.

Cũng theo ông Nhuận, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành tham gia dạy xóa mù chữ. Đề nghị các cấp, ngành tham gia với ngành GD-ĐT thực hiện những biện pháp củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ, như: Tăng cường hoạt động của thư viện xã, tổ chức lớp học nghề truyền thống, học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nghề ngắn hạn... cho những người mới biết chữ.

“Học viên tốt nghiệp lớp xóa mù chữ đã tự tin hơn trong cuộc sống, tự mình giải quyết các thủ tục hành chính khi có nhu cầu và tích cực triển khai định hướng phát triển kinh tế mới. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, tạo đà cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội” – ông Nhuận chia sẻ.

Trong những năm vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đã mở 87 lớp xóa mù chữ cho 1.688 học viên, 27 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 443 học viên. Tính đến hết năm 2020, địa phương này đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 1, trong đó có 9/14 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 1 đạt gần 92%.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.