Cảm xúc của thầy chi phối hiệu quả dạy học
Thực tế vẫn xảy ra những sự việc đáng tiếc liên quan tới người thầy trong quá trình dạy học khiến ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh. Xã hội từng chứng kiến, lên án không ít sự việc buồn lòng đối với học trò xuất phát từ không làm chủ và quản lý được cảm xúc bản thân của thầy cô. Từ đó để lại hậu quả đáng tiếc.
Trong dịch Covid-19, giáo viên phải linh hoạt và nhanh chóng thay đổi phương pháp dạy học để ứng phó. Những căng thẳng, áp lực tâm lý, stress… cũng là vấn đề thầy cô gặp phải thời gian qua khiến một số ít có những lời nói chưa chuẩn mực với học trò bởi chưa làm chủ được cảm xúc.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục, thầy cô trực tiếp đứng lớp đã chỉ ra cảm xúc là yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh - và giáo viên là nhân tố quan trọng để thỏa mãn cảm xúc của các em.
Do đó, cách ứng xử, cảm xúc và phương pháp dạy học của mỗi người thầy đóng vai trò quan trọng đối với kết quả học tập, cảm nhận, tình cảm của học sinh.
Thầy cô như “thần tượng” của học sinh, nếu thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp thì sẽ quyết định được sự bền vững tình cảm của học trò tại trường lớp.
Theo cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội): Giáo viên chính là người có thể đưa ra và điều chỉnh những quy tắc của hành vi, ngăn chặn mọi lệch lạc, vi phạm những quy tắc của học sinh. Mặt khác, người thầy có cơ hội thường xuyên gần gũi, nắm bắt và đánh giá mọi mặt của học trò, đặc biệt trong học tập.
Vì vậy những đánh giá của giáo viên là cơ sở quan trọng quyết định vị thế của học sinh trong tập thể lớp, cũng như vị trí trong hệ thống các mối quan hệ với bạn cùng lớp.
Do đó rèn luyện để có kĩ năng quản lí cảm xúc, biết kiểm soát, điều chỉnh xúc cảm chưa chuẩn mực, phát huy những xúc cảm tích cực nhằm tạo mối quan hệ thân thiết, đồng cảm, chia sẻ với học sinh, giúp các em phát triển toàn diện không thể thiếu đối với người thầy.
Làm tốt điều này sẽ góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, học sinh được tôn trọng, động viên khuyến khích, tới trường trong háo hức, bình an và niềm tin vào thầy. Và ngược lại, khi cảm xúc tiêu cực không được kiểm soát, sẽ dẫn hiệu quả giáo dục thất bại.
Nâng “chất” giáo dục từ người thầy
Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc được các trường tích cực triển khai và đã mang lại những tác động tích cực tới giáo viên từ đổi mới phương pháp dạy học tới ứng xử, giao tiếp với học trò. Từ đó cũng giúp cho chất lượng giáo dục toàn diện hơn.
Song vẫn còn những giáo viên chậm đổi mới, còn biểu hiện cảm xúc và phản ứng tiêu cực với học trò. Thậm chí, có giáo viên vẫn quy kết quả học tập, tu dưỡng đạo đức của học sinh yếu do chính tự thân các em hơn là nhìn nhận lại khiếm khuyết phương pháp dạy học bản thân, hoặc cách ứng xử giữa thầy trò.
Khi giáo viên định kiến, thiếu đồng cảm chia sẻ với khó khăn học sinh gặp phải thường dẫn tới biểu hiện cảm xúc tiêu cực (tức giận, thờ ơ, mắng mỏ, nổi cáu…).
Từ việc thiếu kiểm soát, quản lý cảm xúc không tốt của giáo viên dẫn tới trường hợp dùng vũ lực (lấy thước đánh vào học trò, ấn đầu, lời nói xúc phạm...) khi học sinh mất trật tự hoặc học tập chậm tiến bộ.
Trong đổi mới giáo dục, việc làm chủ cảm xúc của người thầy vô cùng quan trọng để tạo nên môi trường dạy học tích cực, giúp học sinh cảm nhận tin tưởng, tôn trọng và an toàn khi tới trường vào lớp. Nhưng quản lý cảm xúc cách nào thì nhiều giáo viên lúng túng, chưa thể làm tốt.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý cảm xúc trong dạy học của cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy– Hà Nội) là: Với học sinh tiểu học và đặc biệt khối lớp 1, 2 thường khá tự do, chưa có ý thức kỷ luật trật tự. Có em tính cách hiếu động, thậm chí tự kỷ thể nhẹ nên hành động tự phát.
Rơi vào những tình huống ngoài giáo án, tốt nhất là giáo viên kìm nén cảm xúc, bước ra khỏi lớp 2-3 phút lấy lại bình tĩnh rồi tiếp tục giảng dạy. “Dù bực đến mấy trong đầu giáo viên phải luôn nhớ, học sinh cần được giáo dục bằng động viên, chia sẻ, uốn nắn nhẹ nhàng. Điều đó giúp các em tiến bộ và lấy được niềm tin của học sinh…”, cô Ngọc chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trao đổi kinh nghiệm để học sinh tự tin, tiến bộ học tập, thích đến trường không sợ học - chính là sự động viên, khen ngợi dù những tiến bộ của các em rất nhỏ. Giáo viên cũng cần biết chấp nhận, kiên trì khắc phục những yếu điểm của học sinh cho dù điều đó không dễ dàng.
“Học trò lớp 1 dễ nhớ nhanh quên, cô dạy hôm trước hôm sau lại mới, thậm chí có em bất hợp tác học tập, đã thế còn học trực tuyến không được cô hỗ trợ trực tiếp. Lúc như vậy, bực đến đâu thì vẫn phải quản lý cảm xúc thật tốt, trao đổi nhắc nhở nhẹ nhàng, cương nhu đúng lúc. Tuyệt đối không quát mắng khiến học sinh hoảng sợ…”, cô Phương trao đổi.
Còn với cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái, bí quyết “đơn giản” để quản lý cảm xúc trong quá trình dạy học đó là luôn coi học sinh như con. Sai đâu góp ý đó và gọi nói chuyện riêng để các em hiểu, tự giác sửa chữa lỗi lầm.
“Học sinh sai đến mấy thì người thầy vẫn phải bình tĩnh để uốn nắn học trò. Vài lời nói mất bình tĩnh của thầy cô trước những tình huống giáo dục không mong muốn hoàn toàn có thể dẫn tới những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực của học trò. Khi học sinh bị tổn thương sẽ dẫn tới tự ti, thậm chí đề phòng, xa lánh thầy cô…”, cô Hải trao đổi.
Có nhiều cách để xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên việc điều chỉnh xúc cảm của người thầy trước những tình huống giáo dục ngay trong từng lớp học vô cùng quan trọng.
Chỉ khi nào học sinh được đặt vào trung tâm để người thầy học cách lắng nghe, chia sẻ ý kiến và ứng xử… thì khi đó từng giờ học, lớp học, trường học sẽ trở nên hạnh phúc với học trò.