Hạnh phúc đến muộn

GD&TĐ -Phạm Cao Sang nhập ngũ tháng 1 năm 1966. Năm ấy, Sang đang học lớp Chín Trường Cấp ba Thư Trì.

Hạnh phúc đến muộn

Đường học của Sang lận đận lắm. Sang học lớp 8 trường cấp ba thị xã Thái Bình từ năm 1962. Nhưng đến giữa năm 1963 đang học lớp 9 thì Sang phải cùng với bố mẹ và các em đi khai hoang ở Na Rì (Bắc Kạn). Sau hai năm, Sang lại về học tiếp ở trường Thư Trì. Chưa lên lớp Mười thì Sang lên đường nhập ngũ.

Nhà Sang cách trường mười cây số. Cứ sáng tinh sương, Sang đã phải đi xe “căng hải” tới trường. Học lực Sang vào loại khá, nhất là môn Văn. Sang được chọn vào tốp học sinh giỏi Văn của trường. Ở trường, Sang được thầy cô và các bạn quý mến vì cái tính hiền lành, chân thật lại học giỏi.

Học ở thị xã nhưng ngày ngày đi về nên Sang vẫn tham gia sinh hoạt đoàn ở địa phương. Ở làng Sang, thanh niên cứ măng măng lên một tí là ra trận hết. Ở nhà chỉ còn toàn đàn bà, con gái, trẻ em và cụ già.

Vì thế, Sang đi sinh hoạt đoàn vẫn thường được các cô gái vây quanh. Lúc đầu Sang thích lắm. Nhưng sau rồi nghĩ đi nghĩ lại, Sang thấy mình kém cỏi quá. Bọn con trai ở nhà thì có ai nào? Có thằng H thọt chân, thằng K hen suyễn, thằng Y chột mắt, rồi thằng B, thằng T, thằng X con địa chủ người ta không cho đi bộ đội.

Chỉ có Sang là lành lặn. Lành lặn thế sao bộ đội lại không gọi nhỉ? Lành lặn thế sao lại không được ra trận nhỉ? Sang thấy mình kém cỏi lắm. Mà, có lẽ thế thật. Sang gầy gò, người xanh lét. Chắc là Sang có bệnh? Vì thế Sang rất buồn.

Nhưng không, Sang thấy trong người mình vẫn khỏe mà. Bữa nào Sang cũng ăn được nhiều. Chỉ có một lưng cơm thôi nhưng thêm dăm củ khoai và mấy bát rau lang, rau muống nữa mà vẫn chưa thấy vừa cái bụng. Người ta bảo “Người gầy thầy cơm” là thế.

Không! Sang không thể ở nhà được nữa. Sang phải lên đường!

Thế là Sang lên xã ghi tên vào danh sách tuyển bộ đội. Sang khỏe mạnh, lành lặn chứ có khuyết tật gì đâu? Và Sang trúng tuyển luôn.

Sau khi trúng tuyển, Sang mới đến thưa với thầy cô giáo và các bạn, rồi lên đường.

Sau ba tháng huấn luyện bắn súng mười hai ly bảy, đơn vị Sang tiến quân vào Nam. Nhưng đi đến Quảng Bình thì Sang được lệnh trở ra đi học chuyển binh chủng. Lúc đầu Sang cũng chẳng biết chuyển binh chủng gì, vì họ chọn văn hóa cấp ba trở lên. Về sau Sang mới biết là học chuyển binh chủng tên lửa.

Thế là đơn vị mới của Sang tập trung tại Võng Xuyên (Hà Tây cũ) để học văn hóa (chủ yếu là học điện). Sau ba bốn tháng gì đấy thì lên tàu hỏa đi học. Mỗi người lính được phát hai bộ quần âu áo trắng (lúc bấy giờ mọi người gọi là quần phăng, áo trắng) và một bộ com-lê cà vạt, áo gi-lê, mũ be-rê, giày tất đầy đủ.

Thủ trưởng bảo rằng chúng ta đóng vai là nghiên cứu sinh sang học ở Liên Xô. Bí mật mà (hình như chỉ bí mật với nước bạn Trung Quốc). Vì thế đoàn tàu của đoàn Sang đi suốt từ ga Bằng Tường đến ga Mãn Châu Lý - hết địa phận Trung Quốc đường dài có tới gần vạn cây số mà không xuống nghỉ ở một ga nào cả. Thủ trưởng bảo rằng Trung Quốc bấy giờ đang có cuộc đại cách mạng văn hóa.

Đến ga Mãn Châu Lý thì đoàn của Sang chuyển sang tàu Liên Xô bắt đầu là ga Za-bai-can. Từ đây thì cánh lính được thoải mái ngắm trời ngắm đất. Đẹp nhất có lẽ là hồ Bai-can. Đoàn tàu nghiêng hẳn về bên trái, bên có hồ Bai-can ấy.

Ngày ấy Sang cũng đã tập tọe làm thơ và làm được một bài về hồ Bai-can trong đó có câu:“Hồ Bai-can trong xanh nước biếc/ Sóng dâng trào muôn hạt trắng phau/ Bốn bên tùng bách một màu...”. Bây giờ Sang chỉ còn nhớ được có thế...

Thế rồi đoàn tàu qua Tasken, U-dơ-bếch ...

Trừ mấy thủ trưởng, còn lại cánh lính của Sang toàn là mười tám, đôi mươi, lại mới ở “nhà quê ra tỉnh”, bây giờ sang nước ngoài thấy lạ lẫm lắm. Cứ mỗi lần tàu dừng xuống ga, anh nào cũng nhảy xuống (nhưng không dám đi xa và phải đi theo tổ tam tam quanh quẩn ở ga tàu).

Sang và các bạn thấy thứ gì ở đây cũng khác xa ở quê mình. Một nắm đất, một hạt bụi, một cọng cỏ, nói chung là đất, nước, cỏ cây, không khí, bầu trời... tất cả đều khác lạ. Thành phố thì to đẹp đàng hoàng nhưng tất cả như là có màn sương bao phủ... như là mơ ấy.

Thế rồi đoàn tàu lại đi. Tàu đi qua những nơi mênh mông, mênh mông. Nhiều nơi không thấy nhà cửa, phố xá, làng mạc gì, cây cối cũng không có. Nhiều khi như là tàu đi trong sương mù... Đi mãi đi mãi mấy tuần mà chưa đến nơi học. Thế mới biết đất nước Liên Xô rộng lắm. Thế giới này mênh mông lắm...

Sang và các bạn hy vọng sẽ được đưa đến một thành phố hoành tráng với đầy đủ những gì hiện đại. Liên Xô mà.

Ấy thế mà đoàn tàu dừng lại ở một nơi không có cỏ cây gì, chỉ có cát và cát, mênh mông là cát. Đó là sa mạc Ka-ra-cum thuộc nước Cộng hòa Tuyêc-mê-ni Liên bang Xô viết.

Ở đấy người ta đã xây dựng những tòa nhà năm tầng trên sa mạc. Có điện. Có một cái tháp nước với những cột nước đá chằng chịt vào nhau từ trên cao xuống y như những rễ đa làng.

Sau này Sang mới biết là nhiệt độ ở nơi này thường từ năm độ dưới không độ đến mười lăm độ dưới không độ, cho nên nước máy rò rỉ ra một lúc là thành nước đá, thành băng ngay. Và cứ dòng nước nọ quấn lấy dòng nước kia làm thành một tảng băng ngay dưới chân cột tháp.

Đơn vị của Sang được bố trí ở trong những tòa nhà năm tầng, nhưng lúc ấy chưa có cầu thang máy, chưa có điều hòa. Mỗi phòng có một lò sưởi bằng củi thông lên ống khói. Mỗi tiểu đội ở một phòng có bốn đến năm giường.

Mỗi đại đội ở một dãy. Cả trung đoàn ở trong khuôn viên của mấy tòa nhà năm tầng ấy. Đấy chính là doanh trại quân đội Xô viết. Xung quanh doanh trại có tường bao cao và rào dây thép gai. Trong doanh trại có phòng họp, phòng câu lạc bộ và cả phòng giam nữa.

Ở giữa là một cái sân rộng mênh mông toàn cát là cát. Nhà chỉ để ngủ nghỉ. Đến bữa ăn, cả trung đoàn phải xuống sân tập hợp, đi thường bước theo hàng đôi theo con đường bê tông dẫn đến nhà ăn cách sân gần một cây số.

Trước khi ra khỏi phòng, anh nào cũng phải mặc thật ấm, bên ngoài mặc quân phục lính Nga, đội mũ lông, đi giày hai ba tất mới chống chọi được với cái rét buốt ở nơi này.

Nhà ăn của sĩ quan riêng. Nhà ăn của lính riêng. Sĩ quan thì được ăn bánh mì trắng. Lính thì phải ăn bánh mì đen. Mười người lính một mâm. Một cái bánh mì đen to bằng hòn gạch xỉ, một đĩa bơ chung cho mười người và mỗi người một bát cháo thịt cừu hoặc súp bắp cải chua loét. Hôm nào có tướng đến thăm thì mỗi anh được ăn thêm một cái đùi gà nhỏ.

Nói chung là ăn uống ở đây chẳng anh nào hợp khẩu vị cả. Chẳng ngon một tí nào. Nhưng vì đói mà phải ăn. Rồi cũng thấy quen.

Cánh lính cứ nói đùa với nhau là người Nga họ cao lớn, khỏe mạnh và giỏi giang là vì họ ăn bánh mì và bơ đấy. Cánh mình cứ ăn như thế này chắc cũng sẽ khỏe và giỏi như họ.

Trung đoàn Sang mang phiên hiệu 261 sang bên này học tên lửa phòng không SAM-II. Đối với Liên Xô thì loại tên lửa này đã cũ nhưng với Việt Nam thì mới toanh. Quả tên lửa dài hơn mười mét.

Bệ phóng nặng gần chín tấn. Sau khi lắp ráp, tên lửa được nằm trong kho. Khi có lệnh, tên lửa sẽ được đưa lên xe TZM là xe chuyên dùng chở tên lửa. Rồi từ xe TZM, tên lửa sẽ được nạp vào bệ phóng. Đại đội hỏa lực có bốn bệ. Ngoài đại đội hỏa lực còn có đại đội chỉ huy gồm các xe lập lệnh (xe AA), xe điều khiển (xe UA), máy nổ và ra-đa nữa.

Tiểu đoàn tên lửa gồm một đại đội hỏa lực, một đại đội chỉ huy và một trung đội thông tin. Trung đoàn tên lửa gồm có bốn tiểu đoàn hỏa lực và một tiểu đoàn kỹ thuật. Tiểu đoàn kỹ thuật chuyên lo lắp ráp, sửa chữa, bảo quản tên lửa, lo chuẩn bị thật tốt tên lửa cho các tiểu đoàn trực tiếp chiến đấu.

Như thế là để phóng một quả tên lên tiêu diệt mục tiêu là phải có cả một trung đoàn hợp đồng tác chiến. Một người, một bộ phận không thể làm được.

Trong vòng mười tháng, đơn vị phải cố gắng học tập làm sao nắm chắc được cấu tạo, tính năng, kỹ thuật, chiến thuật loại vũ khí mới này để về nước sử dụng thành thạo, vận dụng những phương án tác chiến phù hợp nhất, đảm bảo chiến đấu tốt và chiến thắng trong mọi tình huống.

Sang được biên chế vào tiểu đoàn kỹ thuật ở bộ phận lắp ráp tên lửa trong đó có nạp chất Ô, chất Ghe (đọc chệch đi là Gơ). Hai chất này khi cháy tạo thành màu da cam, rất độc hại.

Các thầy giáo người Nga cũng nói rằng, người nào bị nhiễm hai chất này sẽ bị triệt đường sinh sản. Vì thế thủ trưởng đơn vị luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phải tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo hộ lao động trong việc thao tác lắp ráp.

Dù có khó chịu mấy thì khi thao tác nạp chất Ô, chất Gơ cũng phải kiểm tra và mặc cẩn thận mặt nạ chống độc, quần áo, găng tay chống độc, không để xảy ra một sai sót nhỏ.

Mặc dù giữa thao trường sa mạc lạnh giá năm độ, mười độ, mười lăm độ dưới không độ, lại thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại và những mối nguy hiểm bất thường về điện (có chỗ đường điện dưới lớp băng tuyết, có chỗ dây điện bị hở), nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại được các thủ trưởng luôn luôn động viên khích lệ, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị không một ai nản lòng. Ai cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy, gian khổ đến mấy, nguy hiểm đến mấy.

Thủ trưởng và cả các đồng chí Liên Xô nói:

Quê hương Việt Nam đang chờ những chiến công từ những quả đạn tên lửa SAM-II của các đồng chí.

Thế rồi mười tháng trôi đi cũng khá nhanh. Trong mười tháng cũng có một đồng chí bị ốm nặng phải đưa về nước.

Về nước, Sang được biên chế về tiểu đoàn kỹ thuật thuộc trung đoàn tên lửa bảo vệ Thủ đô. Đơn vị tên lửa của Sang đã chiến đấu nhiều trận, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái trên bầu trời Hà Nội, Hà Tây trong đó có “pháo đài bay” B52 của không lực Huê Kỳ.

Càng trong điều kiện chiến đấu khẩn trương ác liệt, thì công việc lắp ráp tên lửa và nạp chất Ô, chất Gơ lại càng phải khẩn trương, kịp thời, chính xác, đòi hỏi những thao tác nhanh nhạy, hợp đồng mau lẹ của người lính tên lửa.

Và, không ở đâu hơn ở nơi này, trong những trận chiến đấu cam go, trong khói lửa của bom rung đạn rít, lòng dũng cảm của người chiến sĩ tên lửa không thể thiếu. Bởi vì không phải lúc nào những dụng cụ phòng độc cũng đầy đủ, cũng lành lặn, vẹn nguyên.

Yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu không thể chờ đợi một giây một phút. Chỉ chậm mấy mươi giây là tên lửa mất điều khiển. Chỉ chậm mấy mươi giây là cả một tiểu đoàn tên lửa mất sức chiến đấu. Người chiến sĩ lắp ráp tên lửa không thể chần chừ.

Bởi thế, Sang và đồng đội nhiều lúc phải quên mình đi, phải quên cái độc hại của chất Ô, chất Gơ đi để có những quả đạn đạt tiêu chuẩn lắp vào bệ phóng.

Tháng 12 năm 1972, trung đoàn tên lửa của Sang cùng với năm trung đoàn tên lửa khác đã thực hiện cách đánh trong nhiễu cùng các lực lượng của quân dân Thủ đô làm nên “trận Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng – tạo nên một đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri về Việt Nam, rút hết quân xâm lược về nước.

Thế rồi, sau mười năm quân ngũ, Sang được khoác ba lô về quê.

Sang cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt, nhưng trong đầu Sang lúc nào cũng cứ ám ảnh chất Ô, chất Gơ độc hại chết tiệt ấy. Bởi thế Sang chưa có ý định xây dựng gia đình. Vì chiều lòng bố mẹ, Sang đành phải cưới vợ. Vợ Sang là Hạnh, cô gái người tròn lẳn, thùy mị, nết na.

Dù không có một lời hẹn trước, nhưng những năm Sang đi chiến đấu, Hạnh vẫn thường tới nhà chơi với em gái của Sang và động viên, chăm nom bố mẹ Sang. Sang cảm động lắm, thương Hạnh lắm, nhưng trong lòng Sang buồn biết bao.

Bao nhiêu khát khao cháy bỏng về một “bóng hồng” Sang dấu kín nơi chiến hào khói lửa... Bao nhiêu ham muốn về một mùi hương con gái hấp dẫn đến lạ kỳ Sang dấu kín trong lòng... Mười năm, mười năm và hơn thế nữa... Đến bây giờ Sang cởi ra hết, thả ra hết... với Hạnh.

Nhưng một nỗi buồn, một nỗi sợ hãi cứ ám ảnh Sang làm nét mặt Sang cứ khó đăm đăm... Có một cái gì đó cứ ủ rũ, héo quắt đi ở trong lòng Sang không nói thành lời...

Cũng có lúc, Sang muốn đi khám nam khoa. Nhưng ở quê Sang, nếu nói đến khám bệnh, người ta chỉ nói đến khám tim, gan, phổi, thận, lá lách, dạ dày.... rồi tiểu đường, huyết áp... Phụ khoa (nữ khoa thì có) nhưng chẳng ai để ý gì đến nam khoa cả. Vì thế, Sang cũng ngại.

Thế rồi huyện đội có đợt động viên bộ đội tái ngũ. Sang lại đi khám và trúng tuyển. Sang được biên chế về một đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân ở Lạng Sơn. Trong một đợt đi “ba cùng” với đồng bào dân bản, Sang làm quen với một thầy lang giỏi. Thầy lang đã dùng những cây lá của núi rừng để bồi bổ phục hồi sinh lực cho Sang.

Một năm sau, Sang thấy sức khỏe của mình tăng lên rất nhiều. Những chất bổ dưỡng diệu kỳ của cây rừng lá núi đã thấm vào từng đường gân thớ thịt và mạch máu của Sang. Sang cảm thấy rất rõ điều đó.

Sang định bụng sẽ xin đơn vị về phép ít ngày để đem đến những niềm vui bất ngờ cho Hạnh. Nhưng đúng lúc này, tình hình biên giới có những biến động phức tạp, Sang không thể về được.

Rồi Sang gặp Sim, cô gái của núi rừng - cô gái bí thư đoàn ở một xã vùng cao.

Sim hai mươi hai tuổi, học xong phổ thông trung học Sim ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương ngô nương sắn và làm công tác đoàn ở xã. Sim có mái tóc đen dài mượt như nhung. Cái miệng Sim cười như bông hoa của núi rừng. Đôi mắt Sim trong như nước suối ban mai, ngây thơ như “con nai vàng ngơ ngác”. Và, đôi chân trần của Sim mới trắng hồng làm sao.

Sang được phân công phụ trách xã này, cùng với ban chấp hành đoàn xã vận động thanh niên làm nòng cốt trong phong trào an ninh biên giới. Nhiều lần Sang và Sim phải đến những bản ở vùng núi cao. Nhiều lần đến nơi thì trời đã tối.

Nhiều lần phải ngủ lại nhà dân. Có những lần phải ngủ ở lán trong rừng. Có lần Sim bị ngã, Sang phải cõng Sim hàng mấy cây số đường rừng về bản và tìm lá thuốc chữa trị sái chân cho Sim. Và rồi cô gái của núi rừng đã yêu chàng bộ đội biên phòng lúc nào không biết.

Nhưng, không, Sang chỉ quý mến Sim và tận tình với Sim như đứa em gái yêu của mình.

Thế rồi một hôm vừa đến chiếc lán ven rừng ấy, chưa kịp vào bản, thì một trận mưa rào như trút đổ xuống. Mưa sầm sập, sầm sập. Trời tối dần, rồi tối đen như mực. Con suối dưới chân đồi lối vào bản réo lên òa òa như thác đổ. Hình như có cả đá lở, đất sụp ở đâu đây.

Đêm đen đặc. Bốn bề rừng núi như có muôn nghìn tiếng gầm rú của loài thú dữ nhe hàm răng nhọn hoắt dữ dằn ra dọa người.

Ngồi trong lán tối om lạnh giá, Sim sợ, cứ bám chặt lấy Sang. Sang ôm lấy Sim và động viên: “Đừng sợ. Đừng sợ. Chỉ là mưa rừng và suối chảy thôi em ạ. Không có gì đáng sợ cả. Rồi mưa sẽ tạnh. Sáng mai trời sẽ nắng lên...”.

Mưa sình sịch, sình sịch suốt đến gần sáng. Khoảng ba giờ đêm thì mưa tạnh, trời sáng ra một chút. Nhưng tiếng òa òa òa òa thì to dần, rõ dần và rất gần. Thì ra, con suối vào bản trước mặt và con suối sau lưng Sang và Sim vừa đi qua đã thành những dòng sông lớn.

Sang trải tăng bạt ra cho Sim nằm. Nhưng Sim kéo cả Sang nằm xuống. Sang nói rằng anh ngồi để canh cho em ngủ. Nhưng Sim dứt khoát không chịu. Cuối cùng, Sang cũng phải nằm xuống bên Sim...

Đi suốt cả mấy ngày nay lại phải thức gần suốt đêm, nên Sang ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Sang mơ thấy mình đang bay trên mây rồi hạ cánh xuống một đỉnh núi. Rồi có một nàng tiên xinh đẹp tóc dài như suối mây, da trắng như trứng gà bóc, mắt lấp lánh sao trời - ôm lấy Sang.

Sang cũng ôm lấy nàng. Sang và nàng quấn lấy nhau trên chiếc giường hình như được trải bên trên là chiếc tăng võng bộ đội. Ôi, mùi da thịt của nàng tiên cũng có hương thơm lạ lùng kỳ diệu như mùi da thịt của người con gái... Và, tự nhiên, cái bản năng đàn ông trong Sang trỗi dậy. Sang lần lần hàng cúc áo của nàng, rồi lần lần xuống vùng phụ cận...

Bỗng có tiếng soạch soạch... hình như có con thú nào chạy qua. Sang bừng tỉnh. Sang thấy mình đang ôm lấy Sim. Bàn tay Sang đang đặt vào vùng nhạy cảm của nàng...

Sang hốt hoảng, vùng ngay dậy.

Không! Không! Không! Sang không thể! Sang không thể! Sang không thể!

Sang không thể nào phản bội người vợ hiền thục đang ngày ngày thương nhớ chờ mong của mình. Sang không thể nào làm lỡ dở hạnh phúc của Sim - người em gái xinh đẹp luôn dành những tình cảm trân trọng nhất cho mình.

Không! Không! Sang là một người bình thường như bao chàng trai khác. Nhưng Sang là một người lính bộ đội Cụ Hồ. Sang là một người bạn đời thủy chung của vợ, một người anh đáng tin cậy của các em.

Ngoài trời mưa tạnh hẳn. Trời sáng dần. Tiếng chim rừng lại vang lên lảnh lót...

*

Thế rồi sau đợt ấy, Sang về phép.

Sang mang về cho Hạnh niềm vui khôn tả của người chồng đã vượt qua được một thử thách cam go nhất. Sang cũng mang về một hạnh phúc lớn lao cho Hạnh là được làm mẹ.

Cảm ơn đời vẫn dành hạnh phúc cho vợ chồng người lính tên lửa phòng không.

Sau đợt ấy, vợ chồng Sang đã được đón “công chúa” Thanh Ngần rồi tiếp đến là “hoàng tử” Thanh Sơn ra đời (sau đó ba năm). Bây giờ vợ chồng Sang Hạnh đã có một gái, một trai, một dâu, một rể và bốn cháu nội ngoại ngoan hiền mạnh giỏi.

Gia đình Sang Hạnh đang sống yên vui ở một ngõ phố thân yêu bên bờ con sông Trà Lý thơ mộng ở miền quê lúa. Riêng đứa cháu ngoại đầu của ông bà hiện đang là chiến sĩ biên phòng công tác trên quê hương xứ Lạng, nơi mà trước kia đơn vị bộ đội biên phòng của Sang làm nhiệm vụ, nơi mà Sang đã gặp được người em gái quý yêu.

Còn Sim, người em gái quý yêu của Sang sau là cán bộ chủ chốt của ngành văn hóa ở một huyện nay cũng đã nghỉ hưu sống hạnh phúc bên gia đình ở quê hương xứ Lạng. Cô luôn dành cho Sang và gia đình anh tình cảm thân thiết trân trọng nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.