Ông thầy dạy văn

GD&TĐ -Lên cấp 3 tôi mới được học thầy Ngọc. Thầy dạy văn đồng thời làm chủ nhiệm luôn lớp 8A chúng tôi.

Ông thầy dạy văn

Đó là một người đàn ông ba mươi tuổi, khuôn mặt sáng, giọng nói ấm dễ gần, tuy dáng thầy hơi gày. Mỗi khi lên bục giảng hay đi lại trong lớp thầy thường lên lết chân phải và mỗi bước chân của thầy đều phát ra âm thanh lọc cọc.

Nói thực, bọn học trò chúng tôi cả nam lẫn nữ đều cảm thấy rất ái ngại. Hôm sinh hoạt lớp buổi đầu tiên, cái Hiền, lớp trưởng, thay mặt cả lớp đứng lên phát biểu, nó đảo mắt nhìn khắp các bạn rồi hướng về phía thầy Ngọc nói rành rẽ:

- Thưa thầy. Chúng em xin được đề nghị với thầy là: Từ giờ thầy không phải đi lại trong lớp nữa. Thầy đi lại bằng chân giả như thế rất mệt. Chúng em đề nghị thầy ngồi ở ghế giảng bài thôi ạ.

Cái Hiền vừa dứt lời thì cả lớp đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Thầy Ngọc hơi sững người vì lời đề nghị quá bất ngờ. Thầy day day sống mũi mấy cái rồi nói:

- Thầy cảm ơn các em nhưng làm thầy mà chỉ ngồi một chỗ thì khác nào bảo thầy là cái máy nói. Giảng bài kiểu ấy nó làm thầy trò chúng mình xa cách. Thầy muốn khi giảng bài thầy đến bên cạnh các em. Truyền hứng thú cho các em. Và – thầy Ngọc dừng lại mấy giây – chính thầy cũng nhận lại từ các em sự hứng thú ấy.

Dạo đó đã sang mùa đông năm 1972, tuy trường chúng tôi không phải cho học sinh nghỉ học nhưng các lớp học phải phân tán vào các thôn xóm quanh trường chứ không được tập trung ở trường chính nằm cạnh đường 5.

Giờ ra chơi chúng tôi cũng không được chạy nhảy lung tung, vẫn ngồi lại trong lớp hay quá lắm là loanh quanh bên mấy gốc cây phi lao trồng thành dãy ngay trước cửa lớp. Thành ra thầy với trò lại có dịp nói chuyện với nhau được nhiều hơn. Thầy Ngọc là chủ nhiệm nên những giờ thầy không lên lớp hay không phải đi dạy ở lớp khác thì thầy đến xem chúng tôi học hành. Thầy bảo:

- Không khí sôi nổi là động lực cho việc học. Các em hiện thời có thiệt thòi là ít có được không khí ấy.

Nhà thầy Ngọc ở thôn Yên, ngay cạnh trường cấp 3 của chúng tôi. Cái Hiền lớp trưởng một hôm thầm thì nói:

- Vì thầy là thương binh nên mới được ưu tiên đấy.

Tôi bộp chộp hỏi lại nó:

- Mày bảo thầy Ngọc được ưu tiên cái gì?

Tức thì cái Hiền vẫy vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi tụm lại, nó nói thầm thì hơn:

- Ưu tiên khi ra trường Sư phạm được về dạy ở trường gần nhà chứ sao – Rồi cái Hiền lại thầm thì nhỏ hơn – Người khác á. Ra trường ít nhất phải vài ba năm đi dạy ở vùng cao. Nhờ vả chán chê mới may ra được về trường nhà.

Nghe cái Hiền nói thế tôi không chịu:

- Thì thầy đã đi bộ đội. Đánh nhau trong Nam. Là thương binh nên thầy được ưu tiên là đúng rồi. Thắc mắc gì - Nói xong tôi chợt nhớ ra nên vội nói tiếp - Đã gọi là ưu tiên sao cấp trên không ưu tiên cho thầy Ngọc về dạy ở trường nào có nhiều cô giáo trẻ ấy. Trường mình toàn là các cô đã có chồng.

Chắc là chưa hiểu ý của tôi nên cả bọn nhao lên:

- Mày nói thế nghĩa là sao?

Tôi trả lời:

- Thầy Ngọc đã ba mươi tuổi rồi. Mà thầy đã có vợ đâu.

Bấy giờ cả bọn mới ớ ra “Ừ nhỉ”. Lại cái Hiền lớp trưởng sau mấy phút im lặng, nó bảo:

- Hay là chúng mình “làm mối” cho thầy Ngọc nhể? – Nó nhìn như xoáy vào mặt từng đứa ý chừng như xem thái độ chúng nó có đồng tình không - Tao xung phong trước tìm người để giới thiệu cho thầy nhưng chúng mày cũng phải nghĩ đấy. Ví dụ như chị gái này. Cô hay dì trong họ này. Nhớ phải là xinh và phải đảm đấy. Người đảm mới đỡ đần thầy được.

Thầy Ngọc tuy đi lại không dễ dàng nhưng thầy lại vô cùng vui tính. Dạy môn Văn nên thầy nhớ rất nhiều bài thơ bài văn, kể cả những bài không có trong sách giáo khoa.

Thêm nữa thầy thuộc Kiều làu làu. Thuộc đến nỗi có lần bọn chúng tôi “lấy trộm” quyển Kiều của thầy (Thực ra chỉ có mỗi thầy là có quyển Kiều còn học sinh chúng tôi chỉ được học những trích đoạn trong sách giáo khoa), chúng tôi giấu đi và “thử” thầy bằng cách đọc một khổ nào đó bất kỳ và đề nghị thầy đọc tiếp.

Thầy Ngọc chừng biết tỏng cái trò của chúng tôi nhưng thầy “giả vờ” vò vò mái tóc rồi mới đọc. Thầy đọc trôi chảy khiến chúng tôi “phục sát đất”. Thầy Ngọc bảo:

- Thầy có thuộc thì thầy mới dạy các em được chứ. Hơn nữa – thầy nháy nháy mắt – Hễ đã là người Việt thì nên thuộc Truyện Kiều. Đó là trác tuyệt, là niềm tự hào của người Việt chúng ta.

Tôi nhớ hôm đầu tiên thầy Ngọc lên lớp dạy về Truyện Kiều, biết tiếng thầy giảng Kiều rất thu hút nên bọn con trai chúng tôi hôm ấy “ngoan hẳn”, chúng tôi ngồi chờ đợi bài giảng. Thầy Ngọc vẫn như mọi khi, thầy lên lết chân phải đi từ trên xuống đến giữa lớp, thầy đứng lại nhìn chúng tôi đang chờ đợi, thầy mở đầu bài giảng bằng câu chuyện kể về bà mẹ của Nguyễn Du. Thầy kể rằng:

- Năm đó cô Trần Thị Tần mới tuổi tròn trăng. Một tối cô dạo chơi trong vườn Phủ Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Chẳng là cha của cô Tần là ông Trần Ôn làm chân kế toán trong Phủ nên có đón con gái của mình từ quê nhà lên chơi trên Kinh thành Thăng Long.

Tối ấy cô Tần một mình tha thẩn ra vườn xem hoa, cô vừa xem hoa vừa khe khẽ hát mấy câu quan họ. Giọng hát của cô tuy nhỏ thôi nhưng cũng đủ lọt vào thư phòng của quan Tể tướng. Đương lúc trăng lên toả sáng khắp vườn, lại xa xa câu hát tình quê nên Tể tướng Nguyễn Nghiễm buông sách bước ra vườn.

Ngài đã gặp cô thôn nữ ngây thơ Trần Thị Tần. Hai người đã trò chuyện khá vui vẻ. Điều lý thú là cô Tần chẳng có chút sợ hãi trước vị Đại quan mà cô còn nói chuyện rất thẳng thắn. Cảm phục cô gái trẻ thông minh và chân thật nên quan Tể tướng đem lòng ngẩn ngơ.

Và sau đó ít năm quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm bỏ qua thân phận “chủ tớ” mà cưới người con gái của viên kế toán của mình làm vợ thứ ba”. Thầy Ngọc kể đến đó thì dừng lại, mấy giây sau thầy nói tiếp ‘Và cô Trần Thị Tần đã sinh cho quan Tể tướng, không, cô đã sinh ra cho nước Việt một bậc kỳ tài, đó là Đại thi hào Nguyễn Du và trang quốc sắc Truyện Kiều’.

Sau này khi có dịp thầy trò ngồi chơi vui vẻ với nhau, thầy Ngọc bảo:

- Dạy một bài thơ hay một bài văn thì việc đầu tiên của người thầy là phải tìm hiểu về tác giả. Có hiểu kỹ hiểu đúng về tác giả mới hiểu đầy đủ được tác phẩm của họ. Thầy sợ nhất là có những người thầy cứ ra rả nói mà thực tình chẳng hiểu gì cả. Lối giảng bài kiểu ấy là giảng bài hời hợt, giảng cho xong. Giảng như thế học trò không hứng thú mà đã không hứng thú thì làm sao nắm được bài.

Nghe thầy nói thế chúng tôi khi ấy chưa hiểu lắm nhưng cũng hỏi lại:

- Sao thầy lại biết chuyện ấy. Chuyện về người mẹ của Nguyễn Du ấy?

Thầy Ngọc cười:

- Hồi thầy đi thực tập ở trường cấp 3 Từ Sơn bên Hà Bắc. Nghe mọi người nói là quê mẹ Nguyễn Du ở gần đấy nên thầy tìm đến. Hỏi ra mới hay thêm rằng trong tác phẩm Truyện Kiều có những đoạn, những câu nghe phảng phất câu Quan họ, như câu này chẳng hạn “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/ Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” hay “Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”.

Thì ra Nguyễn Du đã vận dụng thành công lời ca Quan họ vào Truyện Kiều một cách tự thân bởi ông có một người mẹ là gái Quan họ và bà đã hát ru ông bằng những câu Quan họ quê nhà.

Hết năm lớp 8 rồi sắp qua học kỳ 1 của lớp 9 vậy mà “âm mưu mai mối” của chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Tôi sốt ruột quá bèn hỏi bọn chúng nó. Thì ra đúng là còn trẻ con thật, sau cái hôm “thống nhất” sẽ tìm người để giới thiệu cho thầy Ngọc ấy thì bọn chúng nó quên tiệt, chẳng đứa nào nhớ cả chỉ trừ mỗi tôi.

Mà tôi nghĩ mãi cũng chưa tìm được ai. Mang tiếng là tôi với thầy Ngọc là người cùng xã nhưng năm thầy đi bộ đội tôi mới lên năm lên sáu tuổi. Rồi thầy từ trại an dưỡng thương binh xong là khoác ba lô về thẳng Trường Đại học Sư phạm.

Tóm lại tôi chỉ biết có vậy, hơn nữa thầy là thầy giáo dạy mình nên tôi cũng ngại, chẳng dám trò chuyện hay ít nhất là đi qua nhà thầy nên dù có nêu ý kiến nhưng cũng không dám “để mắt” tới cô nào trong làng để giới thiệu cho thầy.

Sáng nay lớp tôi có giờ sử, cả lớp ngồi chờ hơn năm phút vẫn chưa thấy cô Nguyên dạy sử tới. Cả lớp bắt đầu “ngọ nguậy” thì thầy Ngọc tới. Thầy bảo:

- Con cô Nguyên bị đau bụng phải đưa đi bệnh viện huyện. Thầy sẽ dạy thay.

Bọn tôi hơi ngạc nhiên vì thầy đâu có dạy sử mà dạy thay. Thầy Ngọc không nói thêm, thầy cũng như mọi khi đi đi lại lại trong lớp, tiếng bước chân lọc cọc mệt mỏi. Thầy nói:

- Các em biết không? Trong văn có sử và ngược lại trong sử có văn. Bài giảng hôm nay thầy sẽ nói với các em về chuyện đó.

Thầy nói xong thì dừng lại nhìn bao quát khắp lớp, rồi thầy mỉm cười:

- Các em vẫn nhớ Truyện Kiều đấy chứ?

Tức thì cả lớp cùng vui vẻ “Thầy giảng Kiều đi ạ”. Thầy Ngọc gật đầu, thầy đi đi lại lại trong lớp:

- Bài giảng trước thầy đã nói với các em là Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820, các em còn nhớ chứ?

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, chẳng đứa nào phát biểu rằng là nhớ hay không nhớ. Thầy Ngọc mỉm cười kiểu an ủi:

- Nhưng chắc cô Nguyên đã dạy quãng thời gian thế kỷ mười tám đầu thế kỷ mười chín lịch sử nước ta có nhiều biến động?

Chúng tôi nghe đến đây thì đều đồng thanh đáp “Vâng ạ”. Thầy Ngọc đã lên tới bục giảng, thầy lên lết nhấc chân lên, thầy đứng nhìn xuống lớp nói tiếp:

- Nguyễn Du đã sống và đã chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai tập đoàn Trịnh ở Đàng ngoài và Nguyễn ở Đàng Trong – Thầy Ngọc ngừng lời, thầy đi đi lại lại, đầu hơi cui cúi tựa như thầy đang nghĩ về một điều gì đó. Lát sau thầy Ngọc ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào bọn học trò chúng tôi đang ngơ ngơ vì chưa hiểu sao thầy lại dừng lời không nói nữa.

Thầy nói tiếp – Các em biết không? Trịnh – Nguyễn phân tranh tức là nhân dân ta tuy cùng là người Việt với nhau nhưng lại chia thành hai phe. Ác nỗi hai phe ấy lại đánh nhau dữ dội. Đó là cuộc chiến tương tàn nồi da nấu thịt. Tất cả chỉ vì một cá nhân hay rộng hơn là một phe nhóm chỉ vì lợi ích và tham vọng quyền lực mà đẩy người dân cùng chung giống nòi vào ly loạn.

Thầy Ngọc nói đến đây thì dừng lại. Nhìn nét mặt thầy và nghe giọng nói của thầy tôi đoán có lẽ thầy đang xúc động. Thực tình lúc đó tất cả bọn tôi đều chẳng đứa nào hiểu được ý của thầy cả. Cả lớp lại ngơ ngơ há hốc mồm chờ thầy nói tiếp. Thầy Ngọc lắc đầu nhẹ một cái. Chắc thầy đã tỉnh, thầy nói tiếp:

- Thêm nữa, ở Đàng ngoài thì việc các chúa Trịnh lấn át quyền lực vua Lê, các tập đoàn phe phái tranh hùng xưng bá làm xáo trộn xã hội. Nhiều người lâm vào cảnh lầm than oan trái”.

Bất chợt thầy Ngọc cao hứng trở lại. Thầy nói to hơn:

- Chính vì thế mà Nguyễn Du đã phải thốt lên “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Các em thấy đấy. Bằng con mắt nhìn đầy tính hiện thực và bằng trái tim đau nỗi đau của dân chúng Nguyễn Du đã nêu ra những thói xấu, thói sa đọa của những người mà bây giờ chúng ta gọi là quan chức ấy.

Ông đã ghi lại sự bất công trong xã hội. Bất công tới mức trầm trọng như những câu “Có ba trăm lạng việc này mới xong” hay “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Nhân dân cùng khổ đến tận cùng của nỗi khổ nhưng họ chỉ “Phận đành chi dám kêu oan/ Đào huyên quẹn má, liễu tan tác mày” và rất nhiều lần trong Truyện Kiều Nguyễn Du phải nhắc tới chữ “Oan” như “Tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây” hay “Oan này còn một kêu trời nhưng xa” và “Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên”.

Vậy đấy, sáng tác của Nguyễn Du là tiếng vọng của thời đại ông đã sống. Và chúng ta thấy chính thời đại đã ủy nhiệm cho Nguyễn Du thực hiện sứ mệnh phải nói lên bằng những giá trị nghệ thuật đặc sắc, những vấn đề cốt thiết của quyền sống con người.

Hết giờ học nhưng chúng tôi vẫn còn nán lại ngồi trong lớp. Tuy chưa hiểu kỹ được ý tứ trong bài giảng của thầy Ngọc nhưng dư âm của bài giảng dường như còn đâu đây khiến bọn con gái có đứa mắt đỏ hoe. Tôi lên tiếng phá tan bầu không khí “trầm u” ấy, tôi hỏi cái Hiền lớp trưởng:

- Thế chúng mày đã tìm được ai để giới thiệu cho thầy Ngọc chưa?

Mấy đứa con gái miệng kêu “a á” rồi liến thoắng mồm xí xoà nhận lỗi, cái Hiền nói:

- Tao tìm được người đúng ý bọn mình rồi. Chúng mày nhớ chị Hoà con bác Mai ở làng Nhân không? Chị ấy xinh này. Chị ấy đảm này. Và quan trọng là chị ấy mới học trường nhạc ra. Tao nghĩ rồi chúng mày ạ, thầy Ngọc yêu văn học nên rất hợp với chị ấy – Mặt nó chợt thuỗn ra – Nhưng chẳng biết chị ấy có đồng ý không với lại làm cách nào để thầy Ngọc và chị ấy gặp nhau tìm hiểu bây giờ?

Bọn chúng tôi nhao lên ồn ào, đứa nào cũng đưa ra “cách” của mình để thầy Ngọc và chị Hoà gặp nhau. Không khí sôi nổi hẳn lên. Đúng lúc ấy thầy Ngọc quay lại lớp, thầy quay lại hỏi chúng tôi về tờ báo tường của lớp triển khai đến đâu rồi. Thấy thầy Ngọc đến tất cả chúng tôi đều giật mình vì ngỡ thầy đã nghe thấy hết chuyện bàn ban nãy. Thấy vậy thầy Ngọc bèn hỏi:

- Các cô các cậu vừa nãy sôi nổi lắm mà sao giờ lại im lặng thế?

Tôi láu táu nói luôn:

- Thưa thầy, chúng em bàn làm mối cho thầy ạ”.

Thầy Ngọc phì cười, thầy bảo:

- Việc của các em là học. Còn việc kia thì – Thầy Ngọc im lặng mấy giây - Thầy có suy nghĩ của thầy.

Cả bọn như được thả lỏng cùng ồ lên “Nhưng thầy phải xong việc ấy trước khi bọn chúng em ra trường đấy. Để chúng em còn đi dự cưới thầy chứ”.

Tôi còn nhớ, quãng cuối năm 1974, khi ấy không khí hào hứng từ chiến trường miền Nam đưa về làm bọn con trai chúng tôi “hăng lắm”. Giờ ra chơi chỉ toàn nói chuyện nếu không đi bộ đội bây giờ thì sau này “ống bơ cũng không có mà nhặt”. Thầy Ngọc biết chuyện bọn chúng tôi “bỏ bê” học hành để ngong ngóng chờ ngày được đi bộ đội. Thầy đến ngồi chơi với chúng tôi, thầy bảo:

- Các em còn nhớ bài “sử” thầy giảng hôm nào không?”

Chúng tôi ớ ra vì chẳng thằng nào nhớ cả. Thầy Ngọc làm bộ không hài lòng bằng cách lắc lắc đầu. Rồi thầy bảo:

- Giải phóng miền Nam. Thống nhất đất nước là mục tiêu chính nghĩa của chúng ta – Thầy hơi ngập ngừng một chút – Mong sao không còn chiến tranh nữa.

Thầy Ngọc dừng lại ở đó. Thầy ra hiệu cho chúng tôi ngồi lại sát bên thầy hơn. Thầy bảo:

- Đánh trận cũng giống như làm một bài tập. Không tìm hiểu kỹ, hiểu đủ về bài tập thì không làm được bài. Đánh trận cũng thế, chỉ hăng hái thôi chưa đủ. Phải tìm hiểu kỹ trước khi vào trận đánh. Ví dụ như bọn địch có bao nhiêu quân, vũ khí thế nào và bố trí ra sao. Nắm chắc rồi mới đánh. Nắm chưa chắc thì đừng nên đánh. Các em làm bài mà chưa chắc bài thì đừng có viết vội. Cứ từ từ tìm hiểu cho thật chắc rồi hẵng viết.

Thầy Ngọc nói xong nhìn chúng tôi đang cúi đầu biết lỗi, thấy nói tiếp:

- Các em đang là học trò thì việc học bài cho tốt là nhiệm vụ hàng đầu. Khi nào đủ tuổi thì đi bộ đội. Giờ phải học đã”.

Tôi vội níu tay thầy hỏi tò mò:

- Thầy ơi. Hồi ở bộ đội chắc thầy phải là chỉ huy to lắm?

Thầy Ngọc đã đứng lên định đi nghe tôi níu vậy thì ngồi xuống, thầy vừa cười vừa nói vui vui:

- Ở bộ đội thầy chỉ lên tới chức “nhọ đít” thôi.

Tôi hỏi lại:

- Là thế nào hả thầy? Thầy giỏi thế kia mà?

Thầy Ngọc vẫn cười vui:

- Tức là thầy mới chỉ là Thượng sĩ thôi. Thượng sĩ Đại đội phó. Các em biết không? Đại đội phó là người phụ trách hậu cần cho đại đội. Cánh lính gọi vui là “nhọ đít”, tức là chuyên lo ăn uống cho đơn vị - Thầy Ngọc đưa mắt nhìn ra xa - Việc nào cũng quan trọng. Đói bụng thì đánh đấm làm sao được. Cũng như các em vậy thôi. Học không chăm chỉ thì làm sao tiến bộ được.

Đến đầu năm 1975, chúng tôi đi bộ đội, buổi sáng hôm chúng tôi từ chỗ tập trung của huyện chính thức hành quân về đơn vị. Thầy Ngọc đã xin nghỉ dậy để đưa tiễn chúng tôi, thầy dắt xe đạp, đi bộ, chân phải thầy lên lết bên cạnh hàng lính quần áo mới toe. Tôi ái ngại quá, lại lo thầy không đủ sức đi nên nói:

- Chúng em cảm ơn thầy. Thầy đến tiễn chúng em là được rồi. Thầy dừng lại nghỉ đi cho đỡ đau chân.

Thầy Ngọc cố nở nụ cười thật vui:

- Thầy lo các em chưa quen hành quân bộ. Thầy á? Thầy quen rồi không có gì đâu.

Nói rồi thầy Ngọc vẫn dắt xe đạp đi cùng chúng tôi thêm chặng dài nữa. Cho đến khi có cán bộ chỉ huy đơn vị đến bên thầy nói mấy câu gì đó thì thầy Ngọc mới chịu dừng lại. Thầy dựng xe bên đường đứng trông theo chúng tôi cho đến khi xa hẳn thì thầy mới quay về trường. Bên tai tôi còn văng vẳng câu thầy Ngọc dặn dò “Các em nhớ giữ gìn sức khoẻ đấy nhé. Có khoẻ mới đánh thắng địch được. Nhớ tranh thủ lúc rỗi đem bài ra ôn đấy. Chiến thắng về học tiếp đấy”.

Chuyện về thầy Ngọc còn nhiều và tôi cũng định dừng lại ở đây nhưng có một chuyện tôi muốn kể thêm. Một hôm, tôi nhận được thư của cái Hiền lớp trưởng, trong thư nó viết “Thầy Ngọc bảo chúng tao thường xuyên viết thư động viên bọn mày. Thầy khoẻ nhưng vừa rồi thầy bị kiểm điểm”.

Nghe cái Hiền nói vậy tôi thấy hoảng vội viết thư về hỏi cho kỹ. Cái Hiền cũng viết thư hồi âm, nó cho biết “Thầy Ngọc bị kiểm điểm vì chuyện thầy với cô Nguyên dạy Sử ấy”, cái Hiền nói rằng “Thầy Ngọc thấy cô Nguyên dạy Sử vất vả nuôi con nhỏ.

Chồng cô Nguyên hy sinh ở chiến trường. Thầy Ngọc hàng ngày sang giúp cô Nguyên xách nước. Khổ, chân thầy cứ đi lên lết như vậy mà thầy vẫn đi xách từng xô nước giúp cô Nguyên.

Có trưa nắng gắt thầy đi xách nước vừa về tới cửa thì hoa mắt chới với chực ngã, cô Nguyên vội dìu thầy vào trong nhà, cô đỡ thầy nằm xuống giường nghỉ cho tỉnh. Đúng lúc ấy thầy Vị hiệu phó đi đến. Thầy Vị chẳng cần hỏi rõ thực hư đã gọi người đến lập biên bản, rồi còn bắt thầy Ngọc và cô Nguyên viết kiểm điểm chuyện hai người thiếu lành mạnh”.

Nghe mà thấy buồn. Tôi bần thần suốt cả tuần. Bần thần cho đến tận năm sau khi mà lớp 10A của chúng tôi đã ra trường được một năm và cho đến khi cái Hiền viết thư gửi lên đơn vị tôi mới nguôi ngoai.

Trong thư cái Hiền khoe ngay từ đầu “Thầy Ngọc và cô Nguyên vừa tổ chức đám cưới xong. Cưới ngay tại trường, rất vui và đông người dự lắm. Lớp 8A à quên lớp 10A chúng mình có 41 đứa, trừ 15 thằng chúng mày đi bộ đội là vắng, còn lại 26 đứa bọn tao đều về lại trường chung vui với thầy cô. Thầy Ngọc với cô Nguyên nhắc chúng tao: Các em hãy quý mến, hãy thương yêu nhau”.

Ngày 29/6/2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.