Nuôi dưỡng cảm xúc chân thành

GD&TĐ - Việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non mang lại cho giáo viên rất nhiều trải nghiệm. Trong những năm tháng đầu đời, được đồng hành cùng tuổi thơ để nuôi dưỡng cảm xúc chân thành, đáng yêu của trẻ là niềm hạnh phúc bình dị đong đầy tình thương. Đó là chia sẻ của các cô giáo mầm non về xây dựng trường học hạnh phúc.

Tình yêu thương với trẻ là sợi dây vô hình để giáo viên gắn bó với nghề. 	Ảnh: Hữu Cường
Tình yêu thương với trẻ là sợi dây vô hình để giáo viên gắn bó với nghề.  Ảnh: Hữu Cường

Lấy trẻ làm trung tâm

Có kinh nghiệm 10 năm đứng lớp, cô giáo Dương Thị Thao, Trường MN Sông Cầu (TP Bắc Kạn) cho biết: Trường mầm non hạnh phúc là nơi vừa mang lại môi trường phát triển toàn diện, kích thích hứng thú học tập – vui chơi của trẻ, tạo dựng niềm tin và sự hài lòng cho phụ huynh. Để có lớp học hạnh phúc, ở đó sự thân thiện, chăm sóc, quan tâm của GV là điều quan trọng nhất.

Theo cô Thao, lớp học hạnh phúc là khi cô giáo thấy vui hơn mỗi ngày đến lớp. Mỗi buổi sáng đến lớp, các em nhỏ khoanh tay chào cô, kể những câu chuyện ở nhà thú vị như thế nào. Trẻ đến lớp phấn khởi, vui vẻ, các giáo viên cũng sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, thấy ngày mới đầy niềm vui. Khi trao cho trẻ một niềm vui thì mình sẽ nhận được gấp bội. Những điều đó vượt qua cả những giá trị vật chất hay tiền bạc.

Nghề giáo viên mầm non phải đối diện với nhiều áp lực, từ nhiều phía. Đặc biệt là áp lực từ phía phụ huynh khá lớn. Khi gửi trẻ, phụ huynh cảm thấy yên tâm, đó cũng là một niềm hạnh phúc với giáo viên.

Trẻ những ngày đầu đến lớp thường hay khóc nhè, mè nheo. Để các em thích ứng với môi trường mới, với thầy cô và bạn bè, cô Thao thường tạo ra các trò chơi vui nhộn, sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi mới lạ, đa sắc màu để cuốn hút trẻ.

Sự tiến bộ mỗi ngày của các thiên thần nhỏ khiến cô hạnh phúc

Hướng tới lớp học hạnh phúc không gì to tát hơn là những việc làm hàng ngày. Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Trang, Trường MN Việt Triều - Hữu Nghị (Hà Nội). Mỗi ngày đến trường, cô giáo đối xử với trẻ bằng tình cảm yêu thương chân thành, đáp lại trẻ sẽ yêu quý và phụ huynh sẽ thực sự tin tưởng.

Trẻ mầm non rất thông minh, hiếu động. Giáo viên phải nhạy bén, sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi chất lượng, an toàn, mới lạ, đa sắc màu để các cháu thỏa sức học tập vui chơi, từ đó kích thích sự sáng tạo, khám phá của trẻ.

Trường MN Việt Triều có thuận lợi hơn các trường mầm non khác là được tiếp cận chương trình quốc tế. Nhà trường cũng đã áp dụng lĩnh vực phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ trong các hoạt động dạy học. GV phải luôn tiếp cận kiến thức mới, xây dựng môi trường mở để phát huy tính tích cực của trẻ.

Theo cô Trang, nguyên tắc đầu tiên của trường học hạnh phúc là yêu thương trẻ như con em mình. Nguyên tắc này chỉ rõ nếu trẻ ương bướng, không nghe lời, cô giáo cần kiên nhẫn, tìm lí do khiến trẻ lại ương bướng, không chịu ăn, không nghe lời cô. Có thể do chưa quen lớp nên sợ không dám nói, có thể ở nhà con được chiều chuộng, thích làm theo ý mình.

Nguyên tắc thứ hai là GV phải làm việc bằng cả cái tâm, bằng cả tấm lòng. Mỗi trẻ các cô sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nếu trẻ được chiều chuộng nên ương bướng, thì cô sẽ kết hợp cùng phụ huynh giáo dục trẻ cả ở lớp và ở nhà. Trong trường hợp trẻ nhút nhát, chưa dám nói, cô giáo chính là người giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, bình tĩnh và quan trọng là tạo ra sự gần gũi để trẻ thoải mái vui chơi.

Cô Trang tâm sự: Việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non mang lại cho giáo viên rất nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc. Trong những năm tháng đầu đời, được đồng hành cùng tuổi thơ để nuôi dưỡng cảm xúc chân thành, đáng yêu của trẻ là niềm hạnh phúc bình dị đong đầy tình thương và bao dung của các cô.

Có lẽ tình yêu thương với những đứa trẻ là động lực không nhỏ để các cô gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và đồng hành từ phía phụ huynh, xã hội cũng sẽ là điểm tựa quan trọng để các cô chinh phục nghề với nhiều trải nghiệm thú vị, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Tiếp 'lửa' cho giáo viên

GD&TĐ - Ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến giáo dục tài chính. Theo khảo sát của OECD, 59 quốc gia đã xây dựng chiến lược để giáo dục tài chính.