Hàng Việt: Cạnh tranh sòng phẳng hay trông đợi

GD&TĐ - Công bằng mà nói, tư duy của “cha đẻ” Bphone hay VinFast là của những người tiên phong, dám nghĩ, dám làm, đã làm là phải “ra tấm, ra món”. Có một điểm khá giống nhau giữa hai sản phẩm này là dù ra mắt ở Việt Nam (điện thoại Bphone), hay “trình diễn” tại Paris (ô tô  VinFast), đều hoành tráng, gây xuýt xoa ít nhiều. Tuy nhiên, thị trường thì luôn sòng phẳng.   

Ô tô VinFast ra mắt hoành tráng ở Paris, nhưng lại giới thiệu đến người tiêu dùng trên trang bán hàng trực tuyến quen thuộc với nhiều bà nội trợ
Ô tô VinFast ra mắt hoành tráng ở Paris, nhưng lại giới thiệu đến người tiêu dùng trên trang bán hàng trực tuyến quen thuộc với nhiều bà nội trợ

Từ chiếc điện thoại bị ném nhiều “gạch đá” trên mạng…

Smartphone “niềm tự hào của người Việt” sẽ đứng ở đâu sau nhiều lần “lên đời”? Câu hỏi về chiếc điện thoại Bphone được cho là muốn cạnh tranh thẳng với những “ông lớn” như Apple (iPhone), Sony, Samsung… hiện vẫn chưa có hồi kết.

Lần ra mắt Bphone nào của Bkav cũng hoành tráng (kể từ năm 2015), ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Cả 3 lần ra mắt, Bphone các thế hệ đều thu hút sự tò mò, tham dự trực tiếp của hàng nghìn thành viên diễn đàn Bphone Fans Club, khách hàng, đối tác… cũng như những người yêu công nghệ tại Việt Nam (chưa kể số người theo dõi trực tuyến trên mạng và website về công nghệ).

Nguyễn Tử Quảng: Tham vọng của tôi là sẽ tới một lúc mọi người Việt đều cầm trên tay chiếc điện thoại người Việt làm ra, chính vì thế với Bphone tôi chấp nhận hứng rất nhiều “gạch đá”. Ảnh: An Nhiên
 Nguyễn Tử Quảng: Tham vọng của tôi là sẽ tới một lúc mọi người Việt đều cầm trên tay chiếc điện thoại người Việt làm ra, chính vì thế với Bphone tôi chấp nhận hứng rất nhiều “gạch đá”. Ảnh: An Nhiên

Không tò mò sao được, khi ông Nguyễn Tử Quảng (người ghi dấu trong lĩnh vực an ninh mạng 20 năm qua) xoay sang sản xuất smartphone với những phát ngôn gây tranh cãi. Trên một số diễn đàn công nghệ, không ít lời nhận xét có phần cay nghiệt gọi CEO của Bkav là Quảng “nổ”. Khá chân thành khi thừa nhận đã có thời gian bị khủng hoảng, “rất sốc” vì những nỗ lực của Bkav và bản thân bị xúc phạm, chỉ trích, “ném gạch đá” trên mạng xã hội, hay ở các diễn đàn công nghệ, ông Quảng vẫn khẳng định Bkav sản xuất smartphone không mong muốn “ăn mày tinh thần dân tộc” như một số suy diễn ác ý.

Sau lần đầu tiên (năm 2015) xuất hiện hoành tráng, Bphone lặn tăm trên thị trường. Sau thất bại bị cho là “thảm” ấy, Bkav quyết định hủy bỏ dự án ra mắt Bphone 2 vào cuối 2016, để kỹ càng hơn…

Chuẩn bị ra mắt Bphone thế hệ thứ hai, năm 2017, trong một lần gặp gỡ báo chí, ông Quảng bật mí khá choáng rằng đã đầu tư tới hơn 500 tỷ đồng vào chiếc điện thoại thông minh của người Việt, với giấc mơ cạnh tranh ngang tầm các thương hiệu đình đám trên thế giới. Khi chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất Bphone, ông Quảng nghẹn lời. Nhưng quả thực là một CEO có độ lỳ trước sức ép thị phi, ông Quảng vẫn tiếp tục cho ra mắt Bphone thế hệ tiếp theo vào tháng 10/2018 - Bphone 3 ra đời hoành tráng hơn 2 thế hệ trước, kể cả về công nghệ tích hợp trong sản phẩm, cũng như độ tự tin được nâng lên của đội ngũ “cha đẻ” Bphone.

“Điện thoại không virus, không tin nhắn rác, chống trộm hàng đầu, thiết kế tràn đáy, camera xuất sắc, khả năng chống nước...”- Như lời giới thiệu của CEO Nguyễn Tử Quảng thì Bphone 3 trở lại có vẻ “lợi hại” hơn trước, cho thấy ông Quảng không hoàn toàn “nổ”.

“Thực ra tôi cũng không lỳ lợm gì đâu, tôi chỉ có một khát vọng, vì khát vọng đó nên tôi cố gắng vượt qua”- ông Quảng từng tâm sự. Nảy sinh ý tưởng làm điện thoại thông minh từ năm 2009, ông Quảng thừa nhận “ban đầu đó là một ý tưởng lãng mạn” và CEO này không thể lường hết mọi thứ, mọi vấn đề khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, dù cũng biết đây là sự đầu tư mạo hiểm.

Có vẻ khôn ngoan hơn những lần trước khi “ra giá” cho sản phẩm vào thị trường, lần này Bkav hạ giá Bphone xuống thấp hơn khoảng 30% so với đời máy gần nhất. Điều này chứng tỏ đội ngũ thực hiện Bphone đã nghe ngóng và tiếp thu khá nhiều dư luận về vấn đề giá cả, làm sao để giá chiếc “điện thoại của người Việt” này phù hợp hơn với phần đông người Việt.

Tuy nhiên, phải nói thẳng, như đánh giá của một số nhà báo: Mức giá Bphone còn cao, cần thấp hơn nữa mới tiệm cận phân khúc người tiêu dùng mà Bphone có thể đi vào sâu rộng hơn (Bphone 3 có giá 6.990.000 VND, Bphone 3 Pro 9.990.000 VND). “Một khi đã là sản phẩm đưa ra thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm cùng phân khúc. Không có chuyện mang tình cảm và lòng yêu nước ra để mong người tiêu dùng Việt mua hàng Việt, mà không quan tâm đến chất lượng, giá cả”- một nhà báo chia sẻ.

…Đến màn “chào hỏi” mãn nhãn của ô tô VinFast

Biết là không dễ dàng khi “định vị” thương hiệu Việt, tuy nhiên giới kinh doanh và những người quan tâm đến ô tô vẫn khá choáng ngợp khi xem những hình ảnh ra mắt ô tô VinFast tại Paris Moto Show 2018. Nhìn qua clip thì quả thực 2 mẫu xe VinFast ra mắt thật long lanh.

Tiếp theo màn ra mắt tại Paris, theo dự kiến của VinFast, hãng này sẽ cho ra thị trường 2 mẫu ô tô động cơ đốt trong (dòng Sedan 5 chỗ và SUV 7 chỗ) vào quý II/2019, 1 mẫu ô tô điện, 1 mẫu ô tô động cơ đốt trong cỡ nhỏ và xe buýt điện vào cuối năm 2019.

Thông tin từ VinFast cho biết: Khu nhà máy sản xuất ô tô, bao gồm các xưởng thân vỏ, xưởng sơn, xưởng động cơ, xưởng lắp ráp và xưởng phụ trợ đã được hoàn thành và đang trong quá trình lắp đặt máy, xưởng dập sẽ được bàn giao trong tháng 10.

VinFast ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy, giúp cho các thiết bị và một phần (toàn thể) dây chuyền ở một nhà máy được kết nối với nhau, thông qua các cảm biến được kết nối qua mạng và/hoặc điện toán đám mây. Trong đó, phần quan trọng nhất là máy móc, thiết bị sản xuất và hàng hóa được sản xuất trong nhà máy và những công nhân, kỹ thuật viên và quản lý sẽ được kết nối và liên tục tương tác để tự kiểm tra và tự điều chỉnh, từ đó liên tục nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất.

“Các thông tin trong quá trình sản xuất sẽ được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích. Các dữ liệu này sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với các thiết kế, nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với các mong muốn ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng của khách hàng về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng và giá thành”- Thông tin từ VinFast khẳng định.

Thậm chí, Vingroup còn muốn thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển VinFast để phục vụ cho việc sản xuất ô tô. “Viện được thành lập với mục tiêu trở thành viện Nghiên cứu và Phát triển tầm cỡ khu vực, quy tụ được các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ô tô trên thế giới và trong nước, đảm nhiệm việc nghiên cứu và chọn lựa các giải pháp công nghệ cho dòng xe của VinFast”- Thông tin từ VinFast.

Hơn thế, mong muốn trong tương lai của tập đoàn này là từ viện góp phần xây dựng và nâng cao nền tảng công nghệ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, thông qua việc đào tạo các kỹ sư người Việt thiết kế ô tô theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời phối kết hợp với các trường đại học lớn trong nước thực hiện đào tạo theo các chương trình phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành ô tô.

Việc mời những nhà thiết kế ô tô nổi tiếng thế giới để “tạo dáng” cho 2 đứa con đầu lòng VinFast Sedan và VinFast SUV cho thấy Vingroup “chơi sang”, cũng như VinFast sẽ không đơn giản là những chiếc ô tô lăn bánh ở nội địa. Mặc dù dự đoán từ những người thạo về ô tô thì 2 mẫu xe có thể giá từ khoảng 1 đến 2 tỷ đồng, không ít người hơi bất ngờ, bởi thị trường đang có quá nhiều sự lựa chọn cho một “xế hộp” có mức giá đó. Tuy nhiên, cuối tháng 10, truyền thông của VinFast khẳng định là chưa có giá bán chính thức.

Không hiểu dự định phân phối kênh bán các sản phẩm ô tô VinFast sau này sẽ như thế nào, nhưng thực tế khi tìm hiểu thì thấy trên trang Adayroi.com quả thực xuất hiện những hình ảnh và thông tin về 2 mẫu xe VinFast với lời mời: “Đăng ký ngay hôm nay để nhận các thông tin mở bán và ưu đãi mới từ Adayroi”. Đăng ký thử theo hướng dẫn thì cũng “thành công”.

Trang bán hàng trực tuyến này giới thiệu cặn kẽ với người tiêu dùng về “ô tô VinFast- siêu phẩm mang đậm tinh thần Việt” mặc dù chưa tiết lộ giá bán chính thức, nhưng những người chưa hiểu lắm về việc sản xuất ô tô của Vingroup cũng không khỏi choáng ngợp với những lời quảng cáo: “Xe ô tô VinFast mang “Bản sắc Việt - Thiết kế Ý - Kỹ thuật Đức - Tiêu chuẩn quốc tế”.

Thậm chí, người tiêu dùng trong nước mới chỉ nhìn thấy 2 chiếc ô tô này trên hình ảnh, nhưng VinFast khẳng định ở trang bán hàng trực tuyến Adayroi rằng: “Bản sắc Việt của chiếc xe không chỉ thể hiện ở mẫu thiết kế được chính người dân Việt Nam bình chọn mà còn ở biểu tượng tạo hình cách điệu chữ V trên logo. Đó là chữ cái đầu tiên trong tên nước Việt Nam”.

Thậm chí hãng này rất tự tin cho rằng: “Với việc ra mắt sản phẩm ô tô thương hiệu Việt đầu tiên tại sự kiện danh tiếng triển lãm quốc tế thường niên Paris Motor Show 2018, VinFast Việt Nam đã trở thành niềm tự hào dân tộc và ghi điểm tuyệt đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước”. Không hiểu khả năng “ghi điểm tuyệt đối” ấy được “đúc kết” từ đâu, khi mà người tiêu dùng trong nước mới chỉ nhìn thấy ô tô VinFast qua ảnh, clip?

Ngay sau màn ra mắt tại Paris, kiểu dáng, chất lượng, giá cả của 2 chiếc ô tô VinFast được các diễn đàn trên mạng và những người quan tâm đến ô tô bàn luận rôm rả.

Có người cho rằng tỷ phú Phạm Nhật Vượng (người đứng đầu Vingroup) cùng những CEO ô tô VinFast - chiếc ô tô đầu tiên của người Việt - không chỉ có ý tưởng bay bổng, mà còn dám hiện thực ước mơ làm cho ra ô tô của người Việt. Đi đầu hoành tráng trong một số lĩnh vực, nhiều người không tỏ ra nghi ngờ về việc hiện thực hóa các ý tưởng VinFast.

Tuy nhiên, cũng giống chiếc điện thoại thông minh Bphone, ô tô của người Việt chắc chắn phải chịu sự chi phối của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, và càng không thể lôi “tình cảm” yêu nước, hay lòng tự hào dân tộc ra để mong có nhiều khách hàng.

So sánh điện thoại Bphone với ô tô VinFast là không thể và khập khiễng, hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, người viết bài tin rằng, thị trường luôn sòng phẳng. Nếu không thiếu một chút cái nhìn thoáng hơn, bớt sính ngoại hơn của người tiêu dùng, nếu sản phẩm của người Việt thật sự “chất”, nếu các doanh nghiệp có ý tưởng đẹp, dũng cảm hiện thực hóa ý tưởng, rất có thể từ giấc mơ điện thoại, đến ô tô của người Việt hoàn toàn có khả năng “đấu” với những “ông lớn” ngoại ngay trên sân nhà.

Và biết đâu đấy, còn có cả giấc mơ xuất ngoại điện thoại, ô tô của người Việt…Hy vọng, điện thoại, ô tô, hay nhiều hàng Việt khác, hiểu được người tiêu dùng trong nước, để trước khi định “đem chuông đi đánh xứ người” không rơi vào cảnh “trèo cao”…

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ