Loay hoay xây dựng thương hiệu cho nông sản

GD&TĐ - Những năm gần đây, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không ngừng tăng trưởng và có thể đạt 40 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng này lại gần như giậm chân tại chỗ, thậm chí không ít loại nông sản đã phải “mượn tên” để xuất khẩu, giá trị thu về rất thấp.

Loay hoay xây dựng thương hiệu cho nông sản

Vẫn lúng túng

Tuy xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm – thủy sản tăng cao, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nông sản Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới, đặc biệt là Thái Lan và Đài Loan… Cụ thể như gạo, tuy xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng cao qua từng năm (năm 2005 đạt 1,35 tỷ USD, năm 2017 tăng lên 2,62 tỷ USD, 9 tháng năm 2018 đạt 2,5 tỷ USD), tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh về giá với Ấn Độ và Thái Lan vì đồng Baht Thái và Rupee Ấn Độ đang suy giảm mạnh so với USD.

Một số mặt hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam đã xuất khẩu sang Philippines và một số nước khác trong khu vực, nhưng qua khảo sát, hầu như người tiêu dùng các nước không hề biết các sản phẩm đó có nguồn gốc từ Việt Nam. Hay như cà phê - một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta - đang chiếm 90% kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc, thế nhưng người Hàn Quốc lại nhầm tưởng đó là cà phê của Brazil. Tương tự, các mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng khác của Việt Nam và đều nằm trong tốp đầu thế giới như: hồ tiêu, điều, cao su, chè… nhưng được rất ít người tiêu dùng trên thế giới biết đến.

Theo ông Toản, nếu xét về lượng và giá trị xuất khẩu, nông sản Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, xét về thương hiệu thì quả thực ít người tiêu dùng biết đến. Một trong những nguyên nhân chính là 90% các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài đều dưới dạng thô, từ đó họ chế biến và đóng bao bì dưới nhãn hiệu của họ.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt còn rất lúng túng trong việc bảo hộ thương hiệu. Thậm chí, gần đây nhiều thương hiệu Việt còn bị đăng ký sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn như câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, nhưng nhà sản xuất lại là Hồng Kông, hay cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng lại bị đăng ký dưới tên của một doanh nghiệp Trung Quốc…

Cần có sự liên kết

Hàng năm, Việt Nam cung cấp rất nhiều nông sản, thực phẩm cho thế giới, nhưng người tiêu dùng lại không hề biết đến đó là sản phẩm của Việt Nam. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam mới dừng lại ở mức tạo dựng thương hiệu riêng, nhưng lại thiếu liên kết trong việc xây dựng thương hiệu chung. Điều này khiến các sản phẩm nông sản của Việt Nam không có được một thương hiệu chung. Bởi vậy, mới xảy ra tình trạng nhiều siêu thị nước ngoài đã ẩn đi tên sản phẩm của Việt Nam trên sản phẩm, thay vào đó là tên siêu thị của họ, hoặc lấy một thương hiệu nước ngoài khác...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, muốn tạo dựng thương hiệu các doanh nghiệp cần phải chế biến sâu hơn các sản phẩm. Bởi nếu cứ xuất khẩu dưới dạng thô như hiện nay thì không thể có giá trị gia tăng cao khi tham gia vào chuỗi. Ngoài ra, cần phải làm cho khách hàng nhận biết, phân biệt được sản phẩm của Việt Nam so với các nước khác.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng chỉ dẫn địa lý, yếu tố có thể đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nhằm nâng cao cho hàng Việt. Hiện Việt Nam đã có khoảng 80 chỉ dẫn địa lý được đưa ra, nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tốt được điều này để xây dựng thành thương hiệu riêng, sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Theo bà Lan, thời gian tới nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần phải tổ chức liên kết sản xuất theo nhu cầu, bám sát các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cần chú trọng, ứng dụng công nghệ và chế biến sâu hơn để duy trì, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và đặc biệt là các thị trường khó tính khác như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia… khi đó người tiêu dùng mới có thể biết đến các sản phẩm của Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông sản, chế biến thực phẩm xây dựng thương hiệu, Bộ Công thương đã xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Theo đó, từ nay đến năm 2020, chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành thực phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cần đòi hỏi chính bản thân các doanh nghiệp phải đoàn kết, nỗ lực xây dựng thương hiệu thì nông sản Việt mới khẳng định được tên tuổi trên thị trường thế giới.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.