Hầu hết trường hợp không xuất hiện triệu chứng, nhưng virus Zika truyền qua muỗi được cho là liên quan đến dị tật não bẩm sinh ở trẻ em.
Theo BBC, giám đốc WHO là tiến sĩ Margaret Chan nhận định Zika đã chuyển từ "một mối đe dọa nhỏ thành cảnh báo nguy hiểm".
Thứ hai tới tiến sĩ Margaret cùng tổ chức sẽ quyết định liệu Zika có trở thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu như đại dịch Ebola khiến hơn 11.000 người tử vong hay không.
Trên Journal of the American Medical Association, một số bác sĩ cho rằng Zika "nhiều tiềm năng bùng nổ thành đại dịch" và nhân loại sẽ trả giá bằng hàng nghìn sinh mạng nếu WHO tiếp tục phản ứng chậm chạp như thời điểm Ebola bùng phát.
Được phát hiện ở Uganda năm 1947, Zika chưa bao giờ gây ra dịch. Tháng 5/2015, Brazil ghi nhận những trường hợp mắc virus đầu tiên và đến nay WHO ước tính số bệnh nhân lên đến 500.000-1,5 triệu. Zika đã lan sang hơn 20 quốc gia châu Mỹ.
Mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ (microcephaly) chưa được xác nhận nhưng tiến sĩ Chan cho rằng giả thuyết này gần như chắc chắn.
Bà lo ngại tình trạng sẽ xấu đi nhanh chóng bởi "hiện tượng El Nino năm nay khiến các quần thể muỗi tăng lên ở nhiều khu vực". Trên thực tế, đội ngũ y bác sĩ ở Recife, phía đông Brazil đã choáng váng vì lượng trẻ bị đầu nhỏ nhập viện tăng từ 5 ca một năm lên 300 ca trong vòng 6 tháng.
Quan chức từ Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ tuyên bố nước này đang phát triển 2 loại văcxin tiềm năng chống Zika. Josh Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng nói: "Hiện tại, ở Mỹ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh do muỗi là khá thấp bởi thời tiết tháng một ở khu vực Bắc Mỹ tương đối khắc nghiệt cho loài vật này. Tuy nhiên, điều này rõ ràng sẽ thay đổi".