Giờ Trái đất là sự kiện thường niên được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức vào tối thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Theo WWF, Giờ Trái đất được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Sydney, Úc vào năm 2007 và đây là năm thứ 8 sự kiện này được tổ chức với hơn 7.000 thành phố và thị trấn tại 154 quốc gia tham gia.
Giờ trái đất 2014 được bắt đầu tại đảo quốc Fiji, quốc gia ở Thái Bình Dương nằm sát đường phân cách ngày đêm quốc tế, vào lúc 20g30 giờ địa phương (15g30 giờ VN).
Thực hiện dự án “Giờ Trái đất xanh 2014” (Earth Hour Blue) do WWF phát động, tổng thống Fiji Ratu Epelei Nailatikau đã khởi động dự án cung cấp nước và sử dụng năng lượng tái tạo gồm việc cấp kinh phí mua bồn chứa nước sạch và lắp các tấm năng lượng mặt trời cho bốn làng Vesi, Ligau, Nakawaga và Matailabasa ở huyện Mali.
Ngoài ra, ông Ratu còn tổ chức bữa ăn tối gây quỹ từ thiện dưới ánh nến trong thời gian diễn ra Giờ Trái đất tại trung tâm giải trí Novotel ở vùng đô thị Lami, fijitimes.com trích đăng.
Sau Fiji, lần lượt các thành phố lớn tại các quốc gia New Zealand, Papua New Guinea, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đã dần chìm vào bóng tối trong một giờ.
Tại Anh, hơn 10 triệu người háo hức tham gia tắt đèn, hệ thống điện tại tòa nhà Quốc hội, cung điện Buckingham, cầu Tower, quảng trường Trafalgar, nhà thờ St Paul, sân vận động Wembley, London Eye được tắt đồng loạt vào lúc 20g30.
Trong khi đó, tại Jordan, một cuộc diễu hành qui mô lớn với ánh nến đi ngang qua các đường phố cổ khu Jabal Amman vào lúc 20g30. Cùng lúc này ánh sáng lâu đài Al Karak đã được tắt. Tại Hàn Quốc, quảng trường Gwanghwamun, thủ đô Seoul, Hàn Quốc cũng đã chìm trong bóng tối.
Tại Mỹ, các địa danh nổi tiếng như Cầu Cổng Vàng ở San Francisco, quảng trường Thời đại và tòa nhà Empire ở New York và tòa tháp Space Needle, Seattle cũng tham gia tắt đèn Giờ Trái đất.
Theo 3news.co.nz, tại New Zealand, hệ thống điện tại tháp Sky, bảo tàng Auckland và tòa nhà Quốc hội đã được tắt điện trong Giờ Trái đất. Giám đốc điều hành Giờ Trái đất tại WWF-New Zealand Chris Howe cho hay tắt điện Giờ Trái đất có ý nghĩa “kết nối cộng đồng, cùng chia sẻ ý tưởng để bảo vệ môi trường”.
Cũng như mọi năm, năm nay, các công trình nổi tiếng trên thế giới tham gia tắt điện Giờ Trái đất gồm nhà hát Opera, cầu cảng Sydney (Úc), tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur, Malaysia), sân vận động Tổ chim (Bắc Kinh, Trung Quốc), tháp Eiffel (Paris, Pháp), cổng Brandenburg (Berlin, Đức) hay quảng trường Đỏ (Matxcơva, Nga).
Bà Anna Rose, giám đốc tổ chức sự kiện Giờ Trái đất tại Úc nói với hãng tin ABC: “Các gia đình đã nhận thức được hành động tắt đèn trong một giờ, tận dụng thời gian này để quây quần trò chuyện hay suy nghĩ về những tác động của biến đổi khí hậu đến hành tinh xanh và tìm cách ứng, đối phó chúng”.
“Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, mà đây là chiến dịch mà tất cả mọi người trên thế giới cùng đoàn kết, thể hiện họ có thể làm gì và đề ra ý tưởng trong suốt năm để bảo vệ hành tinh” - ông Andy Ridley, giám đốc và là người sáng lập chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu - cho biết.
Thực tế cho thấy trong các năm qua, chiến dịch Giờ Trái đất đã tạo nguồn cảm hứng cho một số quốc gia nghiên cứu, triển khai thành công một số dự án có liên quan tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như Argentina thành lập khu bảo tồn biển 34.000 triệu m2, Uganda trồng 500.000 cây xanh phục hồi rừng, Paraguay ban hành luật cấm khai thác gỗ, lắp đặt đèn năng lượng mặt trời tại ba ngôi làng không có điện ở Ấn Độ.
Tại Nga, 250.000 người đã cam kết bảo vệ vùng rừng và biển của quốc gia.
Hưởng ứng Giờ Trái đất 2014, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Anh (WWF-UK) tổ chức cuộc thi thiết kế poster “sống xanh” thu hút đông đảo các nhà thiết kế, tình nguyện viên trên thế giới tham gia. Mỗi poster mang đến một thông điệp, ý nghĩa riêng với mục đích truyền cảm ứng đến mọi người hãy tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ấn tượng có lẽ là poster kêu gọi hạn chế sử dụng xe hơi phát khí thải gây ô nhiễm môi trường của tác giả Camilla Rutherford, hay là thông điệp “thời trang xanh” sử dụng các vật liệu tái chế của tác giả Phillip Treacy, và tác phẩm nhớ tắt các thiết bị điện khi sử dụng xong nguồn điện của Jason Bruges.