Hội thảo do Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cùng các đối tác trong và ngoài nước tổ chức – ngày 7/12.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển văn hóa và giáo dục liên văn hóa không còn là nhiệm vụ riêng của bất cứ quốc gia nào, mà là nhiệm vụ chung của các dân tộc trên thế giới.
Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa giáo dục của Thủ đô và đất nước.
Nhà trường không ngừng nỗ lực để tạo ra một môi trường học tập thân thiện và đa dạng, nơi mà sinh viên có thể tiếp cận những kiến thức mới mẻ, hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, và phát triển kỹ năng cần thiết để hội nhập vào xã hội toàn cầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), thành công của Hội thảo không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu về chủ đề Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập mà còn mở ra nhiều vấn đề để tiếp tục tranh biện về phạm trù liên văn hoá trong những điều kiện mới đầy thách thức.
Đối với Việt Nam, trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước, là giá trị bản ngã để khẳng định một dân tộc Việt Nam hùng cường.
Bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh), ICCE 2024 tập trung vào các chủ đề liên quan đến giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập. Các bài tham luận về những thách thức và cơ hội của giáo dục liên văn hóa trong ASEAN, sự thích ứng văn hóa của Việt Nam trong toàn cầu hóa, vai trò của giáo dục liên văn hóa trong các lĩnh vực như nghệ thuật, ngôn ngữ…
Hội thảo cũng đề cập đến các mô hình giáo dục liên văn hóa, giáo dục STEAM và các giá trị văn hóa trong giáo dục phổ thông, đại học. Ngoài ra, các diễn giả sẽ trình bày về giao lưu văn hóa Việt - Pháp, di sản văn hóa Âu-Mỹ ở Philippines; sự phát triển của giáo dục liên văn hóa trong các trường đại học và cộng đồng. Hội thảo nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác quốc tế, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Từ hơn 150 bài, Ban tổ chức đã lựa chọn khoảng 100 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia giáo dục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về giáo dục liên văn hóa; việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp nhận các bản sắc văn hóa khác nhau trên thế giới, hướng tới một viễn cảnh toàn cầu hóa đa dạng, tương tác, bình đẳng và tôn trọng giữa các nền văn hóa.