Hàng Tết giá ít tăng, đặc sản hút khách

GD&TĐ - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết nhưng so với mọi năm vào thời điểm này các trung tâm thương mại, chợ rau, nông sản xem ra vẫn khá trầm lắng. Trong khi đó, các sản phẩm nổi tiếng của vùng miền núi Tây Bắc, Đông Bắc đang kéo về Hà Nội trong sự đón nhận hồ hởi của người tiêu dùng…

Hàng Tết giá ít tăng, đặc sản hút khách

Hạn chế chi tiêu

Dạo qua hội chợ Tết tại Công viên Thống Nhất với sự góp mặt của khoảng trên 100 gian hàng đến từ nhiều địa phương, khá phong phú những loại nông sản, thực phẩm, bánh kẹo, quần áo… 

Trái với sự hối hả của những ngày cận Tết, hội chợ lại đang diễn ra khá trầm lắng, lượng người đến thăm tuy không quá vắng nhưng cũng không thể có được sự náo nhiệt của một hội chợ xuân, người đến tham quan đa phần chỉ xem xét, đánh giá, so sánh giá cả sản phẩm nhưng ít mua hàng.

Chị Hằng - Chủ gian hàng thủy sản đến từ Thanh Hóa - sau một hồi nhiệt tình giới thiệu các loại đặc sản đang bày bán đã phải thốt lên: “Ôi, từ sáng đến giờ toàn người hỏi mà không có người mua…”. 

Một chủ gian hàng bán các loại nước mắm, đồ khô thì cho biết, trung bình mỗi ngày tại hội chợ, doanh thu của quầy hàng chỉ được chừng 3 – 4 triệu đồng/ ngày, theo đà này trừ chi phí thuê gian hàng và các chi phí khác, sau triển lãm chắc không thu được là bao.

Bác Vân ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) nói: “Tôi thường đi tập thể dục buổi sáng ở công viên, Hội chợ mở ở đây cũng vui, bởi ngoài tập thể dục tôi còn được tham quan. 

Các loại hàng hóa ở đây tuy nhiều nhưng không mới lạ. Thời buổi kinh tế khó khăn, chi tiêu cũng hạn chế nên không mua sắm nhiều, có chăng chỉ vài mớ rau tươi hay chai nước mắm phục vụ sinh hoạt hàng ngày thôi…”.

Khảo sát thêm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị dù chưa thật sôi động nhưng giá những mặt hàng thiết yếu cũng đã tăng nhẹ, hàng hóa phục vụ thị trường Tết Giáp Ngọ dồi dào, phong phú. 

Tuy nhiên trong thời điểm này, dự kiến giá cả hàng hóa năm nay ít tăng so với năm ngoái, một số mặt hàng có khả năng thừa nguồn cung, do ảnh hưởng từ sự suy giảm thu nhập chung của người dân.

Quà Tết miền núi

Một mảng thị trường đáng chú ý khác đó là các shop online, các cửa hàng bán đặc sản vùng miền đang có sức lan tỏa khá mạnh mẽ, khi hình thức bán hàng qua mạng đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt thu hút giới chị em văn phòng. 

Trong dịp cận Tết những đặc sản nổi tiếng của nhiều địa phương như: Thịt lợn khô xông khói, thịt trâu gác bếp, thịt bò gác bếp Sơn La, lạp xường, nấm hương, gạo nếp Cao Bằng, măng khô Yên Bái, hành, tỏi Lý Sơn… là những mặt hàng đang được ưa chuộng mặc dù giá bán tương đối cao.

Chị Mai - Chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản địa phương trên phố Tây Sơn (Hà Nội) - cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, cứ vào dịp cuối năm doanh thu của cửa hàng lại tăng đáng kể, các loại thực phẩm có xuất xứ từ miền núi đều bán chạy vì đã có uy tín trong nhiều năm qua, thương hiệu đã dần dần được khẳng định. 

Năm nay thịt trâu gác bếp tiêu thụ mạnh hơn nhiều so với trước, dù giá bán tới 750.000 đồng/kg, nhưng vẫn được nhiều khách đặt hàng, thịt lợn khô xông khói giá 500.000 đồng/ 1kg là đặc sản đã có thương hiệu nên bán khá chạy ở thời điểm này…”.

Đặc biệt, năm nay hình thức giỏ quà Tết với những đặc sản địa phương được nhiều người đặt mua. Thay vì giỏ quà bánh kẹo, rượu, mứt, giỏ quà đặc sản có nhiều ưu điểm hơn bởi sự thực dụng, người được biếu sẵn có sản phẩm sử dụng ngay để chế biến món ăn tại nhà. 

Theo đánh giá, giỏ quà này ít khi được dùng để biếu lại vì sự độc đáo và chất lượng cao của sản phẩm. Anh Lê Minh Dương - Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân cho biết: Năm nay doanh nghiệp đã đặt khoảng 30 giỏ quà để biếu tặng khách hàng, gồm măng, miến, mộc nhĩ, thịt khô, nước mắm, gạo nếp… giá thành chỉ khoảng trên dưới 500.000 đồng/giỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.