Hàng không thiếu nhưng lực cầu yếu

Hàng không thiếu nhưng lực cầu yếu

(GD&TD)-Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Theo Bộ Công Thương, đến nay công tác chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết khá chu đáo, hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy là năm nay, sức mua của người dân không nhiều.

Người tiêu dùng vẫn e dè trong mua sắm hàng Tết (ảnh MH)
Người tiêu dùng vẫn e dè trong mua sắm hàng Tết (ảnh MH)

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công thương, đến nay, các Tổng công ty đồ uống đã triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng một lượng bia, rượu, nước giải khát tăng khoảng 15-25% so cùng kỳ năm trước.

Các công ty lương thực đã chuẩn bị gần 60.000 tấn gạo các loại, dự trữ trên 165.000 tấn gạo, bố trí hàng trăm điểm bán hàng cố định, lưu động để phục vụ việc mua sắm.

Các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu đều có kế hoạch tăng dự trữ, huy động các nhà máy đáp ứng phụ tải và dự phòng, không thực hiện các hoạt động trên lưới có cắt điện trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh thị trường hàng hóa, ngành Giao thông Vận tải, Y tế cũng cho biết đã chỉ đạo kịp thời công tác phục vụ Tết Nguyên đán.

Đã có 29 địa phương thực hiện ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết với tổng số tiền trên 1.637 tỷ đồng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu của người dân như gạo, thịt, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ quả, đường, bột ngọt, muối… Hà Nội, TPHCM cũng đã triển khai mạnh mẽ các chương trình bình ổn giá. Trong đó Hà Nội tổ chức 665 điểm bán hàng bình ổn, gấp đôi năm ngoái; TPHCM tổ chức 2.546 điểm, tăng 358 điểm so với năm trước.

Đáng chú ý, sau một thời gian duy trì ở mức cao, hiện giá các loại thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm và các mặt hàng rau củ quả tại thị trường Bắc miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đang giảm. Đây là hiện tượng trái ngược với xu hướng thị trường cận Tết Nguyên đán các năm trước.

Tại các chợ ở TP Huế và TP Đông Hà, giá các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh. Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Đông Ba (TP Huế) cho biết nguồn hàng thực phẩm thiết yếu tập trung về chợ một tuần qua tăng mạnh, trong đó các loại rau quả tăng nhiều hơn cả.

Ghi nhận từ các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố cho thấy, năm nay lượng hàng chuẩn bị cung ứng dịp tết Nguyên đán 2012 tăng từ 25 - 30% so với tết năm ngoái. Phía Co.op Mart cho biết, đã tăng dự trữ lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với các tháng kinh doanh bình thường. Tập trung vào các mặt hàng như 9.000 tấn lương thực; 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm; 1.000 tấn thực phẩm chế biến; 7.000 tấn rau củ quả; đồng thời tăng cường hàng nhãn riêng, các mặt hàng cho mùa tết, như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa, dưa món...

Hệ thống siêu thị BigC cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa tết với hơn 200 tấn mứt, bánh kẹo truyền thống, hơn 600 tấn thịt nguội và khoảng 700 tấn các loại rau củ quả chủ đạo trong mùa tết. Riêng về mặt hàng giỏ quà tặng, BigC có gần 20 loại giỏ quà Tết với các mức giá khác nhau, dao động từ 99.000 – 1,9 triệu đồng/giỏ. Ngoài ra, BigC còn cung cấp quà Tết giá rẻ 54.000 đồng và 80.000 đồng.

Các siêu thị Metro, VinatexMart, Citimart, Maximark... đều tăng cường nguồn hàng thiết yếu phục vụ mùa tết. Tại siêu thị Metro, ngoài tăng lượng hàng, hệ thống này cũng chuẩn bị rất nhiều giỏ quà tết xoay quanh các chủ đề: Xuân như ý, Xuân hạnh phúc, Xuân thịnh vượng với giá cả khá “bèo” từ 138.000 đồng  - 1.814.000 đồng/giỏ.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường tết chiếm 35% - 45% nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Năm nay các DN bình ổn đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng khá lớn để có thể cung ứng cho thị trường khi có biến động.

Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu hàng hóa Tết tăng khoảng 20-30% so với ngày thường và 10% so với năm trước. Do thời gian trước đó, giá cả đã tăng nhiều nên đến thời điểm Tết, dự báo giá cả sẽ không tăng mạnh. Nếu có biến động, chủ yếu vào những ngày giáp Tết và tập trung ở các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây… Với sự chuẩn bị chủ động, Bộ Công Thương cho rằng thị trường sẽ không xảy ra tình trạng sốt giá, thiếu hàng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, mãi lực mua sắm tết của người dân khá trầm lắng, chủ yếu khách hàng đến ngắm chứ chưa mua nhiều. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại BigC nhận định, sức mua hàng tết năm chậm hơn so với năm trước. Hiện tại chỉ có các quầy thực phẩm hút khách còn những mặt hàng mứt tết, bánh kẹo và giỏ quà được người tiêu dùng mua khá hạn chế.

Tại chợ Bình Tây (Q.6), lượng hàng về chợ không còn sôi động như năm ngoái, giá các mặt hàng Tết năm nay tăng khoảng 10% và bày bán chủ yếu là bánh kẹo nhập từ Trung Quốc. Một tiêu thương cho biết, chợ vắng khách chủ yếu là do đơn hàng từ đầu mối các tỉnh ít hơn mọi năm nên chủ hàng không dám nhập hàng về nhiều.
 
Tương tự, tại chợ Bà Chiều (Q.Bình Thạnh), chợ Tân Định (Q.3), chợ Bình Điền (Q.8)… lượng hàng về chợ chỉ tăng khoảng 10% so với ngày thường. Hiện tại, chỉ có một số mặt hàng có sức tiêu thụ tốt hơn hẳn là gạo nếp, đậu xanh, đồ khô, gia vị với giá bình quân tăng khoảng 10 - 15% so với năm trước. Còn lại các mặt hàng đều rơi vào tỉnh cảnh ế ẩm.
 
Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm như thịt heo và thịt gà lại đột ngột giảm. Đơn cử, thịt heo đùi có giá 95.000 đồng/kg, thịt heo nạc giá 110.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg. Thịt gà ta giá 82.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg…
 
Riêng mặt hàng trái cây ngoại về chợ tăng mạnh hơn với giá khá cao. Cụ thể, giá kiwi vàng là 120.000 đồng/kg, nho Mỹ đen không hạt giá 100.000 đồng/kg…

Tại Hà Nội, tại một số phố chuyên bán hoa, cây cảnh như Hoàng Hoa Thám, Kim Mã, Phạm Hùng, Hoàng Quốc Việt… năm nay, thị trường hoa khá phong phú. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các cửa hàng đang kêu trời vì ế ẩm.

Sự khác biệt của thị trường hoa năm nay so với năm ngoái là có loại hoa Địa Lan rất đẹp. Nhiều chậu lên đến 30- 40 triệu đồng, nhưng vẫn đang nằm chờ khách. Năm nay do kinh tế thị trường khó khăn, nên người dân có vẻ e dè trong việc chơi cây cảnh.

Trong bối cảnh chi tiêu của không ít người dân thủ đô cắt giảm đến mức tối thiểu thì đây là cơ hội của các DN lớn tận dụng số lượng lớn sản phẩm hàng hóa kinh doanh để giảm chiết khấu. Hệ quả là các chương trình giảm giá, khuyến mãi ầm ĩ mọi tuyến phố vẫn có sức hấp dẫn nhất định với khách hàng những ngày giáp tết. Thời điểm này, các siêu thị lớn như Hapro, BigC... vẫn tấp nập khách vào sắm hàng tết bởi giá cả khá mềm so với bên ngoài. Theo đó, tại BigC, giá mỗi giỏ quà tết (bánh mứt kẹo, rượu trà...) dao động từ 300.000 – 500.000đ/giỏ, trong khi giá thị trường luôn từ trên 500.000đ/giỏ tùy sản phẩm. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm chính như giò chả, bánh chưng, bia rượu... khảo sát tại đây sáng 13.1 đều thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10%, đặc biệt là các loại bánh mứt.

Theo dự đoán các chủ hàng, có thể năm nay phải đến tận 25 Tết, thị trường mua sắm bắt đầu mới vào mùa. Nhiều hộ kinh doanh vẫn hy vọng vào những ngày giáp Tết, khi người tiêu dùng có nhiều thời gian đi mua sắm, lựa chọn và thưởng thức Tết sẽ làm cho thị trường nhộn nhịp hơn.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ