101 kiểu “treo”
Theo Sở TN&MT TPHCM, vướng mắc của hơn 15.000 hồ sơ xin GCN quyền sử dụng đất hiện nay có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là vướng quy hoạch, mua bán bằng giấy tay (sau ngày 1/1/2018), đất chuyển mục đích sử dụng trái phép, đất lấn chiếm, đất có nguồn gốc sử dụng không rõ ràng, đất đang có tranh chấp…
Trong hàng nghìn hồ sơ ùn ứ, có không ít GCN tại các dự án chung cư, dân cư mới, dù người mua đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.
Trường hợp của bà Vũ Thị Huyền Nhung (nhà tại khu dân cư Tân Hải Minh, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) là một ví dụ. Gia đình bà đầu tư gần 2 tỷ đồng cho một nền đất tại dự án. Nhưng gần 10 năm qua, gia đình bà và hơn 70 hộ khác vẫn chưa nhận được GCN quyền sử dụng đất ngoài hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.
“Chỉ vì tin tưởng vào tính pháp lý của dự án mà gia đình tôi dốc tiền vào đây mua đất. Hiện gia đình tôi đang có việc cần một khoản tiền nhưng không thể thế chấp ngân hàng vì không có sổ hồng. Thật sự là rất bế tắc”, bà Huyền nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, rất khó để trách cơ quan quản lý khi đất đai của người dân chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Nhưng việc hàng chục nghìn hồ sơ xin cấp GCN quyền sử dụng đất đang tồn đọng lại cho thấy rõ những bất cập trong công tác quản lý đất đai.
“Việc xin cấp GCN quyền sử dụng đất tại các dự án chung cư, khu dân cư phần lớn vướng ở chủ đầu tư khi xây dựng chưa lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (vẫn là đất nông nghiệp, đất thương mại).
Xây dựng sai phép so với giấy phép của Sở TN&MT TPHCM. Tính pháp lý của dự án chưa hoàn thiện. Dự án đã cầm cố ngân hàng hoặc một phần đất vướng công tác chuyển đổi mục đích, đóng thuế… Dù là thế nào thì việc “treo” GCN tại các dự án người chịu thiệt vẫn là dân vì họ đã chồng đủ tiền cho bên mua” - ông Châu nói.
Công tác quản lý, năng lực cán bộ cần hoàn thiện hơn
Có trường hợp người dân mua đất, xây nhà pháp lý đầy đủ, nhưng khi xin cấp GCN đã gặp không ít khó khăn từ cán bộ địa chính.
Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của công dân về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức mới đây phản ánh khá rõ điều đó.
Hàng trăm ý kiến với đầy đủ hồ sơ của người dân tố cáo cán bộ địa chính nhũng nhiễu đã gửi đến đại diện HĐND TPHCM trong phiên đối thoại.
Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM vừa qua, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TPHCM thẳng thắn chia sẻ: “Đúng là có chuyện quá trình tiếp nhận hồ sơ, anh em xử sự không đúng quy định.
Ngành có quy định nhưng chấp hành không đúng gây bức xúc cho người dân. Thực tế, từ khi chuyển việc cấp GCN về Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN&MT TPHCM đã phải rà soát 1.200 cán bộ về năng lực, trình độ để sắp xếp lại. Chúng tôi đã sắp xếp lại khoảng 200 trường hợp”.
Về giải pháp cụ thể để tháo gỡ tình trạng dồn ứ hồ sơ, Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cho biết: Sở đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện buộc chủ đầu tư phải khắc phục những sai phạm trong xây dựng.
Hoàn chỉnh những công trình hạ tầng còn thiếu để làm các thủ tục xem xét cấp GCN cho cư dân. Đồng thời, tăng cường giám sát các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng các dự án chung cư nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm.
“Hiện toàn thành phố đã cấp được 62.000 GCN quyền sử dụng đất tại 194 dự án nhà ở cao tầng. Tuy vậy, vẫn còn hàng nghìn căn hộ tại nhiều dự án chung cư mặc dù người dân đã vào sinh sống ổn định vẫn chưa được cấp GCN.
Để hạn chế bất lợi cho mình, người dân khi mua căn hộ chung cư phải cụ thể hóa điều khoản buộc chủ đầu tư phải tiến hành cấp GCN quyền sử dụng đất cho căn hộ trong hợp đồng mua bán căn hộ” - ông Thắng lưu ý.