Hồi tháng 6, 13 giáo sư đại học tại Hàn Quốc bị truy tố vì dạy gia sư bất hợp pháp với chi phí cao cho các ứng viên thi tuyển vào trường âm nhạc. Theo quy định của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, giáo sư đại học không được phép dạy kèm riêng.
Nhóm này đã thông đồng với các nhà môi giới tuyển sinh để tổ chức 244 buổi dạy thêm bất hợp pháp, thu về 94 nghìn USD. Ứng viên trả phí luyện giọng, đệm đàn và chi phí thuê phòng tập chui với giá mỗi buổi dao động từ 150 - 400 USD.
Dù chi phí này chỉ phù hợp với những gia đình giàu có, bên môi giới đã sử dụng danh tiếng, ảnh hưởng của các giáo sư để quảng bá. Nhờ đó, họ giành được sự quan tâm, đầu tư từ phụ huynh, học sinh.
Cơ quan điều tra kết luận: “Các giáo sư hoàn toàn nhận thức được việc dạy thêm với chi phí đắt đỏ là bất hợp pháp nhưng họ coi đó là phương tiện kiếm thêm thu nhập”.
Ngoài ra, một số người là giám khảo cho ứng viên họ dạy thêm. Họ đã chấm điểm cao cho những ứng viên được dạy thêm “chui”. Trong nhóm bị truy tố có nhiều người từng là trưởng khoa âm nhạc của các trường đại học uy tín như Cao đẳng Âm nhạc SNU. Họ cũng nhận hối lộ từ túi xách hàng hiệu, tiền mặt từ phụ huynh muốn con trúng tuyển những trường hàng đầu.
Theo lời khai, kì thi vào các trường âm nhạc sẽ có tiết mục biểu diễn văn nghệ nhưng ban giám khảo không biết mặt thí sinh. Tuy nhiên, các giáo sư vẫn có thể xác định và cho điểm cao học viên của mình dựa trên tiết mục, giọng nói, thứ tự thi.
Ngay cả khi các giáo sư không tham gia chấm thi thì họ vẫn có nhiều cách tác động đến quá trình tuyển sinh. Cảnh sát cho biết những sinh viên có liên quan đến vụ bê bối sẽ bị tước quyền nhập học.
Sau vụ việc, Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Giáo dục Đại học, trong đó, cắt giảm chỉ tiêu đối với các trường đại học bị phát hiện gian lận tuyển sinh có hệ thống. Ngoài ra, từ nay, nếu trên 2 nhân viên trường đại học bị phát hiện làm sai quy trình tuyển sinh, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường sẽ bị giảm 5% cho lần vi phạm đầu tiên và 10% cho lần thứ 2.
Các chuyên gia tán thành, cho rằng việc sửa đổi đạo luật là bước đi nhanh chóng, mạnh mẽ của Chính phủ để phòng chống gian lận tuyển sinh đại học, nhất là ở những trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý loại gian lận này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Một giáo sư đại học ở Seoul giấu tên cho biết: “Trong tuyển sinh ngành âm nhạc, các kỹ năng thực hành đóng vai trò quan trọng hơn lý thuyết. Các giáo sư thường xuyên được mời dạy thêm dù biết điều đó là bất hợp pháp”.
Một giảng viên khác tiết lộ: “Mọi người ngầm hiểu với nhau rằng các giáo sư âm nhạc nổi tiếng tại các trường đại học hàng đầu Seoul sẽ dạy kèm riêng. Ngay cả trường đại học cũng nhắm mắt làm ngơ, miễn là họ không bị phát hiện”.