Theo quy định, các trường học phải xây dựng chương trình đào tạo về phòng chống tự gây hại cho học sinh, giáo viên, nhân viên. Tần suất tổ chức là ít nhất mỗi năm một lần qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Chương trình đào tạo gồm 2 nội dung chính. Thứ nhất là giáo dục người tham gia về bản chất của tự tử và các cách vượt qua. Thứ hai là hướng dẫn về việc hỗ trợ các cá nhân có nguy cơ tự tử cao, bao gồm cách nhận biết các dấu hiệu và chiến lược ứng phó hiệu quả.
Ông Lee Young-hoon, viên chức cấp cao tại Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, cho biết: “Những lời khuyên thiết thực về cách tìm kiếm sự giúp đỡ và cách giúp đỡ những người có nguy cơ tự tử cao sẽ giúp xây dựng và củng cố mạng lưới an toàn cứu sinh trong xã hội”.
Chính sách mới nằm trong nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm giảm tỷ lệ tự tử từ 25,2 trên 100 nghìn người xuống mức trung bình của OECD là 10,6 trong 10 năm tới. Từ năm 2003, Hàn Quốc luôn giữ tỷ lệ tự tử cao nhất trong 34 quốc gia thành viên OECD. Vấn đề trên đặc biệt nghiêm trọng ở người trẻ.
Một cố vấn thanh thiếu niên tại Seoul, Hàn Quốc, nhìn nhận chính sách mới là tích cực, có khả năng cứu sống nhiều người.
“Hơn 50% khách hàng mà tôi trò chuyện nói rằng họ có ý định hoặc cố gắng tự tử. Nếu chính sách được triển khai đúng, những chương trình giáo dục như vậy sẽ cứu sống nhiều người”, chuyên gia này nói.