Hàn Quốc đòi khai trừ Triều Tiên khỏi Liên Hiệp Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se yêu cầu xem xét lại tư cách thành viên của Triều Tiên trong LHQ.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se

Reuters ngày 23/9 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên “đùa cợt” với các cơ quan của LHQ thông qua vụ thử hạt nhân và tên lửa của mình, đồng thời khẳng định đã đến lúc xem xét lại tư cách thành viên LHQ của Bình Nhưỡng.

Cụ thể, phát biểu trước cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, ông Yun cho biết Hội đồng Bảo an LHQ nên áp dụng lệnh trừng phạt “mạnh mẽ và toàn diện hơn” với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm diễn ra hôm 9/9 vừa qua.

“Hành vi vi phạm lặp đi lặp lại và không tuân thủ theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như chuẩn mực quốc tế của Triều Tiên là việc chưa từng có trong lịch sử của LHQ.

CHDCND Triều Tiên đang chế giễu và đùa cợt với thẩm quyền của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Vì vậy tôi tin rằng bây giờ chính là thời điểm xem xét lại một cách nghiêm túc nhất về việc Triều Tiên có còn xứng đáng là một thành viên của LHQ, luôn yêu chuộng hòa bình như tất cả chúng ta hay không” - Ông Yun mạnh mẽ lên tiếng.

Bộ trưởng Hàn Quốc còn nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang không chỉ gia tăng sức mạnh hạt nhân – tên lửa của mình, mà còn là mối đe dọa khi công khai sử dụng các loại vũ khí phủ đầu. Chính vì vậy, ông Yun cho rằng đây là “cơ hội cuối cùng” để kìm hãm tham vọng hạt nhân của Triều Tiên .

Hiện nay, LHQ đang thảo luận về việc đưa ra một lệnh trừng phạt mới áp đặt lên Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng vấn đề này phụ thuộc nhiều vào thái độ của Trung Quốc.

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên , song đã mạnh lẽ lên án chương trình hạt nhân tên lửa của nước này, đồng thời từng ủng hộ lệnh trừng phạt cứng rắn của LHQ với Bình Nhưỡng hồi tháng Ba.

Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn nhiều lần kêu gọi thiết lập các cuộc đàm phán quốc tế nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề này, bất chấp sự hoài nghi của nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Theo Giao Thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ