Theo Tờ trình của Chính phủ, quy mô gói hỗ trợ khoảng 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm (2022 – 2023) với 5 nhóm giải pháp trọng tâm.
Đó là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Trong các phiên thảo luận về nội dung này trước khi bấm nút biểu quyết, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết và tính cấp bách của gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đồng thời bày tỏ lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
Luôn có hai mặt của một vấn đề và gói chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế không phải là ngoại lệ. Để sớm đưa nền kinh tế tăng tốc trở lại và phát triển bền vững thì phải kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đột phá, có sức lan tỏa lớn và triển khai phải thật nhanh.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ chắc chắn sẽ tác động đến chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, an toàn tài chính quốc gia, vay và trả nợ công.
Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ này sẽ giúp tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 6,5 - 7%/năm. Mặt khác, sẽ làm bội chi ngân sách tăng 1,2% GDP mỗi năm trong 2 năm thực hiện Chương trình.
Nợ công, nợ Chính phủ đến cuối năm 2025 lần lượt là 49 - 50% GDP và 45 - 46% GDP (vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép), song đáng lo ngại là chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể có năm vượt 25% sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.
Kèm với đó là áp lực lạm phát, nợ xấu. Đặc biệt, không thể không nhắc tới nguy cơ trục lợi chính sách cũng như khả năng xảy ra sai sót, vi phạm trong bối cảnh nguồn lực rất lớn được bố trí trong thời gian ngắn.
Trước thực tế này, trách nhiệm đặt lên vai Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là phải bảo đảm Chương trình phục hồi, phát triển đạt được hiệu quả cao nhất và hạn chế tối đa rủi ro.
Theo đó, sau khi Quốc hội thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các giải pháp thuộc thẩm quyền để thực hiện hiệu quả Chương trình.
Trong tổ chức thực hiện Chương trình cần thận trọng, có giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô. Sự vào cuộc, tham gia giám sát ngay từ đầu của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành cần cam kết và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đúng mục tiêu, đạt hiệu quả cao và không bị lạm dụng.
Với gói chính sách huy động nguồn lực quốc gia lớn như vậy, Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội cần giám sát thường niên và thường xuyên đối với việc thực hiện Chương trình.
Quá trình giám sát cần huy động kết quả đánh giá chính sách độc lập từ các tổ chức, nhóm chuyên gia độc lập. Làm được như vậy, việc quản lý các rủi ro của Chương trình sẽ sâu sát hơn và việc ứng phó với các rủi ro sẽ hiệu quả hơn.