Cần có chính sách hỗ trợ để kinh tế tuần hoàn phát triển

GD&TĐ - Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy các nhà SX, các ngành công nghiệp tại các khu vực tập trung công nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, tối thiểu phát sinh chất thải, khí thải, hướng tới một nền KT xanh hơn…

Quang cảnh Hội thảo khoa học.
Quang cảnh Hội thảo khoa học.

Hướng đi tất yếu

Sáng 26/10, Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Shinec - Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (TT Hải Phòng) tổ chức Hội thảo với đề tài: “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam”.

Khai mạc Hội thảo, TS.KH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đánh giá cao đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam (Khảo sát mô hình điểm khu công nghiệp Nam Cầu Kiền).

TS.KH Phan Xuân Dũng nhận định, đề tài có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với các đơn vị nghiên cứu, phối hợp mà còn đối với các tổ chức khác trong nước và xây dựng chính sách của Nhà nước vì mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia bền vững.

Theo TS.KH Phan Xuân Dũng, hiện Việt Nam đang thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong đó, tập trung những mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, cũng như đảm bảo mọi người ở khắp nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Một trong những mục tiêu quan trọng, đó là làm sao phải quản lý tài nguyên bền vững, sử dụng tiết kiệm, hợp lý trước tình hình tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt để hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng đó chính là chuyển đổi mô hình kinh tế sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Vấn đề KTTH đã được đề cập trong nhiều Văn kiện của Đảng, như Nghị quyết 55-NQ-TW tháng 2/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt, được cụ thế hóa thành những chính sách, pháp luật, như Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.

“Hội thảo khoa học đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam được tổ chức là cần thiết. Qua đó, nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, thảo luận và thu nhận những đánh giá, phân tích khoa học, những góp ý về phát triển KTTH ở nước ta. Kết quả của hội thảo cũng sẽ giúp việc xây dựng hoàn chỉnh đề tài khoa học của Việt Nam về vấn đề này…”, TS.KH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cũng đánh giá cao đề tài khoa học và mong cụ thể hóa được bộ tiêu chí đối với KCN Nam Cầu Kiền - nơi làm thí điểm.

Bên cạnh đó, đề tài cần rành mạch trên các tiêu chí chuẩn để thực hiện. Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ thành phố mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ công ty Cổ phần Shinec trở thành doanh nghiệp và nơi nghiên cứu khoa học công nghệ. Đồng thời, Sở giúp sức khu công nghiệp Nam Cầu Kiền để thực hiện thí điểm kinh tế tuần hoàn thành công, mở hướng lan tỏa ra các khu công nghiệp.

Thí điểm khu công nghiệp sinh thái

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải thêm, KTTH là một hệ thống kinh tế có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế có tính chủ động.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết phân tích, KTTH dựa trên ba nguyên tắc chính bao gồm: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên bằng cách kiểm soát nguồn dự trữ hữu hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo. Ngoài ra, tối ưu hóa năng suất tài nguyên bằng cách luân chuyển các sản phẩm, thành phần và vật liệu ở mức độ cao nhất. Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả của hệ thống bằng cách giảm đến mức tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực như ô nhiễm nước, không khí, đất và tiếng ồn, chất độc hại.

Còn ông Trần Xuân Việt - Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (VUSTA) cho biết, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước có trên 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động.

Theo ông Việt, xây dựng khu công nghiệp sinh thái (KCNST) sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện nền KTTH. Đối với mô hình thí điểm tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiều – nơi có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối với các hệ thống hạ tầng đồng bộ của thành phố Hải Phòng giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận tải và đi lại là lợi thế của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Nói về giải pháp xây dựng KCNST, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện chính sách để hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan triển khai có hiệu quả mô hình KCNST.

Kết luận Hội thảo, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng - Nguyễn Thiệu Anh gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, chuyên gia đã tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Đồng thời bày tỏ mong muốn thời gian tới mô hình KTTH sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính để kinh tế tuần hoàn có nhiều dư địa để phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.