Đáng chú ý, trong bối cảnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được thay đổi để phù hợp với chương trình mới, nhiều trường tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.
Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến dành 15% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, giảm 3% so với năm nay. Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp từ 50% xuống còn 40%.
Trường Đại học Nha Trang cho biết sẽ tuyển sinh dựa vào học bạ kết hợp điểm một số kỳ thi đánh giá năng lực, không xét điểm thi tốt nghiệp. Các trường như Đại học Thương mại, Đại học Sư phạm Hà Nội… cũng có lộ trình tuyển sinh để không phụ thuộc quá nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp.
Dự báo về xu hướng tuyển sinh năm 2025, một số chuyên gia cho rằng, các trường tiếp tục giảm chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp, đa dạng phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển sớm. Đa dạng phương thức xét tuyển giúp nhà trường có thêm sự lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn với đặc điểm ngành nghề đào tạo. Thí sinh cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường.
Thực hiện xét tuyển sớm, cả nhà trường và thí sinh cũng an tâm hơn, giảm bớt áp lực thi cử. Tuy vậy, việc đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển, dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm đã và đang đặt ra vấn đề về đảm bảo sự công bằng trong tuyển sinh.
Thực tế cho thấy, các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, với chỉ tiêu khác nhau nhưng đa số đều thiếu căn cứ rõ ràng trong việc xác định chỉ tiêu theo từng phương thức.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng nêu ví dụ: Ngành A của trường X có 3 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức có một tỷ lệ chỉ tiêu riêng. Khi nhìn vào sự phân chia tỷ lệ đó hẳn mỗi chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu mà trường X quy định phương thức này hay phương thức kia của ngành A có từng ấy chỉ tiêu?
Vì thiếu căn cứ rõ ràng trong xác định chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh nên nhiều trường đã chọn cách làm tiện cho mình, tức là dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, ít chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp.
Tình trạng này dẫn tới hệ quả là một số trường có điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất cao, có những ngành/trường thí sinh đạt 29 - 30 điểm vẫn rớt nguyện vọng 1. Điều này tạo ra sự bất công bằng cho thí sinh trong cơ hội được vào trường đại học tốt, nhất là học trò vùng sâu, xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng. Dư luận cũng nhiều lần có ý kiến về chất lượng xét tuyển sớm, đặc biệt xét học bạ.
Tự chủ đại học, các trường được tự quyết phương thức, chỉ tiêu xét tuyển nhưng cần đảm bảo công bằng cho thí sinh và chất lượng tuyển sinh. Trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện đối sánh nghiêm túc đầu vào và kết quả học tập của sinh viên đối với các phương thức tuyển sinh là một căn cứ có ý nghĩa thực tế và rất khoa học.
Tuy nhiên, công tác này ở các trường đại học thời gian qua chưa thực sự đều tay. Đa số chủ yếu tập trung phân tích dữ liệu theo kiểu đơn thuần lấy điểm trung bình học tập so sánh với điểm đầu vào. Một số trường làm khá kỹ, năm sau căn cứ vào đối sánh sẽ lên phương án tăng giảm chỉ tiêu theo phương thức tuyển sinh phù hợp, nhưng cũng có nhiều trường làm qua loa, thậm chí có trường không có báo cáo khảo sát.
Để hạn chế những bất cập trong tuyển sinh đại học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lưu ý các trường không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận lợi cho học sinh, xã hội.
Bộ cũng khẳng định từ năm 2025 sẽ xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm. Do đó, các trường phải thực hiện đối sánh kỹ lưỡng để xây dựng được chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo quyền được lựa chọn của thí sinh, công bằng và chất lượng trong tuyển sinh.