Đối sánh nhiều chỉ số đánh giá sát hơn chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Đối sánh theo từng chỉ số các môn thi tốt nghiệp THPT mang lại giá trị nhất định, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng...

Thí sinh Hải Dương xem phòng thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT
Thí sinh Hải Dương xem phòng thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT

Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi các môn, trung bình điểm thi từng môn Kỳ thi tốt nghiệp THPT và mới đây đối sánh tỷ lệ trúng tuyển đại học - nhập học so với số học sinh đỗ tốt nghiệp giữa các địa phương trong cả nước.

Đối sánh theo từng chỉ số như trên mang lại giá trị nhất định, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng. Tuy nhiên, việc đối sánh từng chỉ số còn mang tính phiến diện, chưa đánh giá đầy đủ về chất lượng giáo dục của địa phương này so với địa phương khác. Vì vậy, cần có giải pháp đối sánh tổng hợp nhiều chỉ số mới khắc phục tình trạng trên.

Đối sánh trung bình điểm thi các môn: Vẫn còn bất cập

Một trong những mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là: Đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục cấp THPT. Trong khi, mục tiêu cấp THPT của chương trình giáo dục 2006 là: “Hoàn thiện học vấn phổ thông, có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”.

Học sinh hoàn thành chương trình THPT phải nắm vững kiến thức, kỹ năng của các môn học. Văn, Toán, Ngoại ngữ là những công cụ quan trọng, cần thiết đối với học sinh nên là 3 môn thi bắt buộc, còn ba môn thi khác do Bộ GD&ĐT chọn hằng năm.

Từ năm 2017, ngoài 3 môn thi bắt buộc, học sinh được lựa chọn một trong 2 tổ hợp KHXH (Sử, Địa, GDCD) hoặc KHTN (Lý, Hóa, Sinh) để thi. Đây là phương thức phân hóa học sinh theo “định hướng nghề nghiệp” của tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: “Trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.

Trung bình điểm thi 9 môn của một địa phương, trường học, là điểm bình quân của trung bình các môn thi: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDCD của địa phương/trường học đó. Chỉ số này đánh giá mức độ phù hợp đầu ra học sinh so với mục tiêu “hoàn thiện học vấn phổ thông”, chưa phù hợp với mục tiêu “định hướng nghề nghiệp”.

Trong khi, hầu hết học sinh THPT hiện nay có xu hướng phân hóa theo nghề nghiệp ngay từ lớp 10, nên tập trung cho 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một số môn học liên quan đến tuyển sinh đại học, các môn còn lại học sinh chỉ học để vượt qua điểm liệt.

Điều này dẫn đến học sinh ở một số địa phương phân hóa nghề nghiệp mạnh xảy ra độ vênh giữa chất lượng thật với trung bình điểm thi. Ví dụ, Hà Nội là địa phương dẫn đầu nhiều mặt giáo dục nhưng trung bình điểm thi 9 môn xếp thứ 25/63, hay Đà Nẵng có trung bình điểm thi 9 môn xếp thứ 42/63. Với vị thứ này không phản ánh đúng chất lượng của hai địa phương nói trên.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả.

Đối sánh tổng điểm ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ: Áp lực cho vùng khó

Ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc với tất cả học sinh nên việc đối sánh tổng điểm của ba môn này sẽ so sánh, đánh giá khá đầy đủ về mặt bằng chung chất lượng giáo dục cốt lõi của các địa phương. Ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ tham gia vào nhiều tổ hợp tuyển sinh đại học nên những địa phương có thứ hạng cao theo tổng điểm 3 môn này không chỉ lợi thế trong xét tuyển đại học mà chứng tỏ đảm bảo “giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.

Tuy nhiên, coi trọng chỉ số tổng điểm 3 môn trên sẽ gây áp lực cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn, nhiều học sinh dân tộc, bởi những nơi này việc dạy và học toán, ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Nếu nhà trường quá tập trung vào ba môn học này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học những môn Khoa học tự nhiên - kỹ thuật và Khoa học xã hội - nhân văn.

Thí sinh tại Bình Thuận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT

Thí sinh tại Bình Thuận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT

Đối sánh tỷ lệ trúng tuyển đại học – nhập học

Tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học – nhập học so với số học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022, là một chỉ số mới được Bộ GD&ĐT công bố. Chỉ số này vừa thể hiện chất lượng giáo dục, vừa phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội và cả tinh thần hiếu học của học sinh của một địa phương.

Đa số địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng giáo dục tốt có tỷ lệ trúng đại học - nhập học cao, nhưng cũng có địa phương chất lượng giáo dục không cao nhưng vẫn có tỷ lệ trúng tuyển đại học cao, một phần nhờ vào tinh thần hiếu học (học để thoát nghèo). Chẳng hạn, Thừa Thiên - Huế có thứ hạng trúng tuyển đại học xếp thứ 2, Khánh Hòa xếp thứ 4, nhưng không thể nói rằng, hai địa phương này có chất lượng giáo dục cao hơn TPHCM (xếp thứ 5) và Hải Phòng (7).

Như vậy, đối sánh chỉ số tỷ lệ trúng tuyển đại học – nhập học vẫn chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Một số địa phương có tổng điểm ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và trung bình điểm thi các môn thấp nhưng tỷ lệ đỗ đại học cao là nhờ xét điểm học bạ. Nhiều học sinh không đủ năng lực học tập đại học dẫn đến nguy cơ bỏ học cao.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả.

Đối sánh tổng thứ hạng của cả 3 chỉ số

Để có thể đánh giá một cách toàn diện về chất lượng giáo dục THPT, cần có sự đối sánh sáng tạo theo chỉ số mới, đó là: Tổng thứ hạng của cả 3 chỉ số trên.

Với cách đối sánh này, cả nước chia làm 3 nhóm: Nhóm 20 địa phương tốp đầu, 23 địa phương tốp giữa và 20 địa phương tốp cuối về chất lượng giáo dục THPT.

20 địa phương tốp đầu về chất lượng giáo dục THPT: Có 20 địa phương dẫn đầu về chất lượng giáo dục THPT. Đây là những địa phương có truyền thống giáo dục, kinh tế xã hội, giáo dục phát triển.

23 địa phương tốp giữa về chất lượng giáo dục THPT: Có 23 địa phương tốp giữa về chất lượng giáo dục THPT. Đây là những địa phương ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người và chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các huyện, thị xã trong tỉnh.

20 địa phương tốp cuối về chất lượng giáo dục THPT: Có 20 địa phương tốp cuối về chất lượng giáo dục THPT. Đây là những địa phương khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân còn thấp, vùng có nhiều dân tộc thiểu số.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả.

Nguồn: Số liệu công bố của Bộ GD&ĐT và tính toán của tác giả.

Giải pháp đối sánh để xây dựng văn hóa chất lượng

Phương pháp đối sánh “tổng thứ hạng ba chỉ số” như trên chưa phải là đối sánh chính thức do Bộ GD&ĐT đưa ra. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy những địa phương có thứ hạng “tổng thứ hạng ba chỉ số” cao là những địa phương có chất lượng giáo dục tốt.

Bình Dương là địa phương tốt nhất về chất lượng giáo dục THPT, bởi không chỉ có điểm thi các môn cao, mà chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi cũng thấp nhất cả nước. Điều này cho thấy, Bình Dương thực hiện tốt yêu cầu: “Dạy thật, học thật, thi thật và chất lượng thật”. Các địa phương trong top 10 là các thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, TPHCM, Hà Nội) và địa phương có truyền thống giáo dục như Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tiền Giang.

10 địa phương tốp cuối có 6 địa phương thuộc vùng núi phía Bắc, 2 địa phương Tây Nguyên và 2 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, là những địa phương khó khăn về kinh tế, có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp trong nhiều năm.

Đối sánh là một quy trình mang tính tích cực, cung cấp các đo lường khách quan nhằm đưa ra các giá trị mang tính sáng tạo, đặt ra mục đích và phương hướng cải tiến dẫn đến đổi mới trong giáo dục. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục thực hiện đối sánh và công bố thêm nhiều chỉ số có ý nghĩa khác, như tỷ lệ trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển của các địa phương.

Qua kết quả đối sánh cho thấy, phương thức thi theo tổ hợp KHTH và KHXH vẫn chưa thực sự phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, vì thực tế học sinh chỉ tập trung học 1 hoặc 2 môn trong tổ hợp. Vì vậy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, ngoài các môn thi bắt buộc, học sinh có quyền lựa chọn 2 môn thi theo định hướng nghề nghiệp, phù hợp với khả năng và sở thích của mình.

Dựa vào kết quả đối sánh về tổng 3 thứ hạng này, các địa phương cần xem xét, đối chiếu, chẩn đoán nguyên nhân vì sao địa phương mình lại có thứ hạng cao hoặc thấp, từ đó có giải pháp cải tiến, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng.

Các địa phương tăng cường trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Các sở GD&ĐT thực hiện đối sánh với nhiều chỉ số khác nhau giữa các trường THPT, giúp các trường so sánh, đối chiếu, chẩn đoán những điểm mạnh, điểm yếu của trường mình, từ đó đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhà nước có chính sách đầu tư cho chất lượng giáo dục vùng khó, đồng thời đầu tư, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, để nâng cao tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng của học sinh Việt Nam, vì năm 2019 tỷ lệ này của Việt Nam là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Bốn đặc điểm cốt lõi

Để đảm bảo cho quá trình đối sánh thành công, các cấp quản lý giáo dục và trường học cần nắm vững 4 đặc điểm sau:

Đối sánh là quá trình đánh giá liên tục: Việc so sánh, đánh giá không chỉ làm một lần hoặc khi cần thiết, mà đòi hỏi phải có sự đánh giá, so sánh, đo lường liên tục. Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT và từng trường học phải thực hiện đối sánh liên tục.

Tìm hiểu và xác nhận phương pháp làm việc tốt nhất: Phương pháp làm việc tốt nhất của một tổ chức/đơn vị nào đó là cái tốt nhất, phù hợp nhất khi áp dụng cho đơn vị mình, sẽ mang lại hiệu quả tốt. Chẳng hạn, các sở GD&ĐT tìm hiểu các giải pháp mà một sở nào đó thực hiện thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, mà những giải pháp đó khi áp dụng vào địa phương mình là phù hợp nhất, tốt nhất.

Kiên trì, nghiêm ngặt, cam kết sử dụng: Đối sánh khi thực hiện cần có sự kiên trì, nghiêm ngặt và cam kết sử dụng của cấp quản lý đơn vị. Đối sánh phải gắn với quá trình thực hiện một cách kiên trì, không nóng vội và nhất là cam kết sử dụng kết quả đối sánh cho mục tiêu cải tiến chất lượng.

Gắn liền với quá trình cải tiến không ngừng: Mọi sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động, vì vậy, đối sánh phải gắn liền với quá trình cải tiến liên tục của đơn vị. Để đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học giữa các địa phương trong từng năm thành công, cần gắn quá trình đối sánh này với quá trình cải tiến chất lượng giáo dục liên tục của từng địa phương, mỗi trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.