Kiểm định và xếp hạng giáo dục đại học: Sân chơi để các trường đối sánh

GD&TĐ - Tham gia xếp hạng, các cơ sở giáo dục đại học có thể đối sánh, cải tiến chất lượng và định vị mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới...

Hoạt động nghiên cứu khoa học ở ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Xếp hạng đại học là tự nguyện và không bắt buộc. Nhưng tham gia xếp hạng, các cơ sở giáo dục đại học có thể đối sánh, cải tiến chất lượng và định vị mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới. Đây là một trong những tác động tích cực từ chính sách tự chủ đại học.

Văn hóa chất lượng ngày càng phát triển

Trung tuần tháng 8/2024, 3 chương trình đào tạo, gồm: Marketing thương mại, Kế toán doanh nghiệp, Tài chính – Ngân hàng thương mại của Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) đã hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

PGS.TS Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng thông tin, nhà trường đã 3 lần được công nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, vào các năm 2007, 2018, 2023. Trường thực hiện kiểm định chất lượng cho 18/18 chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học, đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Theo PGS.TS Hà Văn Sự, thông qua kiểm định, nhà trường nhìn nhận tổng thể về chất lượng các chương trình đào tạo. Từ đó, tiến hành rà soát, đánh giá lại một cách có hệ thống, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch hành động, bố trí đầy đủ nguồn lực để khắc phục những hạn chế với nỗ lực cao nhất.

Đồng quan điểm, TS Tạ Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, kiểm định chất lượng giáo dục giúp nhà trường có giải pháp cụ thể để cải tiến, nâng cao chất lượng trong quản trị, điều hành và bảo đảm chất lượng mọi mặt hoạt động. Dù không phải đích đến cuối cùng nhưng Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng là dấu mốc, động lực quan trọng để các trường tiếp tục cải tiến chất lượng; từ đó có giải pháp đột phá nâng cao chất lượng và thương hiệu.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, 204/239 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) được kiểm định chất lượng, đạt 85,35%. Có hơn 1.800 chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, văn hóa chất lượng ngày càng hình thành và phát triển trong hệ thống GDĐH của Việt Nam.

san choi de cac truong doi sanh (2).JPG
GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ngoài cùng bên phải) trao Giấy chứng nhận xếp hạng 5 sao cho các chương trình đào tạo của Trường ĐH Thương mại. Ảnh: TG

Năm học 2023 - 2024 có thêm 592 chương trình đào tạo và 12 cơ sở GDĐH được kiểm định. Trong đó, các chương trình đào tạo kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước là 447, chiếm 75,5%; chương trình đào tạo được kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài là 145, chiếm 24,49%. Số cơ sở GDĐH được kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước là 10, chiếm 83,3%; cơ sở GDĐH kiểm định bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài là 2, chiếm 16,7%.

Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của cơ sở GDĐH trong việc thực hiện trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở GDĐH, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế.

Ngoài ra, mạng lưới tổ chức kiểm định cũng được củng cố và phát triển. Năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đã công nhận hoạt động đối với 4 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam gồm: ACBSP, ABET, THE-ICE, ACQUIN, đưa số lượng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam lên 10 tổ chức, cùng với 7 tổ chức kiểm định trong nước đang hoạt động. Các tổ chức này có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

san choi de cac truong doi sanh (1).JPG
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tháng 7/2024. Ảnh: NTCC

Xếp hạng phải trung thực

Dù còn “non trẻ” nhưng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) đã ghi danh trên bảng xếp hạng quốc tế. Theo công bố của Tạp chí Times Higher Education (THE) về kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings (năm 2023), cùng 8 cơ sở GDĐH khác tại Việt Nam, Trường ĐH Phenikaa xếp thứ hạng 801 - 1000 thế giới. Trường này cũng lọt tốp 25% trường đại học có sức ảnh hưởng nhất trong quan hệ đối tác toàn cầu vì các mục tiêu phát triển bền vững (theo đánh giá của THE).

Sau 5 năm với tên gọi mới, Trường ĐH Phenikaa từng bước khẳng định vị trí trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Theo đó, trường thuộc top 1 các trường đại học và Viện Nghiên cứu của Việt Nam trong bảng xếp hạng Nature Index; top 3 Bảng xếp hạng RePEc về các tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam 2020; top 10 Ngôi sao sáng chế IPStar giai đoạn 1/2016 - 9/2021. Trường cũng đạt 4 sao theo đánh giá của Hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học.

Đầu tháng 5/2024, 3 chương trình đào tạo của Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) được Viện Đổi mới sáng tạo UPM xếp hạng đạt chuẩn 5 sao. PGS.TS Hà Văn Sự cho hay, các chương trình được Viện Đổi mới sáng tạo UPM (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đánh giá, xếp hạng 5 sao (theo bộ tiêu chuẩn của UPM với 7 tiêu chuẩn và 44 tiêu chí), gồm: Quản trị kinh doanh, Kế toán doanh nghiệp, Quản lý kinh tế.

Đây là hệ thống xếp hạng đối sánh về mức độ xuất sắc của chất lượng giáo dục. Hiện có hơn 100 cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo của các quốc gia: Hoa Kỳ, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myanmar, Brunei và Việt Nam tham gia.

Đề cập đến vấn đề xếp hạng, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Đổi mới sáng tạo UPM nhấn mạnh, đây là hình thức đối sánh, phương pháp và công cụ cơ bản, hữu dụng của quản trị và kiểm định chất lượng. Không đối sánh thì không biết mình ở đâu. “Trung Quốc đã chủ động đối sánh, lập nên bảng xếp hạng Giao thông nổi tiếng. Từ thông tin đó, họ đã định hướng phát triển nhanh nhiều đại học đẳng cấp”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Nhấn mạnh, tham gia xếp hạng phải trung thực, GS.TS Nguyễn Hữu Đức trao đổi, xếp hạng là “hội nhập KPIs” nhưng phải tiếp cận bằng quan điểm vị nhân sinh, vị thực chất và hiệu quả phục vụ cộng đồng. Đó là cái đi trước, kết quả xếp hạng là hệ quả theo sau.

Bên cạnh đó, các bộ tiêu chí không bao giờ hoàn hảo mà cần cập nhật theo thời gian, phù hợp với xu thế và thực tiễn. Không có bộ tiêu chí nào phù hợp các trường có sứ mệnh khác nhau. Nên cần kết hợp nhiều phương pháp, bộ tiêu chí. Tuy nhiên, xếp hạng là “cuộc chơi” không bắt buộc, trường nào muốn thì tham gia. Nếu có phương pháp tự đánh giá mà cộng đồng thừa nhận và tự truyền thông được, trường có thể chủ động, tuỳ biến.

san choi de cac truong doi sanh (3).jpg
Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

Tác động tích cực từ tự chủ đại học

Không ủng hộ việc bằng mọi cách để “mua” xếp hạng nhưng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu không xếp hạng, không theo luật chơi quốc tế, không tham gia vào sân chơi thế giới, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng. Khi không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đi đâu, về đâu.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, xếp hạng đại học là sân chơi giúp các trường có khả năng đối sánh để biết mình mạnh, yếu ra sao và đang ở đâu so với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, cải tiến chất lượng, nâng cao vị thế. Vì vậy, chúng ta nên tham dự cuộc chơi này vì nó mang lại lợi ích cho tất cả: Nhà trường, người học và xã hội. Theo đó, trường đại học Việt Nam cần lựa chọn để tham gia các bảng xếp hạng. Điều này cần thiết để hội nhập quốc tế và cũng là thực hiện Luật Giáo dục đại học.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ, xếp hạng đại học là chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường. Hiện, có bài viết về hiện tượng một vài đại học lớn “từ bỏ sân chơi” xếp hạng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bản chất xếp hạng đại học là một dạng benchmark (kiểm chuẩn) để đối sánh, đảm bảo chất lượng.

Trên thực tế, thứ hạng trong bảng xếp hạng của các trường đại học trên thế giới được xem là tiêu chí hàng đầu để các trường đại học lựa chọn hợp tác liên kết đào tạo. Theo TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyên tắc để nhà trường lựa chọn đối tác liên kết là, các trường đó phải nằm trong bảng xếp hạng thế giới. Đồng thời, đối tác liên kết phải đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo; các chương trình phải được kiểm định và tuân thủ đúng quy định của pháp luật theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, tùy từng thời điểm mà đơn vị ưu tiên lựa chọn đối tác nhằm hỗ trợ tốt công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như thuận lợi trong việc chuyển đổi, trao đổi sinh viên. Những yếu tố này góp phần tạo ra môi trường quốc tế hóa cao trong trường đại học, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Số lượng trường đại học được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới ngày một tăng, bà Nguyễn Thu Thủy thông tin. Điều đó cho thấy, cơ sở GDĐH đã ý thức rõ trách nhiệm kiểm định và coi đây là hoạt động thường xuyên để nâng cao chất lượng. Đây cũng là một trong những tiêu chí để tăng cường hội nhập quốc tế.

Thông qua các hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi, dẫn đến thay đổi hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường, sang đào tạo theo chuẩn đầu ra, tiến tới theo năng lực của người học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của cơ sở GDĐH và cao đẳng sư phạm.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, xếp hạng đại học là tự nguyện và không bắt buộc đối với các trường. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng các trường tham gia xếp hạng gia tăng. Cùng đó, ngày càng có nhiều trường đăng ký tham gia kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH đối với các tổ chức kiểm định uy tín của nước ngoài.

Qua đó cho thấy, tín hiệu tốt về việc hội nhập quốc tế của cơ sở GDĐH Việt Nam. Qua xếp hạng, kiểm định giúp các trường đối sánh cải tiến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và định vị được mình đang ở đâu trong bản đồ giáo dục đại học thế giới. Đây là một trong những tác động tích cực đáng kể từ chính sách tự chủ đại học.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ sát hạch kiểm định viên cuối năm 2024 cho gần 500 người và cấp thẻ kiểm định viên cho 169 người đạt yêu cầu sát hạch, tăng tổng số kiểm định viên có thẻ lên 513 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ