Madagascar là một quốc gia vùng Đông phi, có cư dân chủ yếu là người Merina. Bộ tộc này tin rằng, chết không phải là hết, mà chỉ là tiến vào cuộc sống thứ hai.
Chỉ có "thế giới người sống" và "thế giới tổ tiên"
Tại Madagascar, người Merina chiếm khoảng 27% dân số - khoảng 5 triệu người, cư trú trên toàn lãnh thổ. Tiếng Merina cũng là quốc ngữ của Madagascar. Cứ mỗi 5-7 năm một lần, người Merina lại tưng bừng tổ chức Famadihana, một nghi lễ đoàn tụ với tổ tiên.
"Với chúng tôi, tổ chức xã hội chỉ được phân chia thành hai: thế giới người sống và thế giới tổ tiên (người chết)" - Miora Mamphionona, nhà nhân chủng học Madagascar cho biết.
Người Merina.
Người Merina tin rằng, chết không phải là hết, mà là bước vào thế giới của tổ tiên. Trong thế giới ấy, người đã khuất sẽ bắt đầu kiếp sống thứ hai, và gần như nó chẳng khác gì với thế giới người sống cả.
"Thế giới tổ tiên" của người Merina là những ngôi mộ gia đình nằm trên đỉnh cao nguyên. Tất cả được xây cất cực kỳ công phu, chia thành các ngăn khác nhau, xếp hài cốt người qua đời. Tất cả các hài cốt đều được bọc kín kẽ trong vải lụa.
Thường thì khi có một người nào đó trong gia tộc nằm mơ thấy tổ tiên và linh hồn ấy nói rằng họ cảm thấy lạnh, cần quần áo mới, người Merina sẽ xem xét việc tổ chức Famidihana. Họ xin phép Ombiasy, nhà chiêm tinh của bộ tộc, xem ngày giờ phù hợp để mở và đóng cửa mộ.
Một ngôi mộ tổ của người Merina.
Nghi thức đoàn viên với người chết vui vẻ nhất
Theo nghiên cứu khảo cổ, người Merina có mặt tại Madagascar từ khoảng năm 200-500. Tổ tiên đầu tiên của họ là người Nam Đảo, gốc Đông Nam Á, cụ thể là người Mã Lai-Indonesia. Họ lênh đênh tìm đất mới trên biển, cuối cùng phát hiện hòn đảo rộng lớn Madagascar.
Sau các nhóm di cư người Nam Đảo gốc Đông Nam Á là nhiều nhóm dân tộc khác, bao gồm từ người Ả Rập đến Ấn Độ, Châu Âu, nô lệ Châu Phi… Trải qua thời gian, sự giao thoa chủng tộc và văn hóa hình thành, tạo nên dân tộc Merina.
Người Merina sẵn sàng mọi thứ cho một Famadihana tưng bừng.
Tín ngưỡng Merina gọi mảnh đất dưới chân mình là tanin"drazana (vùng đất của tổ tiên). Họ vô cùng yêu mến quê hương. Người đã khuất luôn được an táng tại chính quê gốc, trong ngôi mộ tổ tiên của dòng họ. Nếu qua đời ở nơi xa, quan tài sẽ được đưa về "quê cha đất tổ" trong dịp Famidihana.
Trước thời điểm tổ chức Famidihana 2 ngày, các thân nhân người đã khuất cũng như khách khứa lội bộ cả vài km lên khu vực chôn cất (thường được xây trên đỉnh đồi). Ai nấy lỉnh kỉnh nào thức ăn, nhạc cụ, chiếu, vải… chuẩn bị cho Famidihana.
Đúng buổi sáng ngày mở mộ, mọi người tập trung trước cửa lăng gia đình. Mặc dù phân chia thế giới làm hai (người sống và người chết), tín ngưỡng Merina lại cho rằng người qua đời không lập tức bước ngay sang thế giới của người chết.
"Người chết chưa được đảo hướng lần nào, thì không hẳn thuộc về thế giới người sống, cũng chưa bước sang thế giới tổ tiên," – Mamphionona tiếp tục. Famadihana là nghi lễ được tổ chức để người đã khuất thật sự rời dương gian, sang "thế giới tổ tiên" bắt đầu cuộc sống mới.
Tất cả vui vẻ, nhảy múa, ăn mừng với xương cốt người đã khuất.
Trong buổi lễ Famadihana, tất cả các hài cốt chưa từng trải qua "đổi đầu xương" sẽ được khiêng ra ngoài. Thân nhân còn sống của họ cẩn thận đỡ lấy, dùng vải lụa mới bọc lại thật kỹ càng, sau đó kính cẩn viết tên người mất lên.
"Phút đoàn tụ với người đã khuất là khoảnh khắc hạnh phúc. Tất cả đều phải vui vẻ chứ không được tỏ ra buồn rầu," – Mamphionona phân tích.
Đúng như ông nói, người Merina không tiến hành Famadihana trong sự mặc niệm đau thương, mà hết sức tưng bừng. Ngay sau khi gói ghém và viết lại tên cho bộ hài cốt xong, họ vui vẻ khiêng lên vai, diễu hành, nhảy múa.
Lúc ra đưa chân, lúc vào đưa đầu
Suốt cả ngày Famadihana, khách khứa tha hồ ăn no uống say, tươi cười trò chuyện, nhảy múa rộn rã. Các nhạc cụ truyền thống vang lên, bài nào bài nấy hết sức tươi vui.
Các gia chủ Merina không tiếc tiền tổ chức Famadihana. Họ thậm chí chi khoản tiền xây cất, tân trang mộ tổ còn nhiều hơn cả xây nhà ở. Khách khứa cũng phúng viếng bằng tiền. Đa phần số tiền ấy được tặng cho người đã khuất khi quay trở lại mộ.
Cũng trong ngày Famadihana, các bộ xương được tắm nắng, hấp thu năng lượng Mặt trời. Người Merina tin rằng, ánh dương chính là năng lượng sống, mang đến sự tích cực. Ngược lại, bóng đêm là hiện thân của tà ác, che giấu những điều xấu xa. Họ sẽ đưa hài cốt trở vào mộ trước khi mặt trời khuất núi.
"Khi hài cốt được khiêng ra khỏi mộ, phần chân sẽ được đưa ra ngoài trước" – Mamphionona nói thêm: "Nhưng khi kết thúc Famidihana và đưa trở lại vào bên trong mộ, phần đầu mới được đưa vào trước".
Sự đổi ngược này đại diện cho một vòng "sự sống-cái chết" khép kín. Người đã khuất lúc này sẽ bước vào thế giới tổ tiên, sống cuộc sống thứ hai.
Cùng với việc "trở đầu-chân", người Merina còn đặt nhiều quà cáp, tiền bạc và rượu bên cạnh hài cốt. Các hài cốt cũng có thể tham gia Famidihana nhiều lần. Nhưng Famidihana thì chỉ được phép tổ chức mỗi 5-7 năm một lần.