Ưu tiên cấp tiểu học, đáp ứng dạy 2 buổi/ngày với lớp 1 năm 2020
Theo báo cáo của các địa phương về thực trạng cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị dạy học (TBDH) năm 2018, cả nước có 567.012 phòng học; trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỷ lệ kiên cố 74,9%. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp ở mầm non là 0,96, tiểu học là 0,89, THCS là 0,84, THPT là 0,85.
Cục trưởng Cục CSVC (Bộ GD&ĐT) Phạm Hùng Anh cho biết, đối với THCS, THPT có thể khá yên tâm về CSVC; riêng với tiểu học còn khoảng 10% chưa có đủ phòng học để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; tuy nhiên chúng ta còn thời gian chuẩn bị vì bắt đầu từ năm 2020 mới bắt đầu triển khai với lớp 1.
Với phòng học bộ môn, phòng chức năng, hiện mới đáp ứng được khoảng 70% so với yêu cầu. Về thiết bị dạy học các cấp, theo báo cáo của địa phương, hiện trung bình mới đạt được khoảng 50% với tiểu học; khoảng 50 - 60% với THCS và THPT.
Định hướng về CSVC, TBDH khi thực hiện Chương trình GDPT mới, ông Phạm Hùng Anh cho biết, yêu cầu với cấp tiểu học phải bảo đảm yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày; cấp THCS, THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.
Về TBDH, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục TBDH theo lộ trình thực hiện Chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay…
Dự kiến quý I/2019, danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020 – 2021 sẽ được ban hành. Quý I/2020, dự kiến xây dựng và ban hành danh mục TBDH tối thiểu cho các lớp còn lại theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 – 2025; Thông tư ban hành Quy định về điều kiện CSVC các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học…
Về trách nhiệm của địa phương, ông Phạm Hùng Anh đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT; trong đó tập trung vào một số mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn 2017 - 2020: Ưu tiên bố trí đủ phòng học cho các cấp học; mua sắm bổ sung TBDH tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; đầu tư cải tạo một số phòng học bộ môn cho cấp THCS, THPT; mua sắm bổ sung bàn ghế 2 chỗ ngồi cho những nơi chưa có; bổ sung thiết bị CNTT, dạy học ngoại ngữ. Trong đó, ưu tiên cấp tiểu học trước để giải quyết, đáp ứng được việc dạy 2 buổi/ngày với lớp 1 trong năm 2020…
Ảnh minh họa |
Đẩy mạnh bồi dưỡng, chú trọng xây dựng chính sách tạo động lực cho nhà giáo
Báo cáo những việc đã triển khai để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDPT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở Đề án này, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho Chương trình ETEP.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, CBQL giáo dục; tiến hành rà soát, sửa đổi các chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông cùng các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn; xây dựng tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn GV, CBQL trường phổ thông cốt cán; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Viên chức; ban hành qui định về đào tạo văn bằng 2 mã ngành đào tạo GV; nghiên cứu định mức lao động kinh tế kỹ thuật của giáo viên phổ thông theo Chương trình GDPT mới...
Trong thời gian tới, theo ông Hoàng Đức Minh, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các Sở/Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn GV phổ thông cốt cán và CBQL trường phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình. Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, CBQL theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó có một số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình GDPT mới. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, CBQL trường phổ thông thống nhất trong cả nước. Sở/Phòng GD&ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình đào tạo mới.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục cũng lưu ý các Sở/Phòng GD&ĐT quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Sở/Phòng GD&ĐT trong tuyển dụng, sử dụng GV; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Trong đó, chú ý:
Thực hiện triển khai tốt chuẩn nghề nghiệp GV để từ đó có lực lượng đội ngũ cốt cán hợp lý nhất về số lượng, cơ cấu và chất lượng để cử đi bồi dưỡng tập trung ở Trung ương và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn... trong quá trình triển khai bồi dưỡng đại trà GV ở địa phương. Chuẩn bị các điều kiện triển khai tập huấn, bồi dưỡng GV bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT và SGK mới.
Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới, xác định đối tượng và số lượng GV cần bồi dưỡng từng năm để tổ chức bồi dưỡng đại trà ở địa phương theo phương thức ứng dụng CNTT – GV tự học các bài giảng, tài liệu đã được đưa lên mạng, có sự hỗ trợ của GV cốt cán; chủ động phối hợp và đặt hàng với các cơ sở đào tạo GV để đào tạo mới, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông và bồi dưỡng GV và CBQL cơ sở GDPT...